+Aa-
    Zalo

    kháng sinh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo các bác sĩ, tác hại đầu tiên của thực phẩm có chứa nhiều kháng sinh là gây dị ứng và nhiều phản ứng không có lợi cho cơ thể.

    Phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam đều có chứa kháng sinh. Theo các bác sĩ, tác hại đầu tiên của thực phẩm có chứa nhiều kháng sinh là gây dị ứng và nhiều phản ứng không có lợi cho cơ thể. Về lâu dài, việc vô tình hay cố ý sử dụng nhiều kháng sinh có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận. Mặt khác, kháng sinh vào cơ thể con người sẽ gây kháng thuốc.

    Phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam đều có chứa kháng sinh?

    Nhu cầu ăn uống, đặc biệt là nguồn thực phẩm từ gia cầm, gia súc của con người hàng ngày là không thể thiếu, và ngày càng tăng cao. Thế nhưng, tại Việt Nam, phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp đều có chứa kháng sinh. Đồng thời, tỉ lệ đa kháng kháng sinh trên các loài gặm nhấm bắt tại trại chăn nuôi cao hơn 8 lần so với các loài bắt trong môi trường tự nhiên.

    Tiến sĩ Carrique-Mas, Chủ nhiệm nghiên cứu thuộc đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (đặt tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) cho biết gia cầm dùng đến 85% thuốc kháng sinh được sử dụng trong mục đích phòng bệnh qua đường uống. Ngoài ra, còn một lượng lớn kháng sinh có sẵn trong nhiều sản phẩm thức ăn công nghiệp.

    Theo kết quả khảo sát tình trạng chăm sóc gà bằng kháng sinh ở 208 trang trại tại đồng bằng sông Cửu Long của tổ chức này, trung bình mỗi con gà thịt “ăn” đến 470mg chất kháng sinh. Lượng kháng sinh này cao gấp 5-7 lần so với châu Âu.

    Kết quả điều tra tình hình sử dụng thức ăn chăn nuôi có bổ sung kháng sinh 923/1.356 (68,07%) số cơ sở được khảo sát có sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chứa kháng sinh.

    Hàm lượng kháng sinh đưa vào thức ăn từ 20-600mg. Cụ thể: Lincomycin 20 mg/kg, Tilmicosin 200 mg/kg, Tylosin 40 mg/kg, Kitasamycin 300 mg/kg, Flofenicol 100 mg/kg, Colistin 150 mg/kg đặc biệt, Halquinol 600 mg/kg... Hàm lượng Ampicillin là 300mg/kg cũng khá cao.

    Theo Chủ tịch Hội Thú y VN, với hàm lượng các chất được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi như vậy, rất là nguy hiểm bởi người chăn nuôi thì không nắm được các chỉ tiêu hàm lượng này.

    Để kích thích tăng trọng chỉ giới hạn 20-50ppb để cho vào thức ăn, nhưng nếu theo kết quả trên, hàm lượng lên tới 400-500 ppb hay 600mg như vậy thì chắc chắn được dùng cho việc phòng bệnh cho vật nuôi.

    Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Có đến 90% kháng sinh được bán không có đơn của bác sĩ, trong khi những người bán thuốc lại thường không có kinh nghiệm. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt cũng ở mức báo động.

    Tại Việt Nam, phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp đều có chứa kháng sinh.

    Dùng kháng sinh kích thích tăng trọng?

    PGS.TS Lê Văn Thọ, ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết kháng sinh dùng trong chăn nuôi gồm ba mục đích: kích thích tăng trọng, phòng bệnh và chữa bệnh.

    Trong đó liều thấp nhất với mục đích kích thích tăng trọng, liều trung bình để phòng bệnh và liều cao để điều trị.

    “Thế nhưng với hàm lượng kháng sinh thấp để kích thích tăng trọng thì không đủ nồng độ ức chế sự phát triển của vi khuẩn, vì thế các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thường bổ sung kháng sinh liều cao với mong muốn vật nuôi không bị bệnh, không bị tiêu chảy để người chăn nuôi ưa chuộng và tin dùng”, PGS.TS Lê Văn Thọ nói.

    Bên cạnh đó khi thời tiết thay đổi, để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi thường mua kháng sinh pha vào nước uống hoặc trộn thức ăn, vô tình làm cho kháng sinh chồng kháng sinh (kháng sinh có sẵn trong thức ăn và kháng sinh cấp thêm qua nước uống hoặc qua thức ăn).

    Một vấn đề nữa là khi vật nuôi bị bệnh, phần lớn người chăn nuôi  mua thuốc về tự điều trị. Nếu vật nuôi bị bệnh nặng điều trị không khỏi thì kêu thương lái đến bán.

    “Buổi sáng vừa tiêm kháng sinh xong thì buổi chiều bán gia súc để làm thịt, trong thời gian ngắn như vậy kháng sinh chưa thể đào thải hết khỏi cơ thể vật nuôi. Thịt của vật nuôi đó không thể là thịt sạch được bởi nó vừa là con vật bệnh, vừa tồn dư kháng sinh” - PGS.TS Lê Văn Thọ cho biết.

    Kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe con người

    Theo bác sĩ (BS) Lê Quang Hào - Viện Dinh dưỡng quốc gia, tác hại đầu tiên của thực phẩm có chứa nhiều kháng sinh là gây dị ứng và nhiều phản ứng không có lợi cho cơ thể.

    Bác sĩ Lê Quang Hào - Viện Dinh dưỡng quốc gia.

    Về lâu dài, việc vô tình hay cố ý sử dụng nhiều kháng sinh có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận. Mặt khác, kháng sinh vào cơ thể con người sẽ gây kháng thuốc.

    Ảnh hưởng lớn nhất của việc lạm dụng kháng sinh chính là sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể, cơ thể trở nên “lờn” các loại vi khuẩn gây bệnh, “lờn” thuốc. Khi đó thì dù có uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi bệnh và sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc.

    “Lâu nay người ta cứ tưởng kháng sinh sử dụng để chữa bệnh cho người là chính. Tuy nhiên các nhà khoa học vừa công bố 70% lượng kháng sinh được sản xuất trên toàn cầu là sử dụng cho vật nuôi, thậm chí còn dùng cho cả cây trồng. Vì vậy, có thể nói là hằng ngày con người đang âm thầm tiêu thụ một lượng kháng sinh khổng lồ” - BS Lê Quang Hào lo ngại.

    Tại Việt Nam, phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chứa kháng sinh. Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng đại học Oxford vừa dự đoán kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam sẽ tăng 157% từ năm 2010 đến 2030. Như vậy, nếu tình trạng này cứ kéo dài và phát triển thì sức khỏe con người lại một lần nữa bị đe dọa bởi chính chúng ta.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khang-sinh-a210056.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.