“Ngoài nguy cơ gây nhiễm độc cho động vật không xương sống ở tầng đáy của sông, bột lưu huỳnh còn rất dễ cháy và khi cháy sẽ sản sinh ra khí SO2 đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe con người” – PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định.
Vừa qua, báo chí phản ánh, có khoảng hơn 3 vạn tấn lưu huỳnh được chất thành 3 "núi" màu vàng chanh, trải rộng và chỉ cách cầu cảng Hoàng Diệu (trực thuộc cảng Hải Phòng, Tp. Hải Phòng) khoảng hơn chục mét. Được biết, toàn bộ số lưu huỳnh này bị ứ đọng ở cảng gần một tháng qua.
Do không được che chắn cẩn thận nên một lượng không nhỏ lưu huỳnh bị rơi vãi, trôi dạt tại cảng. Và thay vì được thu gom lại, người dân thấy công nhân trên cảng thản nhiên hất lưu huỳnh xuống sông.
Trong quá trình lưu huỳnh bị đốt cháy sẽ sản sinh ra khí SO2 rất độc hại đối với môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. |
Phản hồi về vụ việc, ông Trần Lưu Phương - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cảng Hoàng Diệu cho biết, số lưu huỳnh này là của Công ty Traco nhập về, được tập kết ở khu vực cầu cảng chờ bốc xếp lên tàu hỏa để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết mấy ngày qua mưa nhiều, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông khu vực Lào Cai; cùng với đó, phía đối tác Trung Quốc hiện đang tạm ngưng việc nhập khẩu mặt hàng này nên dự kiến trong 10 ngày tới, số lưu huỳnh này mới có thể rời cảng.
Tuy nhiên, theo phân tích của PGS. TS. Trần Hồng Côn - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), thứ nhất, lưu huỳnh vốn không mùi, không vị, không tan trong nước. Ở điều kiện nhiệt độ thường, lưu huỳnh về cơ bản không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, khi bị đổ xuống sông, chất này sẽ đọng lại dưới tầng đáy và gây nhiễm độc chủ yếu cho các loài động vật không xương sống.
Thứ hai, lưu huỳnh là chất rất dễ cháy. Khi không có các biện pháp che chắn cẩn thận, đảm bảo thì chỉ một chút sơ ý, để xảy ra tình trạng lưu huỳnh bén lửa thì gây nguy cơ cháy, mất an toàn trên diện rộng. Đặc biệt, trong quá trình lưu huỳnh bị đốt cháy sẽ sản sinh ra khí SO2. Đây là loại khí rất độc hại đối với môi trường. Khi ngửi, hít phải khí này, con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đường hô hấp, nhiễm độc da, thậm chí có thể tử vong.
Đại diện cảng cho biết, để kiểm tra tình trạng này, cảng hứa sẽ cho trích xuất camera khu vực cầu cảng, nếu phát hiện có sự việc sẽ xử lý ngay. Ảnh: Công an nhân dân |
Được biết, theo thông tin từ Cảng vụ Hải Phòng, chiều 17/10, đơn vị đã tổ chức cuộc họp khẩn với UBND quận Ngô Quyền, Cảnh sát PCCC, Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Hải Phòng, Cảng Hải Phòng và chủ hàng để triển khai biện pháp bảo đảm an toàn. Tại cuộc họp, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hải Phòng khẳng định bãi chứa lưu huỳnh chưa có dấu hiệu vi phạm về môi trường.
Trao đổi thông tin với báo chí, một lãnh đạo Cảnh sát PCCC Tp. Hải Phòng cho biết, cảng Hoàng Diệu là cảng chuyên vận chuyển hàng rời nên hàng hóa nhập xuất hàng ngày là bình thường. Lưu huỳnh cũng vậy, phía cảng phải đảm bảo quy định an toàn phòng chống cháy nổ về kho bãi, vận chuyển. Cảnh sát PCCC cũng tiến hành kiểm tra theo định kỳ đã quy định hàng năm.
Liên quan tới vấn đề trên, Chánh văn phòng cảng Hải Phòng xác nhận, cảng tiếp nhận mặt hàng lưu huỳnh nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ phát hiện được hành vi quét, đổ lưu huỳnh xuống nước. Lượng lưu huỳnh bị rơi vãi, thất thoát ra khỏi khu bảo quản sẽ được cảng thu gom lại thành đống để bên chủ hàng là công ty Traco đến thu lại.
Vũ Đậu