Theo thông tin trên Yahoo News, Cơ quan hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) vừa thông báo đã đưa hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat vào trực chiến.
Tại một sự kiện ở thủ đô Moscow (Nga), ông Yury Borisov - Tổng Giám đốc Roscosmos xác nhận thông tin nói trên nhưng không nêu cụ thể thời điểm tổ hợp siêu tên lửa này được triển khai.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 cho biết, Moscow sẽ sớm triển khai hệ thống tên lửa Sarmat. Nhà lãnh đạo Nga từng mô tả đây là "siêu vũ khí", khiến đối phương phải "suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động".
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Nhà Trắng John Kirby từ chối bình luận về thông tin này.
Dự án siêu tên lửa Sarmat được Nga khởi động vào năm 2011 nhằm thay thế dòng R-36M lạc hậu. Đây là một trong 6 "siêu vũ khí" được Tổng thống Putin giới thiệu đầu năm 2018, từng trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trước lần phóng thử thành công quả đạn hoàn chỉnh ngày 20/4/2022.
Quân đội Nga cho biết: "Mẫu tên lửa mới có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa, sử dụng nhiều quỹ đạo bay khác nhau. Sarmat có những tính năng độc đáo, cho phép nó xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện tại và tương lai".
Được biết, mỗi quả đạn Sarmat dài 35,5m, có đường kính 3m, mang được 10-15 đầu đạn hạt nhân hồi quyển độc lập (MIRV) với tổng sức mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, kèm theo nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.
XEM THÊM: Tin tức Ukraine mới nhất ngày 2/9: Tiết lộ vũ khí tầm xa tự chế của Ukraine
Nga tin chắc rằng do đặc điểm vượt trội, Sarmat có thể vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại và được coi là vũ khí có tầm bắn lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu chính thức của Nga, tên lửa Sarmat có tầm bắn hơn 11.000 km và có thể mang đầu đạn nặng 10 tấn. Bên cạnh đó, hệ thống tên lửa này có thể lắp đầu đạn siêu vượt âm Avangard hoặc nhiều loại phương tiện lướt siêu vượt âm trong tương lai.
Tổng cộng 46 hệ thống tên lửa Sarmat sẽ được bàn giao cho quân đội Nga. Các hệ thống tên lửa này sẽ được đặt trong hầm phóng của tên lửa R-36M2 Voyevoda đời cũ do Liên Xô phát triển, giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian triển khai.
Đinh Kim(T/h)