Tin tưởng trang web Lazada.vn, vị khách đặt mua chiếc tivi Samsung giá gần 14 triệu đồng và đã thanh toán đầy đủ. Song, sau gần một tháng thứ khách hàng nhận được chỉ là sự bực bội.
Kinh doanh mập mờ, thiếu tôn trọng khách hàng?
Anh Nguyễn Vũ (Hà Nội) cho biết, ngày 8/12, anh đặt mua một chiếc Tivi 49 inch màn hình cong trên trang web Lazada.vn và thanh toán khoản tiền hơn 14 triệu đồng bằng thẻ tín dụng.
Những tưởng sẽ được sở hữu một sản phẩm chất lượng với giá “hời” nhưng không ngờ đến ngày 16/12, anh Vũ nhận được điện thoại của bưu cục Thanh Xuân yêu cầu phải trả tiền mới có thể nhận được hàng.
“Tôi không đồng ý vì đã thanh toán hết tiền từ ngày 8/12 nên có gọi trực tiếp đến Lazada để được hỗ trợ thì nhận được sự trả lời quanh co. Đến ngày 21/12, họ (phía Lazada - PV) thông báo với tôi là đã hết hàng và hẹn đến ngày 22/12 sẽ có người liên hệ để giải quyết.
Tuy nhiên đến ngày hẹn, tôi không nhận được bất cứ sự liên hệ nào, đây là cách làm chộp giật và rất thiếu tôn trọng khách hàng của Lazada”, Anh Vũ cho biết.
Đơn hàng của anh Vũ được phía Lazada xác nhận, rồi tự ý hủy |
Theo những thông tin được cung cấp từ anh Vũ, phía Lazada đã xác nhận đơn hàng của anh trên hệ thống và chuyển sang đơn vị cung cấp để chuyển đi.
Sau đó, phía Lazada lại đơn phương hủy đơn hàng với những lý do đổ hết trách nhiệm cho khách như: đối tác giao nhận của Lazada không liên lạc được với khách hàng hay đơn hàng được hủy do yêu cầu.
Sau khi anh Vũ thấy mệt mỏi vì sự vô trách nhiệm của Lazada, anh buộc phải đưa thông tin lên fanpage của đơn vị này. Cuối cùng nhân viên của Lazada đã liên lạc qua email, nhưng cách giải quyết của công ty này khiến khách hàng càng thấy không được tôn trọng.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có liên hệ với công ty Lazada để tìm hiểu về vụ việc trên tuy nhiên phía Lazada vẫn chưa có phản hồi cụ thể.
Có hay không dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật?
Chuyên gia tư vấn pháp lý Phạm Ngọc Hải (Công ty Luật Hợp danh FDVN) cho biết:“Lazada hoạt động dưới hình thức một sàn giao dịch thương mại điện tử như một cầu nối giữa bên bán và bên mua. Đây là một dạng website điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên đó.
Hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, trong đó có quy định khá cụ thể tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/05/2013 Về thương mại điện tử.”
Phía Lazada thông báo sản phẩm anh Vũ mua đã hết, gợi ý sang một sản phẩm có phí cao hơn. Khi anh Vũ không đồng ý thì Lazada trả lại tiền đồng thời tặng một voucher mua hàng trị giá 200.000 đồng. Tuy nhiên, thời hạn của voucher lại là ngày 9/1/2017? |
Nói về sự việc Lazada chậm trễ giao hàng trong khi bên mua trả đầy đủ chi phí, chuyên gia Phạm Ngọc Hải thông tin, theo các quy định tại Điều 352, Điều 356, Điều 409, Điều 419, Bộ luật dân sự 2015 thì việc khách hàng đã đặt hàng và trả tiền coi như là đã hoàn tất nghĩa vụ của bên mua.
Bên bán phải thực hiện nghĩa vụ của mình là giao hàng đúng chất lượng, số lượng, đúng thời gian, phương thức và địa điểm theo như thỏa thuận.
Nếu bên bán không thực hiện hoặc chậm thực hiện việc giao hàng như trên được coi là vi phạm Hợp đồng, bên mua có quyền theo quy định tại Điều 356 Bộ luật dân sự 2015 “Yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật”.
Ngoài ra, bên mua còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khác phát sinh do hành vi vi phạm Hợp đồng của bên bán gây ra. Thiệt hại này theo quy định tại Điều 419 Bộ luật dân sự 2015 là những “lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại” và “chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng” cùng toàn bộ thiệt hại khác phát sinh từ hành vi vi phạm của bên bán gây ra.
Khách hàng cho rằng cách làm ăn của Lazada là "chụp giật, thiếu chuyên nghiệp và coi thường khách hàng" |
Bên cạnh đó ông Hải cho biết thêm công ty Ladaza là trung gian để 2 bên giao cũng phải chịu những trách nhiệm nhất định đã được quy định rõ tại khoản 2, khoản 4 và khoản 6 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định “Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử” như sau:
“2. Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 38 Nghị định này; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
4. Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.
6. Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.”
“Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng có thể bước đầu thực hiện việc khiếu nại Lazada để được giải quyết. Với quyền hạn và nghĩa vụ của mình, Lazada sẽ phải hỗ trợ giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Nếu như khiếu nại không có hiệu quả, khách hàng có thể thực hiện khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình”, chuyên gia Phạm Ngọc Hải thông tin thêm
Hoàng Giang