(ĐSPL) - Chiếc Honda Air Blade 125 đang lưu thông trên đường thì bất ngờ nổ lớn, vách máy vỡ, dầu chảy tràn trề. Do xe đang trong thời hạn bảo hành nên khách hàng yêu cầu Honda Việt Nam bảo hành như đã cam kết. Tuy nhiên, Honda Việt Nam lại khăng khăng từ chối.
Chiếc xe Air Blade 125 đang được lưu giữ tại đại lý Nhung Hồng 3. (Ảnh HH) |
Kiện đến cùng
Ông Nguyễn Cao Cường (Trung Mỹ - Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) phản ánh với phóng viên, ngày 25/2/2013 gia đình ông mua 01 xe máy Honda Air Blade 125 tại đại lý Nhung Hồng 3 (Thị xã Phúc Yên – Vĩnh Phúc), đăng ký biển KS 88G1/132.66, do bà Nguyễn Thị Thu Hạnh (vợ ông Cường) đứng tên chủ xe.
Sáng 27/11/2014, ông Cường điều khiển xe sang Gia Lâm (Hà Nội). Khi đến gần khu vực chân cầu Đuống thì bất ngờ động cơ phát nổ, xe đi chậm rồi chết khựng giữa đường. Xuống kiểm tra, ông Cường hoảng hốt khi thấy dầu máy chảy tràn, tung tóe lòng đường. Quá lo lắng, ông Cường vội xin nghỉ làm, thuê ô tô chở chiếc Honda Air Blade 125 còn đang trong thời hạn bảo hành về đại lý Nhung Hồng 3 để kiểm tra.
Qua kiểm tra sơ bộ, nhân viên kỹ thuật kết luận nguyên nhân sự cố do “Xe bị gãy tay biên, vỡ vách máy”.
Biên bản kiểm tra cũng khẳng định “không có biểu hiện của nước vào và không có tác động xung quanh bề ngoài và động cơ.” Nhân viên kỹ thuật tiếp tục yêu cầu mở máy để xác định nguyên nhân, nhưng gia đình ông Cường không đồng ý vì muốn có đại diện Honda Việt Nam. Đại lý Hồng Nhung 3 sau đó đã lập biên bản lưu giữ xe và 1 sổ bảo hành, 1 thẻ bảo hành.
Ông Nguyễn Cao Cường (trái) đang trao đổi với phóng viên. (Ảnh HH) |
Đến ngày 1/12/2014 Honda Việt Nam cử 3 nhân viên đến đại lý Nhung Hồng 3 cùng với gia đình ông Cường tháo kiểm tra động cơ. Để xác định nguyên nhân gây sự cố, phía Honda Việt Nam đã dùng máy chụp ảnh siêu đa năng có cấu hình và độ nét cao, độ phân giải rộng để chụp phân tích. “Sau khi kiểm tra và lập biên bản xong, đại diện Honda Việt Nam nói với rằng sẽ báo cáo với lãnh đạo công ty để giải quyết trong thời gian khoảng sau 1 tuần,"- ông Nguyễn Cao Cường cho hay.
“Tôi và gia đình hi vọng sẽ được Honda Việt Nam thay máy xe mới, do đây là lỗi kỹ thuật phần động cơ và sản phẩm đang trong thời hạn bảo hành.” – ông Cường chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, theo ông Cường, Honda Việt Nam đã không có bất cứ thông tin phản hồi nào sau đó. Chỉ đến khi ông và gia đình gọi điện đến phòng Dịch vụ CSKH yêu cầu giải quyết vụ việc thì gần tuần sau phòng Dịch vụ CSKH của Honda Việt Nam mới gọi điện thông báo "Trường hợp này Honda Việt Nam không đồng ý bảo hành.”
“Tôi thất vọng và khó hiểu trước hành xử của Honda Việt Nam. Đó là cách mà Honda Việt Nam đối xử với khách hàng sao? Tôi sẽ theo kiện đến cùng để đòi quyền và lợi ích chính đáng của mình.” – ông Cường nói.
Honda Việt Nam từ chối bảo hành
Trao đổi với phóng viên, đại diện Honda Việt Nam cho hay: Lý do công ty không bảo hành cho chiếc xe Honda Air Blade 125 của ông Nguyễn Cao Cường là do trong quá trình kiểm tra, nhân viên kỹ thuật Honda Việt Nam phát hiện có dấu hiệu nước vào, gây thủy kích, khiến bức vỡ máy.
Ngoài ra, trong công văn gửi các hãng thông tấn báo chí ngày 2/3, ông Soichi Yamana, Trưởng phòng cấp cao khối Dịch vụ Khách hàng Xe máy khẳng định: “Honda Việt Nam từ chối bảo hành với nguyên nhân nước vào động cơ do điều kiện sử dụng, do không thuộc phạm vi bảo hành của Honda Việt Nam”.
Đơn yêu cầu Honda Việt Nam trả lời bằng văn bản của ông Nguyễn Cao Cường. (Ảnh HH) |
Trước những thông tin này, ông Nguyễn Cao Cường bày tỏ: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với trả lời của Honda Việt Nam. Tôi khẳng định lỗi này 100\% thuộc về nhà sản xuất, chứ không phải do người sử dụng.”
Ông Nguyễn Duy Hùng - người được ông Cường ủy quyền tham gia tố tụng khi tiến hành kiện - đưa ra căn cứ pháp lý: “Lý do mà Honda Việt Nam đưa ra để từ chối bảo hành xe là không thuyết phục và thiếu tính khoa học. Thứ nhất, trong trường hợp Honda Việt Nam cho rằng nguyên nhân vỡ máy do nước vào gây thủy kích thì phải chứng minh được vào bao nhiêu nước thì mới khiến bức vỡ vách máy?
Thứ hai, trong biên bản kết luận của Honda Việt Nam chỉ ghi có dấu hiệu nước vào, cho thấy đây mới là dự đoán, chưa có kết luận chính xác? Thứ ba, động cơ xe máy vốn là kết cấu khép kín, chính nhân viên kỹ thuật Nhung Hồng 3 cũng khảng định không có dấu hiệu nước vào, vậy tại sao nước lại vào trong động cơ như Honda Việt Nam nói được?"
Trong khi khách hàng nhất định cho rằng sự cố vỡ vách máy là do lỗi nhà sản xuất thì phía Honda Việt Nam lại khăng khăng đổ tại người sử dụng. Vụ việc đang ngày càng tăng nhiệt và có khả năng bị đẩy đi xa.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng đã nhận đơn Ngày 9-3, qua trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hùng cho biết, ông đã làm đơn gửi tới Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và được ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiếp nhận. Hiện, ông đang chờ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phản hồi trước khi có những động thái cứng rắn tiếp theo. |