(ĐSPL) - Theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50\% trong số 474 chung cư cũ.
Thông tin trên VTV.VN cho biết, TP.HCM có gần 500 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng từ trước năm 1975, hiện đã xuống cấp, hư hỏng. Trong 10 năm qua (2006 - 2015), mới chỉ có 32 chung cư cũ ở TP.HCM được cải tạo hoặc xây mới.
Nhằm góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, trong suốt 5 năm tới Sở Xây dựng TP.HCM nhận định sẽ đầu tư xây dựng mới thay thế 50\% các chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm.
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (P.11, Q.5, TP.HCM) vừa được Sở Xây dựng TP.HCM công bố là chung cư cũ nguy hiểm cấp D (ảnh chụp trưa 3/9) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Theo nguồn tin trên báo Người tiêu dùng, hiện TP.HCM có 67 chung cư được xây dựng từ những năm 1950 đến trước năm 1975, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như: Q.1 (8 lô), Q.5 (6 lô), Q.6 (32 lô), Tân Bình (8 lô)...
Các chung cư trên đã được kiểm định theo TCXDVN 373:2006 của Bộ Xây dựng và TCVN 9381:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình lần lượt theo 4 cấp A, B, C, D.
Về khó khăn chính khiến việc cải tạo, xây mới chung cư cũ đã xuống cấp chậm tiến độ, nguồn tin trên báo Tuổi trẻ cho hay, nguyên nhân là lượng dân số ở chung cư đông, việc thương lượng bồi thường khó khăn, kéo dài, công tác tái định cư tốn kinh phí lớn. Nhiều chung cư tọa lạc ở vị trí không thuận lợi, đường vô nhỏ, diện tích đất hẹp, hệ số sử dụng đất không cao.
Bên cạnh đó, chính sách trong việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ chưa hấp dẫn nhà đầu tư cũng như các địa phương chưa chủ động để đón nhà đầu tư.
Ngọc Linh (tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]qlwKT5W1Dz[/mecloud]