+Aa-
    Zalo

    Huyền tích gươm thần và “Vua lửa” ở Tây Nguyên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vua lửa vẫn còn là câu chuyện huyền bí trên đại ngàn cao nguyên. Người dân của đại ngàn hùng vĩ vẫn truyền tai nhau những câu chuyện gươm thần, chuyện vua lửa đầu tiên...

    Vua lửa vẫn còn là câu chuyện huyền bí trên đại ngàn cao nguyên. Người dân của đại ngàn hùng vĩ vẫn truyền tai nhau những câu chuyện gươm thần, chuyện vua lửa đầu tiên và oan án bùa ải, loạn luân... một cách đầy bí ẩn.

    Ít ai biết trên đại ngàn Tây Nguyên cho đến nay vẫn còn tồn tại một vị vua ngày ngày làm nương rẫy, sống kham khổ như một người dân bình thường nhưng lại rất được tôn kính. Bởi lẽ, trong mắt người dân, ông là người duy nhất có thể gọi được những cơn mưa nhờ thanh gươm thần được truyền lại từ ngàn xưa...

    Linh vật của "Vua lửa"

    Tín ngưỡng thờ gươm thần xuất hiện từ rất lâu cùng với việc các vị “Vua lửa” dùng vật linh này để cầu mưa. Qua tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu, mỗi dân tộc lại có những câu chuyện truyền miệng khác nhau về nguồn gốc của thanh gươm thần giúp các vị “vua lửa” hô phong hoán vũ.

    Huyền tích gươm thần và “Vua lửa” ở Tây Nguyên
    Thanh gươm thần được bọc kỹ trong vải.

    Sự xuất hiện của thanh gươm báu với những yếu tố thần thánh đòi hỏi phải có người xứng đáng để giữ gìn. Vì thế, những người giữ gươm cũng được thần thánh hóa và được gọi là Pơtao Pui (Vua lửa). Từ đấy, các Pơtao Pui vẫn tồn tại cùng với những huyền thoại về sự linh thiêng của gươm thần. Trừ những khi làm lễ cúng người ta mới thấy gươm thần xuất hiện chứ bình thường thanh gươm được bọc bằng vải trắng (do không có vỏ) và cất giấu rất kỹ ở một nơi đặc biệt. Chỉ duy nhất các Pơtao Pui và phụ tá mới được đặt chân lên vùng đất cất giấu gươm thần.

    Nơi cất giấu gươm thần ban đầu là đỉnh của một ngọn núi đá nhỏ tên là Chư tao Yang. Trên đỉnh núi Chư tao Yang có một hang đá được tạo bởi 3 viên đá xếp chồng lên nhau. Dưới khe đá là cửa hang chỉ vừa lọt một chân người chui qua. Nhưng để đến được nơi cất giấu thanh gươm báu còn phải chui qua hai ngách hang nữa mới đến. Và người duy nhất được phép ra vào nơi này là các Pơtao Pui. Nhưng Pơtao Pui cũng chỉ được vào khi đã làm kễ cúng theo quy định.

    Một câu chuyện khiến khu vực núi Chư tao Yang trở nên linh thiêng trong mắt người dân đó là, đã có lần một Pơtao Pui thử phát cây để trồng đậu ở khu vực quanh núi. Nhưng chẳng hiểu sao đậu không lên nổi mà chết khô như bị thiêu cháy. Trong khi đó, cây cỏ dại vẫn mọc bình thường (?).

    Một cách giải thích khác về lý do cất giấu gươm thần được ông Rơ Lan Hieo, người phụ tá cho hai đời “Vua lửa” cuối cùng hé lộ. Ông Hieo cho biết, sở dĩ phải cất thanh gươm thần ở trên hang núi như vậy vì để giữ sự thanh tịnh, uy nghiêm cho gươm. Nơi núi cao sẽ tránh được những sự ô uế của chốn trần tục, đồng thời cũng là thể hiện được quyền uy của thanh gươm sánh ngang với trời đất.

    Vì quan niệm ấy, núi Chư tao Yang lâu nay được người dân địa phương coi như một vùng cấm địa. Đã có thời gian người ta truyền tai nhau về chuyện có một vài người dám coi thường lời cảnh báo mà đặt chân lên núi để xem gươm. Hậu quả, họ đều bị xây xẩm mặt mày, không đạt được mục đích và về nhà còn bị bệnh tật hành hạ (?).

    Huyền tích gươm thần và “Vua lửa” ở Tây Nguyên
    Núi Chư tao Yang có hang giữ gươm thần trước đây.

    Theo lời kể của Rơ Lan Hieo, thanh gươm thần dài chừng 1m (kể cá cán), có màu đen (nhiều người cho là đồng ngả màu). Cất giấu cùng gươm thần trước đây còn có hai thanh gươm phụ và hai chiếc gậy. Cả hai thanh gươm phụ và hai chiếc gậy đều có màu trắng, được xem như “người hầu cận” của gươm thần.

    Nhưng do vài chục năm gần đây người từ các nơi đến lập nghiệp ở nơi đây khá đông nên nhiều vật dụng giấu kèm với gươm thần đã bị mất. Chính vì thế, nơi cất giấu gươm thần đã được chuyển về gần nhà các Pơtao Pui để cất giữ.

    “Người xưa truyền lại rằng nếu ai cố tình nhìn gươm thần mà chưa được phép của Vua lửa thì sẽ bị phát điên hoặc có tai họa giáng xuống đầu. Có lẽ nhờ vậy mà thanh gươm còn được lưu giữ đến ngày nay”, Rơ Lan Hieo nói.

    Mặc dù không còn là nơi cất giữ gươm thần nữa nhưng dường như vùng núi Chư tao Yang đã ăn sâu vào tiềm thức người dân như là một vùng cấm địa. Chính vì thế, hiện nay cây cối trên này vẫn xanh tươi, rậm rạp, không bị con người làm ảnh hưởng.

    Chuyện đời cay đắng của “Vua lửa” đầu tiên

    Nhiệm vụ của các vị “Vua lửa” là sử dụng gươm thần để cầu mưa, cầu bình an cho người dân, mang lại sự sung túc, no ấm. Nhưng trong tiềm thức của những người già ở làng Plei Ơi, xã Yaun Hạ, huyện Phú Thiện (Gia Lai), ngôi làng của các vị “Vua lửa”, họ vẫn biết rằng Pơtao Pui đầu tiên lại là người duy nhất không thực hiện các nghi lễ cúng cầu mưa.

    Huyền tích gươm thần và “Vua lửa” ở Tây Nguyên
    Ông Rơ Lan Hieo người phụ tá 2 đời vua lửa cuối cùng.

    Chuyện xưa truyền lại rằng, khi người Jarai lấy được gươm báu thì các bộ tộc anh em khác cũng đã đến họp bàn để chọn ra một người có đủ uy tín để gìn giữ, thờ cúng thanh gươm thần thành này. Và người được chọn là Ksor Chlơi, một người đàn ông nghèo nhưng có tiếng nói ở nơi đây.

    Ban đầu, Ksor Chlơi đã một mực từ chối với lý do nhà ông nghèo, ông lại không kiêng kị được trong việc ăn uống (người giữ gươm thần phải kiêng không được ăn thịt bò, ếch nhái và lòng các loại động vật trong nhà). Nếu không kiêng kị được thì gươm thần sẽ bị ô uế và không còn linh thiêng nữa, lúc ấy tai họa có thể giáng xuống đầu ông và dân làng. Tuy nhiên, sau đó Ksor Chlơi cũng bị dân làng thuyết phục.

    Hàng năm người dân các nơi và các bộ tộc anh em đều mang vật phẩm đến cúng, nhiệm vụ của Ksor Chlơi chỉ là giữ gìn, bảo quản gươm thần cho tốt. Thời gian này thanh gươm chỉ thuần túy hiện diện như một sự uy nghi, quyền lực chứ chưa được sử dụng với mục đích giao cảm, điểu khiển thiên nhiên.

    Giữ thanh gươm báu một thời gian, Ksor Chlơi bị cuốn vào một câu chuyện loạn luân của anh em người mang dòng họ Kpă. Cũng chính vì thế, tính mạng của ông đã bị tước đoạt do một hiểu lầm đáng tiếc.

    Chuyện bắt đầu từ cô gái Kpă Hbia Pê sống trong vùng đang đến tuổi bắt chồng. Cô để ý đến hai anh em Dam Phu và Dam Chơhlir và quyết định làm bùa ngải để rủ mê hai người này. Hbia Pê lên kế hoạch thoa ngải mê và tắm ở con suối nơi hai anh em họ Dam thường lui tới.

    Huyền tích gươm thần và “Vua lửa” ở Tây Nguyên
    Căn chòi giữ gươm hiện nay

    Tuy nhiên, hôm đó anh em Dam Phu và Dam Chơhlir không tới mà người đến suối hôm đó lại là anh ruột của Hbia Pê tên là Prơ Thai. Prơ Thai vô tình đến suối mài gươm và đã gặp em gái mình tắm ở đó.

    Bị dính bùa yêu, Prơ Thai anh quên mất Hbia Pê là em gái mình nên cứ đuổi theo nàng khắp nơi, hết núi này qua sông khác. Hbia Pê cũng đã tìm cách trốn chạy và ngăn ngừa bùa ngải phát tác nhưng vô hiệu. Cuối cùng, nàng hết chỗ trốn nên bị Prơ Thai bắt được, anh buộc hai người phải sống với nhau đến lúc có bầu.

    Vài tháng sau, họ hàng biết được Hbia Pê có thai, dân làng cũng biết nên đòi đánh chết Prơ Thai vì tội loạn luân. Thế nhưng dù họ đã đâm chém và tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể nào giết chết Prơ Thai được. Lúc này, Prơ Thai mới bảo dân làng đến chỗ Ksor Chlơi, người đang giữ gươm thần để hỏi ý kiến và Ksor Chlơi có phán quyết thế nào anh cũng sẽ làm theo.

    Hai sứ giả được cử đến hỏi ý kiến của Ksor Chlơi. Nghe xong câu chuyện, Ksor Chlơi trả lời rằng không nên giết mà chỉ nên cúng phạt theo nghi lễ loạn luân thôi. Thế nhưng hai người sứ giả kia trở về lại báo cáo rằng Ksor Chlơi định cho Prơ Thai tội chết. Lúc này Prơ Thai buồn bã chỉ cho mọi người biết mạch máu của mình nằm ở hang đá. Dân làng tìm được mạch máu của Prơ Thai và cắt, lúc này Prơ Thai mới tắt thở.

    Khi Prơ Thai chết cũng là lúc Hbia Pê đang lâm bồn, 3 ngày sau cả hai mẹ con nàng cùng chết vì bị trúng thực. Cái chết thương tâm của mẹ con Hbia Pê chết khiến chim chóc, muông thú buồn ủ rũ, chúng khóc thương đến mức nước mắt chảy tích tụ thành một ao nước tên là Rơbin Rơbeo ngày nay vẫn còn. Phía họ hàng nhà Prơ Thai thì vô cùng căm giận Ksor Chlơi, họ đã tìm ông để trả thù.

    Sự kiện này được kể như sau: “... Thấy người định giết mình, Ksor Chlơi vùng bỏ chạy thì bị chặt đứt hai chân, ông ngoái đầu nhìn lại thì bị chặt đứt hai tay và đầu. Vừa lúc đó nước biển dâng lên ngập cả vùng, khi nước biển hạ thì ông đã hóa đá”.

    Vị “Vua lửa” cất giữ gươm thần đầu tiên đã chết một cách oan ức mà chưa lần dùng gươm để hô phong hoán vũ. Nhưng cái chết của ông khiến nhiệm vụ giữ gươm thần được chuyển cho dòng họ khác. Từ đây những người giữ gươm thần mới bắt đầu biết đến nghi thức cúng cầu mưa và nâng cao tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng dân cư.

    Chính vì tầm ảnh hưởng đó, các nước láng giềng lúc bấy giờ đã bắt đầu đặt quan hệ với những vị vua này. Thậm chí cho đến sau này, thực dân Pháp có âm mưu thống trị Tây Nguyên nên đã định lợi dụng thanh gươm báu của người Jarai cho mục đích xâm lược của mình... Tuy nhiên, những Pơtao Pui chưa khi nào khuất phục!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huyen-tich-guom-than-va-vua-lua-o-tay-nguyen-a32119.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hồi ức khó quên của

    Hồi ức khó quên của "chúa tể rừng xanh" một thuở

    (ĐSPL) - Không ít lần phải đối mặt với hổ dữ, cá sấu, tê giác... nhưng tất cả đều phải thuần phục trước tài nghệ của tay thợ rừng lão luyện. Đôi tay ông đã quật ngã cả trăm ngàn mãnh thú chốn rừng sâu thăm thẳm.