+Aa-
    Zalo

    Hưng Yên: Ai tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế nguyên liệu đầu vào tại các nhà máy gạch?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù chưa được các cơ quan chức năng cấp mỏ nguyên liệu để sản xuất gạch nhưng vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch đã tiếp tay cho đất lậu lộng hành.

    Dù chưa được các cơ quan chức năng cấp mỏ nguyên liệu để sản xuất gạch nhưng vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch đã tiếp tay cho đất lậu lộng hành khi tự ý thực hiện dự án hoặc mua trôi nổi nguyên liệu, không hóa đơn từ các “đầu lậu” tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Hoạt động này đang diễn biến phức tạp, làm thất thoát tài nguyên cũng như các loại thuế, phí của Nhà nước.

    Rầm rộ khai thác đất đồi trái phép

    Thời gian gần đây, người dân huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình vô cùng búc xúc khi hàng ngày họ phải chứng kiến từng đoàn xe “hổ vồ” không che chắn nối đuôi nhau chạy trên tỉnh lộ dọc sông Bôi - đoạn qua 2 xã Yên Bồng và Khoan Dụ tỉnh Hòa Bình - gây khói bụi mù mịt. Xe đi đến đâu, các con đường phải oằn mình gánh chịu đến đấy. Âm thanh của những chiếc xe tải trọng tải lớn oanh tạc ngày đêm đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân.

    Đất đồi được các đầu nậu tại huyện Lạc Thủy vận chuyển đi các lò gạch.

    Sau nhiều ngày điều tra, lần theo dấu vết các xe tải, phóng viên báo Đời Sống & Pháp luật phát hiện được nhiều điểm khai thác đất sét trái phép chở bán cho các nhà máy gạch. Nhiều người dân cho biết, hoạt động khai thác đất sét trái phép ở nhiều xã của huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã và đang diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng lại chưa thực sự sát sao trong việc phát hiện và xử lý ngăn chặn, gây thất thoát tài nguyên đất, tàn phá hạ tầng giao thông, khiến dư luận bức xúc.

    Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Lạc Thủy không có dự án nào được cấp phép khai thác đất đồi để làm nguyên liệu đầu vào của các nhà máy gạch. Dù vậy, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở từ các dự án được UBND tỉnh cấp phép theo dự án nuôi trồng thủy sản để múc, san gạt và vận chuyển đất ra khỏi khu vực cho phép, nhằm thu lợi bất chính gây thất thoát nguồn thuế lớn cho địa phương. Diễn ra ngang nhiên là vậy, nhưng không hiểu sao hoạt động này vẫn không được các cơ quan chức năng huyện Lạc Thủy xử lý ngăn chặn.

    Theo thong tin từ một số “đầu nậu” cung cấp đất sét cho các lò gạch, nhu cầu nhập đất đồi vào các nhà máy gạch thường rất cao, đặc biệt vào những mùa nắng, đất dễ khai thác, chất lượng tốt giá thành lại rẻ. Trong khi đó, nguồn lợi nhuận lại cao hơn gấp hàng chục lần số tiền xử phạt nên nhiều “đầu nậu” đều bất chấp pháp luật đi săn lùng đất, bán cho các nhà máy gạch.

    Được biết, hầu hết các “đầu nậu” đất lậu đều thỏa thuận với chủ đất rồi thuê máy múc, ôtô tải đến khai thác, vận chuyển đất đến bãi tập kết nguyên liệu của nhà máy gạch để bán. Khi bị phát hiện người dân lí giải rằng cải tạo làm hồ nuôi cá, trang trại… khiến nhiều diện tích đất ruộng, đất đồi bị “xẻ thịt” một cách trắng trợn.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục trưởng chi Cục thuế huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Việc thu thuế nguồn nguyên liệu được các cá nhân, tổ chức vận chuyển cho các nhà máy gạch ra khỏi địa phương là hết sức khó khăn. Đa số các doanh nghiệp này lợi dụng các dự án như:  nuôi trồng thủy sản, cấp đất cho các hộ làm nhà mà UBND tỉnh cho phép để vận chuyển đất mang bán”.

    Cũng theo ông Ngọc, nguồn thuế từ nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất gạch trên địa bàn từ nhiều năm qua là rất thấp, thậm chí là không có. Trong khi đó thì hệ lụy để lại vô cùng lớn do các xe quá tải vận chuyển gây ô nhiễm môi trường và tàn phá hệ thống giao thông của địa phương.

    Nhiều nhà máy gạch tiếp tay cho “ đất lậu”

    Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có mặt tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên - một trong những địa phương có khá nhiều lò gạch ven đê sông Hồng. Theo phóng viên quan sát, tại các tuyến đường lúc nào cũng trong cảnh lầy lội, ổ gà ổ voi, cây cối thì bụi bám trắng xóa, nhà cửa đóng chặt để trốn bụi và giảm tiếng ồn của những đoàn xe quá tải. Dọc theo tuyến đường vào nhà máy, những chiếc xe tải chở đầy đất sét, đất đồi ngang nhiên vận chuyển vào điểm tập kết nguyên liệu. Còn tại dưới sông Hồng, các con tàu mang biển số hiệu của các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình… nối đuôi nhau cập bến đế vận chuyển đất nên bờ mang đến các nhà máy gạch.

    Đất lậu được các chủ lò gạch tập kết để sản xuất.

    Tại khu vực một số doanh nghiệp sản xuất gạch như: công ty TNHH XD và TM Tành Vân, công ty TNHH Hoàng Khuyên, công ty CPXD và TM Khoái Châu… thuộc địa bàn xã Tân Châu và Đại Tập huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lượng xe ôtô tải vận chuyển đất sét ra vô cùng tấp nập. Quan sát và tìm hiểu, rất nhiều đất gồm cả đất đồi, đất sét, xỉ than… được nhà máy tập kết như những quả núi trong khu vực sản xuất.

    Một cán bộ nhà máy cho biết, nhà máy chưa được tỉnh cấp mỏ đất sét, muốn có nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch, nhà máy phải hợp đồng với một số đơn vị trên địa bàn vận chuyển đến bãi tập kết nguyên liệu. Hoạt động khai thác như thế nào đơn vị không quan tâm, ở bãi tập kết nguyên liệu đơn vị cho kiểm tra nguồn đất sét đó đạt chất lượng và hóa đơn đầy đủ.

    Nguyên liệu đầu vào không có hóa đơn thì chắc chắn nguyên liệu đầu ra sẽ không có. Vậy tại sao các nhà máy gạch trên địa bàn huyện Khoái Châu nguyên liệu đất được mua lậu mà các nhà máy gạch này vẫn có hóa đơn đầy đủ qua mặt các cơ quan chức năng.?

    Trả lời câu hỏi trên, ông Chu Tường Anh - Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hưng Yên lý giải: Đối với các nhà máy gạch trên địa bàn huyện Khoái Châu có việc xảy ra trốn thuế nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy gạch, hiện nay Thanh tra tỉnh đang tiến hành làm việc với UBND huyện để xứ lý một số tồn tại liên quan đến các lò gạch và các bến bãi ven sông. Muốn biết cụ thể ông Tường Anh đề nghị phóng viên liên hệ trực tiếp với chi cục thuế huyện Khoái Châu để được thông tin thêm.

    Các xe quá tải vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường đến các lò gạch của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

    Ngay sau đó, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ làm việc với cơ quan thuế của huyện Khoái Châu để tìm hiểu về việc đóng thuế đối với các lò gạch trên địa bàn. Mặc dù ông Chu Tường Anh gọi điện 2 lần yêu cầu chi cục thuế huyện Khoái Châu tiếp và làm việc với phóng viên, nhưng ông Vũ Đình Long - Chi cục trưởng chi Cục thuế huyện – lại lấy lý do bận họp, một mực từ chối và hẹn phóng viên từ giờ đến cuối năm quay lại để trả lời.

    Việc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến việc nộp thuế của các doanh nghiệp sản xuất gạch trên địa bàn huyện Khoái Châu khiến dư luận hoài nghi về việc ngành thuế liệu có thờ ơ, bao che thậm chí là bất lực khi biết các doanh nghiệp này đang ngang nhiên mua đất lậu trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước?

    Theo ông Lê Ngọc Đích  - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết, trên địa bàn huyện đang tồn tại 13 nhà máy gạch. Trong đó chỉ có 2 nhà máy được tỉnh cấp mỏ nguyên liệu, những nhà máy gạch còn lại đều chưa được cấp phép khai thác nguyên liệu và chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu.

    Rõ ràng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng khai thác nguyên liệu đầu vào của các nhà máy gạch, phải nói đến các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên chỉ thẩm định cấp phép các nhà máy gạch hoạt động, nhưng không đề xuất cấp mỏ nguyên vật liệu. Trước thực trạng đó, các nhà máy gạch phải tự tìm kiếm, móc nối với “đầu nậu” đất lậu để có đất sét phục vụ sản xuất gạch. Do vậy, để nguồn tài nguyên đất không bị thất thoát, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguyên liệu đầu vào của nhà máy gạch.

    Tùng Nguyễn – Trang Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hung-yen-ai-tiep-tay-cho-doanh-nghiep-tron-thue-nguyen-lieu-dau-vao-tai-cac-nha-may-gach-a234574.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan