+Aa-
    Zalo

    Ai giúp sức cho bà Hứa Thị Phấn trốn thuế?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - CQĐT đã xác định bà Phấn trốn thuế gần 200 tỷ đồng. Trước khi bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho NH Đại Tín, bà Phấn đã bán cho Công ty Lam Giang mà không khai báo.

    CQĐT đã xác định bà Phấn trốn thuế gần 200 tỷ đồng, nhưng lật ngược hồ sơ cho thấy trước khi bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho NH Đại Tín vào năm 2012, bà Phấn đã bán cho Công ty Lam Giang mà không khai báo.

    Bộ Tài chính đã xác định bà Phấn trốn thuế

    Tuần đầu tiên xét xử vụ án bị cáo Hứa Thị Phấn, cố vấn cấp cao của Ngân hàng (NH) Đại Tín - TrustBank) và đồng phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái... trong việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Số 5 PNT) từ khoảng 154 tỉ đồng lên 1.268 tỉ đồng, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 1.105 tỉ đồng.

    Dư luận đặt dấu chấm hỏi về việc, trong thương vụ chuyển nhượng mua bán căn nhà này cho NH Đại Tín bà Phấn đã trốn thuế khoảng 200 tỷ đồng?!

    Cụ thể, ngày 7/2/2012, bà Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ Công ty Địa ốc Lam Giang. Đến ngàỵ 13/2/2012, bà Phấn bán lại cho NH Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng.

    Kết luận Giám định thuế của Bộ Tài chính năm 2015 cũng cho rằng, số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà bà Phấn đã kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có sai lệch. Cụ thể , số thuế TNCN đã kê khai bà Phấn nộp là 25 tỷ đồng. Nhưng qua giám định thuế, số tiền thuế phải nộp là 202 tỷ đồng. Số thuế TNCN chênh lệch qua giám định là 177 tỷ đồng.

    Hành vi trên của bà Phấn trong việc mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có dấu hiệu phạm tội "Trốn thuế”, quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự năm 1999.

    Bà Hứa Thị Phấn tại phiên tòa xét xử đại án có liên quan đến bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: Dân Trí

    Phía Chi cục thuế Q3 giải thích có hai cách tính thuế: Thứ nhất, tính theo thuế suất 25% và thứ hai là theo thuế suất 2%. Cách thu 25% là trên chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn; cách thu 2% là tính trên giá so sánh giữa giá chuyển nhượng và giá theo bảng giá của nhà nước. Khi căn cứ thu thuế 25% là trong trường hợp sau khi người nộp thuế được cán bộ thuế hướng dẫn cách tính thuế. Nếu người nộp thuế đề nghị lựa chọn theo tính thuế suất theo cách thu thuế suất 25% thì người nộp thuế cung cấp đầy đủ các chứng từ theo quy định để xác định giá vốn. Trong trường hợp không xác định được giá vốn và không có đề nghị của người nộp thuế, không có đủ căn cứ xác định thì tính theo 2%.

    “Chi cục thuế quận 3 khẳng định đã thu thuế đúng theo quy định pháp luật nhưng phía bà Phấn không cung cấp giấy tờ để tính theo cách thứ nhất nên buộc phải tính theo cách thứ 2”.

    Việc Chi cục thuế Q3 tính theo cách thứ 2 đã “giúp” cho cho bà Phấn trốn 177 tỷ đồng tiền thuế.

    Ai giúp sức cho bà Phấn trốn thuế?

    Truy ngược lại hồ sơ, trước năm 2012 bà Phấn đã mua căn nhà này từ 2008. Bà Phấn mua lại từ người dân sau đó lại bán lại lòng vòng với Công ty địa ốc Lam Giang suốt từ 2008 -2012.

    Cụ thể như ngày 14/10/2008 bà Phấn đã bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho Công ty địa ốc Lam Giang. Sau đó Công ty địa ốc Lam Giang sử dụng tài sản này suốt 3 năm nhằm thế chấp tại chính NH Đại Tín vay vốn đi đầu tư.

    Đến 3/8/2011 NH Đại Tín đã trình HĐQT mua căn nhà này với giá 1.268 tỷ đồng từ Công ty địa ốc Lam Giang.

    Tuy nhiên hợp đồng mua bán của NH Đại Tín với Công ty Lam Giang sau 5 ngày bị huỷ bỏ. Và các cựu lãnh đạo NH Đại Tín là ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Ngô Kim Huệ… quay qua ký hợp đồng mua căn nhà này với bà Phấn.

    Vậy với khi bà Phấn bán nhà cho Công ty địa ốc Lam Giang năm 2008… bà Phấn có cung cấp đủ đầy đủ giấy tờ, kê khai đầy đủ cho cơ quan thuế để nộp thuế đầy đủ hay chưa? Chi cục thuế Q.3 đã tính thuế theo cách nào trong hợp đồng mà bà Phấn bán nhà cho Công ty địa ốc Lam Giang?

    Nếu bà Phấn nộp thuế đầy đủ cho hợp đồng bán nhà sang tên cho Công ty địa ốc Lam Giang thì tại sao hợp đồng của Công ty địa ốc Lam Giang và NH Đại Tín lại bị huỷ trong năm 2011?

    Phải chăng với thủ đoạn mua đi bán lại nhiều lần, lòng vòng giữa công ty Lam Giang với bà Phấn đã không được công khai, kê khai minh bạch với cơ quan thuế. Vì không kê khai minh bạch, nên đến năm 2011 NH Đại Tín đem hợp đồng đã ký với Công ty địa ốc Lam Giang đi huỷ. Sau đó NH Đại Tín ký hợp đồng mua căn nhà này từ tay bà Phấn năm 2012.

    Và việc mua bán lòng vòng, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lần sau cao hơn lần trước, nhằm bán cho NH Đại Tín cao hơn để rút ruột NH nhiều hơn. Việc các cựu lãnh đạo NH Đại Tín đồng thuận huỷ hợp đồng mua bán căn nhà với Công ty Lam Giang, cho thấy đây là hành vi đồng phạm giúp bà Phấn trốn thuế?

    Cựu CEO ông Phan Thành Mai, định giá căn nhà chỉ 160 tỷ đồng

    Trong phiên xét hỏi ngày hôm qua, cựu CEO Phan Thành Mai cho hay, sau khi tiếp quản NH Đại Tín, NH rơi vào tình trạng thanh khoản khó khăn. Mỗi ngày lượng tiền lưu động chưa tới 10 tỷ đồng. Khi người dân đến rút tiền, NH phải chạy vạy ăn đong, rất căng thẳng. Vì tình thế cấp bách nên ông đã phải đi thẩm định căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trình xin bán để cứu NH tạm thời. Thế nhưng định giá chỉ có 160 tỷ lại quá thấp so với giá trị sổ sách, nhưng đây lại là giá trị thực với thị trường.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-giup-suc-cho-ba-hua-thi-phan-tron-thue-a229283.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan