Các chuyên gia kinh tế phân tích đề xuất của Bộ Tài chính về đánh thuế nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Mới đây, Bộ Tài chính đang kiến nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, với đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, Bộ này đưa ra 2 phương án đánh thuế: đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Đề xuất này đã gây nhiều tranh trong dư luận, giới nghiên cứu kinh tế.
Đánh thuế không hợp lý
Trả lời trên báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật ITPC không đồng tình với dự án luật Thuế tài sản. Luật sư Hùng cho biết: “Tôi cảm thấy những quy định dự kiến áp dụng mang cảm tính cao mà không xét đến thực tế hiện nay người dân đang chịu quá nhiều mức thuế. Những tài sản như đất đai, nhà cửa, ô tô, du thuyền đã đóng thuế đất, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân khi mua bán... bắt đóng thêm thuế tài sản là thuế chồng thuế. Với người dân, nhà đất là một tài sản hợp pháp, phải tích cóp trong thời gian dài mới có được, nay phải nộp thuế tài sản khiến họ không hài lòng”.
Hiện nhiều căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp ở các TP lớn đã có mức giá hơn 700 triệu đồng (ảnh: Ngọc Thắng/Thanh niên) |
Luật sư Hùng cho rằng ban soạn thảo đưa ra lý lẽ theo thông lệ quốc tế, quốc tế thì cũng có nước làm, có nước không vậy sao không làm theo những nước không áp dụng sắc thuế này. Những nước áp dụng thuế tài sản, họ có thu các loại thuế khác như VN hay không cũng cần làm rõ.
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng trả lời trên Báo Người lao động, ông Đồng cho biết: "Mức sàn đánh thuế nhà là 700 triệu đồng hoàn toàn không phù hợp khi xét trên mặt bằng thu nhập, chi tiêu của người dân". Thực tế, chưa kể đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM mà ngay các đô thị cấp 2, cấp 3 thì giá nhà cũng "loanh quanh" 1 tỉ đồng/căn. Như thế, nếu đánh thuế thì mọi đối tượng đều phải chịu, trái với nguyên lý chỉ thu thuế với người có thu nhập cao.
"Tôi cho rằng kể cả đặt mức sàn thu thuế là 2 tỉ đồng cũng vẫn là mức chưa thực sự thỏa đáng chứ đừng nói đến 700 triệu đồng. Chưa kể đến Bộ Tài chính lý giải cách đánh thuế như này là bởi chưa có cơ sở dữ liệu, chưa có số liệu cụ thể để quản lý căn hộ thứ 2, thứ 3, tức là đẩy cái khó về phía người dân. Đó là vấn đề của ngành thuế và của quản lý địa phương chứ không phải của người dân", ông Đồng nói.
Chưa đủ điều kiện đánh thuế
Báo điện tử Tri thức trực tuyến dẫn ý kiến của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng sắc thuế này sẽ hợp lý nếu Luật Đất đai sửa đổi mang chiều hướng tích cực hơn. Thế giới thực hiện thu thuế tài sản đối với nhà ở được ủng hộ, vì họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất.
Theo HoREA, đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì tiền sử dụng đất đang là ẩn số, vì không thể tiên lượng trước bao nhiêu để tính toán khi làm dự án. Đây cũng là gánh nặng vì tiền sử dụng đất phải nộp tương đương với 70% tiền làm dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng, thì coi như doanh nghiệp mua đất lần thứ 2.
Gánh nặng này đương nhiên được chuyển sang vai người mua nhà. Và chính người chịu thiệt cuối cùng là người mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA bày tỏ: “Tôi đồng ý với việc áp thuế tài sản đối với nhà ở như các nước khác, nhưng với điều kiện không có tiền sử dụng đất quá nặng như hiện nay. Hơn hết cần chuyển tiền sử dụng đất thành một sắc thuế có thể gọi là thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tùy theo công năng và mục đích sử dụng là gì? Sắc thuế này có thể thu 10% trên bảng giá đất địa phương, chứ ban hành luật thuế tài sản lúc này là chưa đủ điều kiện”.
Trả lời trên báo Người lao động, TS Lê Đăng Doanh bày tỏ rất bức xúc với việc áp đặt mức sàn tính thuế nhà ở là trên 700 triệu đồng. Chuyên gia kinh tế cho rằng đây là cách tính toán rất lỗi thời, không có giá trị thực tiễn.
"Trong kinh tế học, khái niệm đường cong Laffer nêu lên mối quan hệ giữa các mức thuế suất với mức thu ngân sách nhà nước được tạo ra từ đó. Theo đó, nếu không thu thuế thì sẽ không được đồng nào, nhưng nếu thu đến 100% thuế thì không ai làm gì để nhà nước thu cả. Như thế, thu thuế tối đa không có nghĩa là áp thuế suất cao nhất mà thu thuế tối đa là ở mức thuế thấp vừa phải để người dân có thể kinh doanh được. Nếu nâng mức thuế quá cao thì người dân sẽ không kinh doanh để nhà nước thu thuế nữa, thậm chí trốn thuế", ông Doanh cho hay.
TS Lê Đăng Doanh phân tích với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song, hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới.
Thanh Bình (T/h)