Đây là dự báo do bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC đưa ra trong 1 báo cáo mới đây.
Đơn vị phân tích cho biết, nửa đầu năm nay, khi các nền kinh tế trong ASEAN vẫn tiếp tục quan sát động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Việt Nam là một trường hợp đặc biệt khi cắt giảm lãi suất chính sách 150 điểm cơ bản (xuống 4,5%) chỉ trong vòng 3 tháng.
Theo HSBC, nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành trường hợp đặc biệt trong ASEAN khi tiến hành cắt giảm lãi suất trước cả Fed, đến từ lạm phát giảm, thặng dư tài khoản vãng lai cũng như mức tăng trưởng yếu trong nửa đầu năm 2023.
Nhóm phân tích cũng cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu trong nước yếu đi và nhập khẩu giảm, dẫn tới vị thế tài khoản vãng lai thuận lợi hơn. Xét ở một mức độ nhất định, điều đó cũng giúp ổn định tỷ giá VND và mang lại dư địa cho cơ quan quản lý tiền tệ có thể tự tách mình độc lập khỏi Fed.
HSBC dự báo lạm phát tại Việt Nam có xu hướng đi lên trong năm 2024, nhưng điều này không đủ để kích thích tăng lãi suất. Các chuyên gia kỳ vọng lạm phát sẽ lên khoảng 3% trong nửa cuối 2024, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 4,5%.
Một lý do khác khiến Ngân hàng Nhà nước có động thái giảm lãi suất từ sớm là việc tín dụng tăng trưởng chậm. Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, cơ quan quản lý tiền tệ đã phải nhanh chóng cắt giảm lãi suất, thông tin trên báo Dân trí.
Tuy nhiên, VietNam Plus thông tin, chuyên gia HSBC cũng bày tỏ lo ngại việc các ngân hàng Trung ương trong khối ASEAN cắt giảm lãi suất sớm, tự tách khỏi lộ trình của Fed có thể dẫn đến tình trạng rút vốn ồ ạt và giảm tỷ giá đột ngột vì nhà đầu tư hướng đến lợi nhuận cao hơn.
Đây là vấn đề cốt lõi cần cân nhắc đối với các nhà làm chính sách tiền tệ, có lẽ chỉ sau lạm phát và tăng trưởng. Một điểm cần lưu ý là nếu không có gì thay đổi, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý II/2024.
Theo các chuyên gia HSBC, khu vực đã chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng khi một nước đưa ra động thái quá "lạc nhịp" với Fed. Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, Fed đã không nương tay và triển khai liên tiếp 4 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Kết quả là một lượng lớn vốn đã chảy khỏi ASEAN, các đồng nội tệ phải chịu áp lực.
"Ngoài ra, còn những biến động liên quan đến lạm phát do tỷ giá hối đoái và sự ổn định tài chính. Các ngân hàng trung ương ASEAN cần bám sát Fed và các đợt tăng lãi suất, mặc dù mức độ ở mỗi nước một khác," chuyên gia HSBC cảnh báo.
Các quốc gia có thặng dư dồi dào có thể trụ vững trước các động thái của Fed vì họ không quá cần vốn nước ngoài xuất khẩu của họ có thể đủ để chi trả cho nhu cầu nhập khẩu. Tính đến nay, Singapore có tài khoản vãng lai dồi dào nhất, tương đương với 15% GDP, giúp nước này ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng chảy vốn.
"Chúng tôi kỳ vọng tài khoản vãng lai của Malaysia sẽ bình thường hóa trở lại mức trước đại dịch trong năm 2024, còn cán cân của Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể nhưng nguyên nhân lại không phải tối ưu. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nhu cầu trong nước yếu đi và nhập khẩu giảm, dẫn tới vị thế tài khoản vãng lai thuận lợi hơn. Xét ở một mức độ nhất định, điều đó cũng giúp ổn định tỷ giá đồng VND và mang lại chút dư địa cho các cơ quan quản lý tiền tệ để tự tách mình độc lập khỏi Fed khi phải tập trung hơn vào các vấn đề trong nước," chuyên gia HSBC nhận định.
Vân Anh(T/h)