Báo Nhân dân đưa tin, ngày 26/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau khi tạm dừng vào tháng 6, thừa nhận cần có thêm biện pháp để kiềm chế lạm phát.
Mức tăng lãi suất trên được công bố sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Fed, theo đó đưa lãi suất quỹ liên bang, cơ sở để các ngân hàng tính lãi khi vay qua đêm, lên ngưỡng mục tiêu mới từ 5,25% đến 5,5% - mức cao nhất trong 22 năm qua.
Hiện chính sách tiền tệ của Việt Nam sau quyết định tăng lãi suất của Fed đang nhận nhiều sự quan tâm. Tạp chí VnBusiness dẫn lời ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định, áp lực tăng lãi suất vẫn còn rất lớn, thậm chí có thể sẽ không như thị trường dự báo rằng Fed chỉ tăng lãi suất 1 lần nữa vào tháng 7 này và sau đó sẽ dừng đà tăng lãi suất.
Phân tích thêm, ông Quang cho biết, theo như các chuyên gia đề cập, chỉ số CPI của Mỹ có vẻ giảm nhưng từ góc độ người lập chính sách là các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Fed, thì điều người ta quan tâm rất nhiều không phải số này, mà thay vào đó là chỉ số lạm phát lõi.
Số liệu công bố gần nhất cho thấy, lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 6 là 4,8%, cao hơn mục tiêu của Fed là 2%. Trong khi đó, thị trường việc làm của Mỹ đang phục hồi tốt, đồng nghĩa việc tăng trưởng kinh tế Mỹ còn “nóng”, tổng cầu còn tốt như vậy lạm phát do phía cầu (lạm phát cầu kéo) còn áp lực, vì vậy lạm phát lõi của Mỹ chưa thể "nguội" ngay được.
Trong bối cảnh đó, NHNN là một trong những Ngân hàng Trung ương đi ngược chiều chu kỳ chính sách tiền tệ của các nước trên thế giới, thông qua việc giảm lãi suất tới 4 lần.
Ông Quang đánh giá đó là quyết định táo bạo và “liều”. Bởi lẽ, lạm phát Việt Nam giảm nhưng lạm phát cơ bản 6 tháng vẫn neo cao 4,74%, tốc độ giảm lạm phát cơ bản chậm. Điều đó cho thấy mức độ "dính" của lạm phát rất cao ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Quang vẫn khẳng định NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN có nhiều quyết sách hỗ trợ như: giảm lãi suất; giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ; Thông tư 06 sửa đổi với loạt biện pháp giải pháp đưa ra để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng…, song trong bối cảnh cầu yếu, chất lượng doanh nghiệp giảm, bản thân nền kinh tế khó khăn,... vì vậy cung và cầu tín dụng khó gặp nhau.
Theo ông Quang, để giải quyết vấn đề, cần nâng cao chuẩn của người đi vay, tuy nhiên ngành ngân hàng không làm được điều này.
“Có một biện pháp rất quan trọng có lẽ Chính phủ đang nghiên cứu là sửa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó "đệm của đôi giày" của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng lên đủ điều kiện tiếp cận tín dụng”, ông Quang nói.
Ngoài ra, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác có thể hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa khơi thông được thị trường, đặc biệt là khơi thông các thị trường xuất khẩu mới, giúp doanh nghiệp trong nước có thêm đơn hàng và có cơ hội tiếp tục vay vốn ngân hàng.
Vân Anh(T/h)