(ĐSPL) - Sáng 8/11, hơn 8.000 người đã tham gia đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) do Ủy Ban ATGT Quốc gia và Giáo hội Phật giáo tổ chức.
Đoàn tăng ni và giới chức tham gia buổi lễ. (Ảnh: Tiền phong) |
Tiền phong đưa tin, đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì TNGT được tổ chức tại Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường (TP Nam Định, tỉnh Nam Định).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia; hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó thư ký hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng hàng ngàn tăng ni, phật tử, gia đình các nạn nhân có thân nhân tử vong vì TNGT đã về dự đại lễ cầu siêu.
Theo giáo lý nhà Phật, chết vì tai nạn giao thông là oan uổng cho kiếp người; hoạt động cầu siêu là cách để giải thoát kiếp nạn cho người mất; cũng là cách để răn những người còn sống.
Báo Người lao động thông tin, đây là lần thứ 4 Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức với thông điệp “Tưởng nhớ người đi, vì người còn ở lại” nhằm hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông" tại Việt Nam (15/11).
Phát biểu khai mạc Đại lễ cầu siêu, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 24 người bị TNGT cướp đi mạng sống cùng với trên 60 người bị thương tật suốt đời. Điều đó đồng nghĩa với việc có hàng trăm gia đình phải gánh chịu sự mất mát, đau thương do hậu quả của TNGT.
Một phút mặc niệm cho những người đã khuất. (Ảnh: Người lao động) |
Bộ trưởng GTVT đánh giá, đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong vì TNGT là một sự kiện đặc biệt và là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông, chia sẻ gánh nặng, mất mát với người thân của họ. Đại lễ cũng là một cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở đất nước chúng ta ngày càng phát triển theo hướng văn minh, an toàn.
“Chúng ta mong rằng, với sự gia hộ của mười phương chư Phật, cùng công đức trì niệm của hàng nghìn tăng ni, tín đồ Phật tử và gia đình thân quyến tại trai đàn cầu siêu sẽ giúp cho hương linh những người không may bị tử nạn do TNGT siêu đăng Phật quốc. Cũng nhờ oai lực và đạo hạnh của chư Phật, chư tăng ni gia trì cho gia đình các nạn nhân đủ niềm tin, nghị lực nén những đau thương mất mát, sớm vượt qua những khó khăn trước mắt để tiếp tục xây dựng cuộc sống và xã hội ngày thêm an lành, tốt đẹp” – Bộ trưởng Thăng phát biểu.
Khoảng 8.000 người dân, tăng ni, phật tử đã về dự đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử nạn giao thông. (Ảnh: Người lao động) |
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng sống chết là lý đương nhiên của kiếp người hữu hạn trên cõi đời này. Chỉ trong phút chốc vô thường, vì một giây phút bất cẩn mà đưa đến tử vong mất mát, đau thương, tang tóc. Số vụ TNGT, số người chết là lời cảnh báo nguy cấp mà mọi người chúng ta trong xã hội cần phải có trách nhiệm quan tâm tìm giải pháp, nỗ lực tuyên truyền, phát động mạnh mẽ hơn nữa thành cao trào tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, nhằm giảm thiểu TNGT trong thời gian tới.
Được biết, đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử nạn do TNGT sẽ kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 8 đến hết ngày 10/11.
AN LÊ (tổng hợp)
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]XTfOjHotBv[/mecloud]