Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong số 19 ngành, lĩnh vực thu hút vốn FDI, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái, con số này là 2,41 tỷ USD), chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; xếp sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD).
Có thể thấy, dù đang có thái độ thận trọng hơn, tuy nhiên ở những dự án trọng điểm, có tiềm năng, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn không ngại xuống tiền. Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn mới đây, Tokyu Corporation (Nhật Bản) công bố thành lập liên danh với Tập đoàn Danh Khôi để triển khai dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tháng 6/2022, Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã rót 250 triệu USD vào phân khu Tropicana - dự án Novaworld Hồ Tràm của Novaland. Thương vụ này được đánh giá nằm trong top 5 thương vụ giao dịch lớn nhất ngành bất động sản châu Á trong tháng đầu năm 2022.
Giữa tháng 7/2022, CapitaLand Development - nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand (Singapore) mua lại quỹ đất rộng 8 ha tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), dự kiến hoàn tất thương vụ vào quý IV/2023.
Thống kê mới đây của Cushman & Wakefield cho thấy, khối lượng giao dịch các thương vụ M&A bất động sản đã chính thức công bố rộng rãi trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 1,5 tỷ USD.
Đây là mức giá trị giao dịch cao nhất trong 5 năm vừa qua, chủ yếu tập trung vào phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các TP trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai,..
Trong bối cảnh các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp địa ốc đang gặp khó, giới chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế và FDI là một giải pháp phù hợp.
Ở chiều ngược lại, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số đơn vị phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản.
"Việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, từ đó làm mất đi "lợi thế" của các doanh nghiệp trong nước vốn đang làm chủ thị trường bất động sản hiện tại", Chủ tịch HoREA chia sẻ.
Bạch Hiền (t/h)