Theo dự báo, triều cường tại TP.HCM sẽ tiếp tục dâng cao, gây ngập lớn tại một số khu vực như trạm Phú An là 1,67m, trạm Nhà Bè là 1,66m.
[presscloud]12538[/presscloud]
Đoạn video ghi lại cảnh TP. Cần Thơ ngập nặng do triều cường kết hợp lũ về
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay, chiều nay (30/9), dự kiến đỉnh triều tiếp tục diễn ra tại TP HCM. So với những ngày trước lần này sẽ gây ngập lớn.
Kết quả dự báo cho thấy tại trạm Phú An là 1,67m, tại trạm Nhà Bè là 1,66m.
Thời điểm bắt đầu xảy ra triều cường dự kiến từ 16h30 kéo dài đến 20h. Đây là thời điểm nhiều người đi làm, sinh hoạt trở về nhà nên sẽ gây nhiều khó khăn.
Để chủ động trong sinh hoạt, người dân cần chuẩn bị mọi biện pháp che chắn ngăn nước vào nhà. Đồng thời, khi đi lại né thời điểm xảy ra triều cường.
Triều cường gây ngập tại đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM ngày 29/9. |
Dự kiến chiều 30/9, triều cường sẽ tiếp tục dâng cao. |
Trước đó ngày 29/9, triều cường tại TP.HCM đạt 1,66m tại trạm Phú An và 1,65m tại Nhà Bè, vượt báo động 3 (1,5m) khiến nhiều tuyến đường gần sông rạch bị ngập nặng, người dân di chuyển khó khăn.
Các khu vực bị ảnh hưởng do triều cường như Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Tôn Thất Thuyết, Hoàng Diệu, Nguyễn Khoái (quận 4), Trần Xuân Soạn (quận 7). Tại một số tuyến đường nước ngập sâu, nhiều xe bị chết máy, người dân phải dẫn bộ.
Trong khi đó tại miền Tây, nước lũ và triều cường từ sông Hậu dâng cao khiến các tuyến đường nội ô trung tâm quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ như Điện Biên Phủ, Lý Tự Trọng, khu vực Hồ Xáng Thổi ngập sâu.
Các tuyến quốc lộ ở miền Tây cũng bị nhấn chìm trong triều cường và nước lũ. Đặc biệt, đoạn qua huyện Tam Bình và thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), một số nơi nước ngập hết cả mặt đường, nhiều xe máy, ôtô 4 chỗ chết máy. Tại xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, nước gây ngập nhà cửa gần nửa mét, khiến người dân phải tìm nơi khác trú tạm.
Do triều cường dâng cao vào đúng giờ cao điểm nên gây khó khăn cho người dân. |
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết do triều cường kết hợp lũ nên hiện toàn miền Tây có 31 điểm ngập trên các tuyến như: Quốc lộ 1, 53, 54, 30. Trong đó, tuyến quốc lộ 1 có nhiều điểm ngập, nặng nhất là đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Độ ngập trung bình từ 20cm đến 0,5m.
"Cục đang cho triển khai lực lượng thường xuyên kiểm tra các điểm ngập để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời ở một số điểm, cục cũng đang triển khai xây bờ chắn ngập, lắp cống thoát nước và chuẩn bị thi công nâng nền đường. Do kinh phí còn hạn chế nên để giải quyết hết 31 điểm ngập phải chờ đến năm 2020" - ông Thành thông tin.
Còn Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - nguyên cán bộ phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ - cho biết triều cường cao nhất vào năm ngoái là 2,23m, có năm 2,16m, có năm là 2,15m, và ngày 29/9 là 2,14m.
"Tuy nhiên, ngày 29/9 chưa thể gọi là đợt triều cường cao nhất. Nếu ở vùng hạ Lào, Campuchia có mưa lớn trong thời gian tới có thể tình trạng ngập nước còn cao hơn nữa" - ông Vinh nói.
Ảnh, video: Tuổi Trẻ, Người Lao Động
Nguyễn Phượng(T/h)