Được chị dâu và một số người nhờ đưa vượt biên trái phép sang Trung Quốc, Mạnh đã đồng ý. Hậu quả Mạnh phải nhận bản án 5 năm tù.
Đưa chị dâu sang Trung Quốc trái phép
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Dương Văn Mạnh (25 tuổi), trú xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An và bị cáo Mã Đình Thực (36 tuổi), trú huyện Hạ Lãng, tỉnh Cao Bằng về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.
Hai bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Mạnh và Thực biện minh cho hành vi phạm tội của mình do thiếu hiểu biết pháp luật nên khi các lao động nhờ đã đưa đi. Cả hai không biết hành vi của mình lại đối mặt với mức án cao đến như vậy.
Theo trình bày, 8 năm trước Mạnh theo một số người họ hàng sang Trung Quốc làm ăn theo đường bất hợp pháp. Thời điểm đó, họ dẫn Mạnh qua đường tiểu ngạch để sang Trung Quốc. Vì là lao động bất hợp pháp nên mỗi khi muốn về thăm nhà cũng đi theo con đường tiểu ngạch. Sau khi ăn Tết Nguyên đán 2019 xong, Mạnh liên lạc với người đàn ông ở Cao Bằng nhận và đưa sang Trung Quốc bằng đường sông.
Bị cáo Thực và Mạnh tại phiên tòa. |
Sang Trung Quốc, nhờ mối quan hệ, Mạnh làm việc cho một công ty bản địa. Trong thời gian này, Mạnh nhận được điện thoại của chị dâu và một số người hỏi thủ tục, chi phí đi cũng như công việc, tiền lương khi lao động ở Trung Quốc. Thấy nhiều người đi, Mạnh cho biết đi trái phép thì không phải chuẩn bị giấy tờ gì. Mức lương khoảng 10 đến 12 triệu đồng/tháng. Mạnh cũng cho biết tổng chi phí sang Trung Quốc cho mỗi lao động là 1.000 NDT (tương đương 3,5 triệu đồng).
Sau khi thỏa thuận giá cả, nam thanh niên này nói cho các lao động biết được phương thức vượt biên bằng đường sông. Với cách thức trên, từ khoảng tháng 4 đến tháng 6/2019, Dương Văn Mạnh đã trực tiếp tư vấn, thỏa thuận, hướng dẫn cho 8 người với 4 lượt sang Trung Quốc để lao động bất hợp pháp. Mã Đình Thực đóng vai trò giúp sức, đưa những người vượt biên lên bè qua sông ở tỉnh Quảng Tây.
Khi vượt biên thành công, Mã Văn Thực đón và đưa họ đi sâu vào nội địa Trung Quốc, đến địa điểm mà Mạnh đã hẹn trước. Mạnh sau đó đưa những người này đến làm việc tại một công ty.
Sang chưa được bao lâu, phía Công an Trung Quốc kiểm tra gắt gao nên Mạnh đã chuyển công ty khác cho các lao động. Thấy tình hình phức tạp, Mạnh nhờ người Trung Quốc làm cho giấy chứng minh nhân dân giả để tránh sự kiểm tra, phát hiện của công an nước sở tại cho đến khi quay về Việt Nam vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Sự ân hận muộn màng
Có một số lao động không đến làm việc tại xưởng mới mà tiếp tục ở lại công ty cũ nên sau một thời gian, những người này bị Công an Trung Quốc bắt giữ do lao động bất hợp pháp. Theo thông tin nắm được, hiện người này đã bị trục xuất về Việt Nam.
Mạnh cho biết, khi được chị dâu nhờ đưa sang Trung Quốc, bị cáo chỉ muốn giúp mọi người thôi. Các lao động đi theo đường tiểu ngạch bất hợp pháp này rất nhiều. Bị cáo không nghĩ hành vi của mình lại phải trả giá bằng tự do như thế này. Bị cáo Mạnh tỏ ra rất hối hận và mong HĐXX giảm nhẹ tội để có cơ hội sớm về với gia đình.
Các lao động được Mạnh tư vấn đi sang Trung Quốc có mặt tại phiên tòa. Họ xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo. Theo họ, do cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn nên muốn sang Trung Quốc tìm việc làm, kiếm chút vốn về làm ăn. Nghe nói Mạnh sang được Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên đã nhờ đưa đi giúp.
“Biết đi đường tiểu ngạch sẽ gặp nhiều rủi ro nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên mới phải nhờ Mạnh. Xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo. Chúng tôi cũng xin tự rút kinh nghiệm”, một lao động đứng dậy xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo.
Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Dương Văn Mạnh 5 năm tù, bị cáo Mã Đình Thực 3 năm tù về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.
Chỉ vì thiếu hiểu biết mà Thực và Mạnh phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật. Mạnh và Thực không hề hay biết nếu các lao động gặp rủi ro thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.
Minh Tâm
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (11)