+Aa-
    Zalo

    "Hội chứng bóng đè" của TQ và bài học Thánh Gióng VN

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

    (ĐSPL) - Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế. Đó là nhận định chung của các chuyên gia quân sự và chuyên gia pháp lý xoay quanh sự việc Trung Quốc  hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. 
    Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế. 
    Việt Nam chọn thời điểm để kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế. Giới trí thức trong nước cũng cần tập trung chuẩn bị những chứng cứ cho cuộc đấu tranh pháp lý. Thực tế, Philippines đã từng kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế và chúng ta cũng lường trước những vấn đề đặt ra để có những bước đi kiên quyết nhằm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là nhận định của các chuyên gia quân sự và chuyên gia pháp lý xoay quanh sự việc Trung Quốc  hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. 
    Ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
    "Chúng ta không muốn chiến tranh nhưng phải làm cho họ biết đó là đất nước, là trời, là biển thiêng liêng của dân tộc ta!".
    Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc

    Ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

    Đến thời điểm này, có rất nhiều người dân Việt Nam đã gửi đề nghị đến MTTQ Việt Nam để biểu thị tinh thần yêu nước. Đây là quyền con người, quyền công dân, quyền tự vệ chính đáng, cho nên tôi nghĩ rằng làm như thế là thể hiện thái độ yêu nước và một tinh thần bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền. Đây phản ứng hết sức bình thường, hết sức tự nhiên của bất cứ dân tộc nào. Mà chúng ta là người Việt Nam, thì tinh thần ấy còn cao hơn nữa. MTTQ Việt Nam ủng hộ những việc làm này.
    Mình ủng hộ những hành động phòng vệ, tự vệ chính đáng, không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, người dân khi phản đối, biểu thị thái độ với Trung Quốc không nên kích động đập phá, hủy hoại tài sản của nhân dân, của Nhà nước cũng như của Trung Quốc tại Việt Nam.
    Chúng ta phải phản đối nhưng trên cơ sở hòa bình. Hòa bình cho mình và hòa bình cho thế giới. Lập trường của chúng ta là như vậy, bởi chúng ta không muốn chiến tranh nhưng phải làm cho họ biết đó đất nước, là trời, là biển thiêng liêng của dân tộc chúng ta. Dù Trung ương MTTQ chưa ra lời kêu gọi hay lên tiếng chính thức về việc này song về cá nhân, tôi suy nghĩ cũng giống mọi người dân Việt Nam, đồng thuận việc bảo vệ chủ quyền từ trước tới nay và từ nay về sau cũng rõ như thế. Lập trường này không bao giờ thay đổi.
    Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam:
    "Chưa bao giờ Quân đội Việt Nam mạnh như lúc này"
    Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc
    Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương.
    Đảng và Nhà nước đang chỉ huy được tinh thần đoàn kết cao của toàn dân. Ngày trước Việt Nam một mình chống chọi với đế quốc xâm lược thì nay có Mỹ, Nhật lên tiếng về hành động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và sẵn sàng ủng hộ Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam rầm rộ biểu tình ôn hòa ở nhiều tỉnh thành. Tại nhiều quốc gia, cộng đồng Việt kiều cũng đã tràn xuống phố biểu tình phản đối hành động sai trái của Trung Quốc khi đặt giàn khoan sang địa phận biển của Việt Nam.
    ở thời điểm này, tôi nghĩ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đứng ra làm lực lượng tổ chức nhân dân, chúng ta biểu tình một cách ôn hòa trong khuôn khổ của luật pháp. Để có một Việt Nam thống nhất và hùng mạnh như ngày nay, các thế hệ người Việt đã phải trả giá rất đắt. Vì thế, hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang gánh trọng trách với lịch sử: Giữ vững đất nước, chủ quyền, biên giới, biển đảo.
    Trong thời điểm này, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc chiến đấu mới bằng sức mạnh tổng hợp, tinh thần độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc. Ngoài ra, phải làm cho nhân dân hiểu rõ bản chất, tính phi nghĩa của kẻ xâm lược và cần phải làm gì trước một cuộc xâm lăng để bảo vệ trọn vẹn biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của chúng ta.
    Về câu hỏi nhiều người đặt ra về sức mạnh của Quân đội Việt Nam thì tôi xin khẳng định rằng, chưa bao giờ quân đội chúng ta mạnh như lúc này. Bộ Quốc phòng, nhân dân Việt Nam đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những năm qua, chúng ta đã bổ sung các phương tiện, trang bị chiến đấu rất mạnh, đặc biệt là những đầu tư nhằm nâng cao sức chiến đấu cho hải quân, không quân Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang đầu tư khá mạnh vào những khu vực phòng thủ dọc tuyến biển đảo. Với những phương tiện hiện đại ấy, với sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam hoàn toàn đủ sức đánh bại bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm vùng đất, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc ta.
     Thời điểm hiện tại chúng ta đang giữ hòa khí và nêu cao tinh thần hòa bình chứ nếu xảy ra đụng chạm thì Việt Nam hoàn toàn đủ sức chống trả.
    Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại Quốc hội:
    "Chúng ta đang làm đúng và cần phải mạnh mẽ hơn nữa"
    Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc
    Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
    Nhìn từ lịch sử của dân tộc ta, đoàn kết là một yếu tố quan trọng và quyết định sự sinh tồn của đất nước. Chúng ta có 54 dân tộc anh em và trải qua hàng ngàn năm chống quân xâm lược, Việt Nam đã trở thành mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
    Vùng biển nước ta xảy ra biến cố, vì vậy nhân dân ta phải đứng dậy tạo nên sức mạnh tổng hợp. Trong lúc này, chúng ta phải phát huy truyền thống, đặc biệt là lớp trẻ - lực lượng tiên phong đóng vai trò quan trọng. Phải giáo dục chiều sâu lòng yêu nước trong thế hệ trẻ ngay tại các trường học. Mỗi hành động biểu tình của người dân trong những ngày qua thể hiện sự sôi sục, bức xúc trước sự xâm phạm chủ quyền. Tuy nhiên, chúng ta phải tỉnh táo, tránh bị kích động để rơi vào âm mưu của kẻ xấu.
    Nhưng mọi người cũng cần phải hiểu rằng, đối với chúng ta thì nhân dân Trung Quốc vẫn luôn là người bạn tốt. Hành động xâm phạm lãnh hải Biển Đông vừa qua là hành động phi lý của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc. Chúng ta lên án hành động này là cần thiết, nhưng phải bàn đến giải pháp. Cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh. Chính vì vậy, việc ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong lúc này phải hết sức tỉnh táo để xử lý vấn đề theo diễn biến hòa bình.
    Vừa qua, thái độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất cương quyết và đúng đắn. Quan điểm là bảo vệ từng lãnh hải vùng biển của mình. Ngày 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar và có bài phát biểu quan trọng về tình hình Biển Đông đã đánh giá đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, ASEAN đã có một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Việt Nam đang làm đúng và cần phải mạnh mẽ hơn nữa.
    Tôi kiến nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần phát huy khối Đại đoàn kết dân tộc để nhân dân chúng ta hiểu rõ và đúng đắn nhất về vùng biển, lãnh thổ của Việt Nam cũng như những quy định về Luật pháp Quốc tế. Việc người dân biểu tình ôn hòa là đúng đắn nhưng chúng ta không nên có những hành động cực đoan với người Trung Quốc tại Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh lại, nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc là anh em, là bạn bè láng giềng. Điều quan trọng nhất bây giờ là Trung Quốc cần rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam để tránh những đụng độ không đáng có. Về phía Việt Nam, trong lúc này vẫn phải giữ thái độ bình tĩnh, kiên trì. Tôi tin chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này một cách tốt đẹp nhất mà không ảnh hưởng đến tinh thần hòa bình của nhân dân hai nước và quốc tế.
    Luật sư Lê Thanh Sơn- Trưởng Văn phòng Luật sư AIC (đoàn Luật sư TP. Hà Nội):
    "Hành vi của Trung Quốc là xâm chiếm vùng đặc quyền của Việt Nam"
    Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc

    Luật sư Lê Thanh Sơn (đoàn LS TP. Hà Nội). ảnh T.L.

    Trước sự việc ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng theo quan điểm của tôi, sự việc đang diễn ra không phải tranh chấp mà là xâm phạm chủ quyền.
    Chính phủ Việt Nam cần phải có những hành động mạnh mẽ, thể hiện ý chí quyết tâm trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các hành động đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cần thiết phải được thực hiện ngay như gửi Công hàm chính thức phản đối Trung Quốc cần phải được đệ trình lên Liên Hợp Quốc, tố cáo về các hành vi xâm phạm vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
    Rút kinh nghiệm từ việc Philippines sử dụng các công vụ pháp lý để kiện Trung Quốc, Việt Nam có thể học hỏi để làm tiền đề tiến hành khởi kiện Trung Quốc. Trong mối quan hệ bang giao quốc tế, việc một quốc gia khởi kiện một quốc gia khác về một nội dung nào đó là bình thường. Ngoài hình thức tiến hành vụ kiện theo Công pháp quốc tế, thì các đơn vị của Việt Nam như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hội Nghề cá Việt Nam hoặc các ngư dân Việt Nam có thể tiến hành kiện Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc theo hình thức tư pháp quốc tế. Đây sẽ là một vụ kiện trong nước mà thẩm quyển giải quyết là Toà án Việt Nam.
    Luật sư Nguyễn Văn Hậu- Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM:
    "Có thể khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế về Luật Biển!"
    Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc
    Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM. ảnh T.L.
    Cách đây 37 năm (ngày 12/5/1977), Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam có tuyên bố về lãnh hải, vùng biển tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo đó, Chính phủ tuyên bố "vùng đặc quyền kinh tế của nước CHXHCN Việt Nam liền tiếp lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam". Tiếp đó, trên cơ sở quy định tại Điều 57 Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982, thì tại Điều 15 Luật Biển do Quốc hội Khoá XIII nước ta thông qua ngày 21/6/2012 một lần nữa khẳng định: Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là "vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở". Như vậy, vị trí đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Tôi nhắc lại điều này bởi trong thời gian qua, đặc biệt là trong những ngày gần đây, Trung Quốc liên tục ngụy biện cho rằng vị trí đặt giàn khoan 981 đang thuộc lãnh thổ của Trung Quốc? Những tuyên bố này của Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ và không được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
    Điều 56 Công ước Quốc tế về Luật Biển cho phép nước ta có các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên... cũng như về hoạt động khai thác, thăm dò vì mục đích kinh tế. Đồng thời, theo Điều 58 Công ước này thì trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam, khi thực hiện các quyền và làm nghĩa vụ của mình theo công ước, các quốc gia khác phải tôn trọng luật và quy định mà Việt Nam ban hành theo đúng các quy định của Công ước.
    Như vậy, có thể thấy các hành động ngang ngược của Trung Quốc trong thời gian gần đây là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước ta theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển. Đồng thời, hành động này của Trung Quốc cũng đã đi ngược lại cam kết "tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định" tại Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN thông qua năm 2002. Hội Luật gia TP. HCM cũng đang nghiên cứu để góp ý, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế về Luật Biển theo quy định về giải quyết tranh chấp tại Chương 15 Công ước Quốc tế về Luật Biển.
    Giáo sư Nguyễn Khắc Mai- nguyên Vụ trưởng vụ Nghiên cứu ban Dân vận Trung ương:
    "Đây là hành động ngang ngược, phi pháp coi thường dư luận của Trung Quốc"
    Việt Nam có đủ chứng cứ, cơ sở pháp lý để kiện Trung Quốc
    GS. Nguyễn Khắc Mai.
    GS. Nguyễn Khắc Mai là nhà nghiên cứu đã có nhiều kiến giải về góc độ pháp lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước tình hình Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam, GS Nguyễn Khắc Mai khẳng định: Đây là hành động ngang ngược, phi pháp, cậy mình là nước lớn coi thường dư luận trong nước và quốc tế. Tất nhiên, việc đưa giàn khoan vào Biển Đông, Trung Quốc cũng đã tính toán thời điểm.
    Nhưng điều Trung Quốc chưa tính được là dư luận trong nước Việt Nam lại mạnh mẽ như vậy. Người dân lên án Trung Quốc, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải có những hành động cần thiết để bảo vệ chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thái độ của Chính phủ Việt Nam cũng quyết liệt phản đối hành vi này của Trung Quốc. Lần này, khắp ba miền Bắc, Trung, Nam hàng ngàn người dân đã tuần hành biểu tình phản đối Trung Quốc. Tôi cho rằng, những tuyên bố, mít tinh trong nhà là cần thiết nhưng nó sẽ không tạo được sức ép dư luận bằng những cuộc tuần hành như vậy. Thời điểm này phải nuôi dưỡng sinh khí, lòng yêu nước để vượt khó khăn, đó là tài trí của những nhà lãnh đạo.
    Nhiều đoàn thể của Việt Nam cũng đã có hành động phản đối Trung Quốc. Chúng ta nhận rõ âm mưu của Trung Quốc, đưa giàn khoan vào Biển Đông không vì mục đích khoan dầu vì tại vị trí này chưa thăm dò được các vỉa dầu, đánh giá trữ lượng như thế nào. Nhưng Trung Quốc muốn lấn dần xuống phía Nam để nối kết, hiện thực hoá đường lưỡi bò. Đó là tư tưởng bành trướng của nước lớn theo đường lối Đế quốc Chủ nghĩa mong muốn vạch lại bản đồ địa chính trị.  Vì thế, dư luận quốc tế đã cực lực phản đối hành vi của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam phải cung cấp những chứng cứ, tài liệu cho dư luận quốc tế hiểu rõ hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc.
    Tôi thực sự cảm phục những chiến sỹ Cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư đã dũng cảm, kiềm chế và không để xảy ra đụng độ vũ lực, không rơi vào bẫy của Trung Quốc.
    Trong thời điểm này, mỗi người dân sẵn sàng hành động để làm hậu thuẫn cho tiếng nói đàm phán của Chính phủ. Trước "biến động" này, từng người, từng đơn vị phải góp phần tạo ra nội lực mới cho Việt Nam, đặc biệt ở cấp vĩ mô. Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cần gấp rút điều chỉnh chính sách, chủ trương để nhanh chóng tạo ra sức mạnh mới của dân tộc Việt Nam.
    Tôi cho rằng, trước "hội chứng bóng đè" của Trung Quốc thì bài học Thánh Gióng càng trở nên cấp thiết. Nhân dân, tuổi trẻ, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền phải "lớn nhanh như thổi" để chống lại "hội chứng bóng đè". Đó là giá trị tinh thần, là sức mạnh Đại đoàn kết của dân tộc. Dân tộc Việt Nam có triết lý chuyển nguy thành an, chuyển xấu thành tốt... Chính phủ hãy nghiền ngẫm những bài học trong lịch sử để có thêm sức mạnh, trí tuệ, dũng khí cùng đấu tranh vượt qua thách thức lớn lao. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để nhân dân và Chính phủ chớp lấy cơ hội tạo ra sức mạnh mới trên mọi mặt để dân tộc Việt Nam giữ vững chủ quyền đất nước.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoi-chung-bong-de-cua-tq-va-bai-hoc-thanh-giong-vn-a33211.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan