Thời gian qua, vấn nạn học sinh không đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh, đi hàng ngang... đang khiến các cơ quan chức năng và nhà trường canh cánh, chưa thể kiểm soát hết.
Tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông liên tục xảy ra. Ảnh minh họa |
Không dễ xử lý
Chỉ trong 2 tháng đầu năm học, phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đã phát hiện 160 học sinh vi phạm luật Giao thông đường bộ. Lỗi vi phạm chủ yếu không đội mũ bảo hiểm; không có giấy đăng ký xe, không chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu; người đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe máy; người đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi điều khiển xe máy trên 50 phân khối...
Trước thực trạng trên, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM đã ký ban hành công văn đính kèm danh sách để gửi về các trường.
“Căn cứ vào danh sách học sinh vi phạm ATGT, thủ trưởng các đơn vị phối hợp cùng gia đình giáo dục, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm; đồng thời đây là cơ sở để đánh giá hạnh kiểm học sinh trong học kỳ 1 năm học 2019 – 2020”, văn bản nêu rõ.
Đồng thời, sau khi tiến hành xử lý kỷ luật học sinh, sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường có văn bản báo cáo trực tuyến cụ thể, đính kèm biên bản họp, bản kiểm điểm của học sinh, cam kết của phụ huynh. Bên cạnh đó, học sinh vi phạm còn bị xử lý theo quy định của ngành giáo dục.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Chiếu theo quy định của sở GD&ĐT TP.HCM, học sinh vi phạm luật Giao thông sẽ bị xếp hạnh kiểm yếu trong học kỳ đó. Nếu phấn đấu rèn luyện, học sinh sẽ được xem xét lại mức hạnh kiểm vào cuối năm học. Đáng chú ý, khi học sinh lớp 12 vi phạm luật Giao thông vào cuối năm thì có khả năng không được dự thi tốt nghiệp THPT do bị xếp hạnh kiểm yếu”.
Thực tế, tình trạng học sinh vi phạm luật Giao thông đường bộ khá phổ biến ở nhiều địa phương. Trung tá Lê Bửu Thọ, Phó Đội trưởng đội CSGT, Công an TP. Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu đèn giao thông chủ yếu là đối tượng học sinh.
“Qua thống kê của chúng tôi, có đến 70 - 80% học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Nhiều em mang theo mũ bảo hiểm nhưng không đội, chỉ khi đến cổng trường mới “đối phó”.
Theo quy định, khi học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, công an phải gửi thông báo cho nhà trường, nhà trường xử lý bằng cách hạ một bậc hạnh kiểm, sẽ bất lợi cho các em khi thi vào một số trường đại học.
Vì vậy, trong công tác xử lý, CSGT chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục. Chính điều này đã tạo cho các em tính chủ quan trong việc chấp hành pháp luật giao thông”, Trung tá Thọ cho hay.
Theo đại diện phòng CSGT, Công an tỉnh Tây Ninh, qua thực tế kiểm tra, nhiều học sinh tham gia giao thông không chấp hành nghiêm các quy định, một phần do các em chưa có nhận thức đầy đủ về luật Giao thông đường bộ và nhà trường cũng khó quản lý, kiểm soát hành vi của các em ở ngoài giờ học. Phần còn lại do các em “học” từ cha mẹ, anh chị, những người chưa thực sự làm gương trong việc chấp hành pháp luật.
Cải thiện ý thức bằng xử phạt hay giáo dục?
Luật sư Nguyễn Hải Nam (Bình Phước) cho biết, theo quy định hiện hành, việc học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, tức là chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài việc xử lý học sinh, cha mẹ hoặc chủ phương tiện giao xe cho con mình điều khiển xe gắn máy, mô tô khi chưa có đủ điều kiện (về độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe) thì cũng bị xử phạt theo Nghị định 46/2016.
“Trường hợp học sinh điều khiển xe gắn máy, mô tô gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì cha, mẹ hoặc chủ phương tiện còn có thể bị truy tố về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào mức độ của hậu quả mà chủ phương tiện có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm”, luật sư Nam trình bày.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Lê Thị Loan, Phó Trưởng khoa Giáo dục, học viện Quản lý giáo dục Hà Nội đánh giá, các biện pháp xử phạt chỉ có tác dụng răn đe tại thời điểm hiện tại, về lâu dài vẫn phải ưu tiên việc giáo dục ý thức tuân thủ luật Giao thông.
“Nếu chỉ tập trung giáo dục kiến thức và kỹ năng mà không giáo dục thái độ thì sẽ dẫn đến hiện tượng “đối phó”... Cho nên, ý thức và thái độ vẫn là những mục tiêu bền vững hơn. Từ kiến thức, từ thái độ về an toàn giao thông mà các em học được, các em sẽ tự giác biến thành những hành động đem lại lợi ích cho cộng đồng”, Th.S Loan nhận định.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh nêu ý kiến: “Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ về việc tham gia giao thông an toàn. Chính vì thế, phụ huynh cần giáo dục cho con em mình ý thức chấp hành luật Giao thông từ nhỏ. Việc giáo dục con cái chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông, không chỉ để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của bản thân mà còn cho người khác. Phụ huynh không nên cho con sử dụng xe máy nếu chưa đủ tuổi; phải đội nón bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông trên đường. Hơn ai hết, phụ huynh phải là tấm gương chấp hành luật Giao thông, ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông”, ông Phước nhấn mạnh. |
Hà Nhân
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 166