(ĐSPL) – Sau sự kiện Đại tướng Martin Dempsey đến thăm Việt Nam, các học giả Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng nhờ hợp tác với Mỹ.
Đài phát thanh nhân dân Trung ương Trung Quốc (CRI) ngày 17 tháng 8 có bài viết dẫn lời các học giải trong nước bình luận về mối quan hệ Việt-Mỹ. Bài viết cho rằng, từ năm 1955 đến năm 1975, chiến tranh Việt Nam trong vòng 20 năm đã gây ra đau thương mãi mãi cho nhân dân hai nước Mỹ-Việt. Mãi đến năm 1995, hai nước mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
|
Tướng Martin Dempsey trong chuyến thăm 4 ngày đến Việt Nam. |
Chuyên gia nghiên cứu về Hoa Kỳ của Trung Quốc, Dư Hạo đã lên tiếng giải thích về lý do quan hệ Mỹ-Việt ấm dần lên trong thời điểm này. Đặc biệt là việc Mỹ có thể sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Theo ông Dư Hạo, việc Trung Quốc trực tiếp tạo nên căng thẳng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực là nguyên nhân để Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương. Tuy vậy, ông Dư Hạo cũng nói rằng Mỹ sẽ hành động một cách cẩn thận trong việc tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam.
Mỹ có lý do để dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam
Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu văn hóa thuộc Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương và Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Hứa Lợi Bình thừa nhận tướng Martin Dempsey thăm Việt Nam thể hiện mối quan hệ Việt-Mỹ ngày càng trở nên sâu sắc. Từ năm 2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cũng đã thăm chính thức Mỹ, đưa quan hệ Việt-Mỹ nâng cấp lên thành quan hệ đối tác toàn diện.
Học giả Hứa Lợi Bình nhận định đây là một đột phá của quan hệ Mỹ-Việt. Mỹ hy vọng dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam, mở rộng đối tác xuất khẩu vũ khí và cũng để làm giảm căng thẳng, áp lực kinh tế trong nước.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. |
Đối với Việt Nam, vũ khí nhập khẩu từ trước đến nay của Việt Nam đều đến từ Nga, thị trường gần như là duy nhất. Cho nên có lựa chọn nhập khẩu vũ khí từ Mỹ sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các khí tài quân sự hiện đại mà phù hợp với các mục đích nhất định.
Ông Hứa Lợi Bình kết luận nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí thì sẽ nâng cao khả năng quốc phòng cho Việt Nam. Hơn nữa, Mỹ tăng cường quan hệ với Việt Nam đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện tranh chấp Biển Đông.
“Việt Nam chưa thể hợp tác toàn diện với Mỹ”
Theo ông Hứa Lợi Bình, khả năng Mỹ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là có hạn. Bởi vì, một mặt, Việt Nam vẫn còn có rất nhiều hoài nghi đối với Mỹ; mặt khác, nội bộ Mỹ cũng không hoàn toàn hướng về Việt Nam. “Vậy nên quan hệ hợp tác này còn rất hạn chế”.
Từ tháng 1 đến tháng 7/2014, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 24\% so với cùng kỳ năm trước, trong quan hệ với các cường quốc trên thế giới, Việt Nam hầu như không chịu thiệt về chính trị và kinh tế.
|
Tướng Martin Dempsey và Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. |
Ông Hứa Lợi Bình cho rằng Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, tăng cường hợp tác kinh tế, thực chất bởi hai bên đều có nhu cầu lẫn nhau. Trên thực tế, một quan điểm ngoại giao của Việt Nam là muốn thực hiện một chiến lược cân bằng về đối ngoại, chiến lược tổng thể là muốn thiết lập quan hệ đối tác với tất cả các nước lớn.
Bộ Ngoại giao Việt Nam thực ra đã đề xuất phải tiến hành xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược” với cả 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nhưng Việt Nam mới chỉ thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện” với Mỹ.
"Trên thực tế, Việt Nam muốn thông qua ‘chiến lược cân bằng nước lớn’ này để làm nổi bật vai trò ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và thực ra Việt Nam cũng không thể muốn bất cứ nước lớn nào đứng về phía mình. Đây cũng là một bộ phận quan trọng trong chiến lược cân bằng của Việt Nam", ông Hứa Lợi Bình bình luận.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-gia-trung-quoc-lo-ngai-quan-he-quan-su-viet-my-a46805.html