+Aa-
    Zalo

    Hoàng loạt vụ CSGT bị tấn công, lăng mạ khi xử lý vi phạm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc lực lượng CSGT bị những người vi phạm luật giao thông chống đối khi làm nhiệm vụ. Thậm chí, nhiều đối tượng còn có hành

    Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc lực lượng CSGT bị những người vi phạm luật giao thông chống đối khi làm nhiệm vụ. Thậm chí, nhiều đối tượng còn có hành vi lăng mạ CSGT khiến dư luận vô cùng bức xúc.

    Trung úy CSGT bị hai thanh niên tấn công

    Theo thông tin trên báo Vnexpress, chiều 8/10, thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng phòng tham mưu (Công an tỉnh Đăk Lăk), cho biết cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý Y Bin Byă (31 tuổi) và Y Bren Niê (22 tuổi) và hành vi Chống người thi hành công vụ.

    Sáng cùng ngày, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông TP Buôn Ma Thuột tuần tra, xử lý vi phạm trên đường Nguyễn Thị Định, phát hiện Y Bin Byă và Y Bren Niê đi xe máy không đội nón bảo hiểm, phóng nhanh trên đường.

    Hai thanh niên vi phạm bị người dân và cơ quan chức năng khống chế - Ảnh: Tri thức trực tuyến

    Thấy CSGT đuổi theo, hai thanh niên này chạy xe vào đường nhỏ để trốn. Lúc này, một người dân chạy ôtô chắn ngang đường nên cả hai không qua được.

    Khi trung úy Huỳnh Minh Thương đến yêu cầu kiểm tra giấy tờ, bị cả hai lao vào tấn công dẫn đến xây xát. Ngay sau đó, Y Bin Byă và Y Bren Niê bị lực lượng CSGT và người dân vây bắt.

    Vi phạm giao thông còn tấn công CSGT

    Theo báo Công an Nhân dân, ngày 27/8, thông tin từ Công an huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự đối với Huỳnh Tấn Hoàng (30 tuổi, trú tại thôn 3, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) để điều tra, làm rõ về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

    Trước đó, vào khoảng 16h45 chiều 23/8, một tổ tuần tra kiểm soát giao thông Công an huyện Chư Prông và CSGT tỉnh Gia Lai đang tổ chức tuần tra, kiểm soát tại Km 189+500 thuộc địa bàn huyện Chư Prông thì phát hiện Hoàng điều khiển xe máy mang BKS 81H1-5489 không đội mũ bảo hiểm nên đã ra hiệu lệnh kiểm tra.

    Qua kiểm tra, Hoàng đã không xuất trình được giấy phép lái xe, không có giấy chứng nhận đăng ký xe, không có giấy bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc và vi phạm nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,25 miligam/lít khí hơi thở nên đã tiến hành lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, Hoàng không những không chấp hành mà còn có hành vi chống đối rồi bỏ đi.

    Đến khoảng 17h35 cùng ngày, Hoàng quay trở lại cầm theo đá và một cây xà beng xông vào tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Thấy vậy, đồng chí Phan Hải Quang, Tổ trưởng tổ tuần tra đã dùng súng bắn đạn cao su bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Tuy nhiên, Hoàng không những không chấp hành mà tiếp tục cầm hung khí lao vào tấn công. Trong tình thế nguy hiểm, đồng chí Quang bắt buộc phải nổ 2 phát súng vào người Hoàng rồi cùng đồng đội khống chế.

    Qua kiểm tra, Hoàng bị đạn trúng rách da đầu nên tổ công tác đã sơ cứu rồi đưa Hoàng đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Đến khoảng 21h cùng ngày, Hoàng bỏ trốn khỏi bệnh viện. Hoàng sau đó được mời lên trụ sở công an làm việc. Tại cơ quan điều tra, Hoàng đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình.

    Tấn công CSGT đang làm nhiệm vụ

    Cũng liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ, trước đó, trao đổi với PV báo Người đưa tin, đại diện Công an huyện Tiên Lãng (TP.Hải Phòng) cho biết, đối tượng Nguyễn Văn Mã (SN 1974, trú tại Tiên Đôi Nội, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) đã bị công an huyện này tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi chống đối người thi hành công vụ.

    đêm 24/6, sau khi uống rượu tại một đám cưới gần nhà, Mã cùng Nguyễn Văn Tý (SN 1972) và Nguyễn Văn Chính (SN 1970) cùng trú tại thôn Tiên Đôi Nội không đội mũ bảo hiểm đi xe máy lên hội chợ huyện để chơi.

    Đội CSGT, 113 Công an huyện Tiên Lãng đang đi tuần tra phát hiện 3 người vi phạm giao thông liền ra tín hiệu dừng lại để kiểm tra nhưng Mã đã phóng xe bỏ chạy.

    Được 20m, Mã bị lực lượng CSGT chặn bắt. Mã đã không xuất trình được giấy tờ xe, bằng lái xe khi CSGT yêu cầu.

    Thiếu úy Hoàng Đình Hiếu - cán bộ CSGT đã tiến hành đo nồng độ cồn trong người đối tượng Mã nhưng Mã đã chống đối và dùng tay phải đấm vào mặt Thiếu úy Hiếu khiến Thiếu úy này bị thương ở mặt.

    Đội CSGT đã kịp thời ngăn hành vi côn đồ của Mã lại. Tiến hành kiểm tra nhanh, nồng độ cồn trong người đối tượng Mã là 180mg, gấp 3 lần nồng độ cho phép.

    Đối tượng Mã sau đó bị đưa về trụ sở công an để làm rõ hành vi chống đối người thi hành công vụ.

    Người phụ nữ nắm cổ áo CSGT khi bị nhắc nhở

    Theo báo Dân Việt, sự việc xảy ra vào ngày 17/7 tại nút giao lộ đường Ung Văn Khiêm – Nguyễn Xí, phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM).

    Theo đó, Theo đó, người phụ nữ điều khiển ô tô 4 chỗ đã lấn làn lưu thông trên đường Ung Văn Khiêm.

    Lúc này, một chiến sĩ Đội CSGT Hàng Xanh, thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, PC67, Công an TP.HCM đang ở gần đó chạy lại gõ cửa nhắc nhở thì bất ngờ người phụ nữ bước xuống xe và lớn tiếng chửi bới một cách thậm tệ.

    Người phụ nữ này còn xông vào nắm cổ áo chiến sĩ CSGT trước mặt nhiều người. Vụ việc khiến nhiều người đi đường ngỡ ngàng, giao thông qua khu vực ùn ứ kéo dài.

    Sau khi sự việc xảy ra, Công an phường 25, quận Bình Thạnh đã có mặt tiến hành mời người phụ nữ về trụ sở để làm việc.

    Xử phạt ra sao?

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo Tuổi trẻ, luật sư Hoàng Thái Long (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “ Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người tham gia giao thông có những hành vi như có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các chiến sĩ CSGT đang thi hành công vụ thì tùy theo mức độ của hành vi mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ”.

    LS Long cho hay, về xử phạt hành chính được quy định tại điểm b khoảng 2 điều 20 Nghị định 167 của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2013 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội có quy định phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng.

    Nếu người tham gia tham gia giao thông có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ thì mức phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng, được quy định tại khoản 3 của nghị định nêu trên.

    Trường hợp người tham gia giao thông có hành vi chống người thi hành công vụ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 257, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) - LS Long cho biết thêm.

    Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo An ninh Thủ đô, Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự cho biết, thực tế cho thấy, nhiều khi người tham gia giao thông  vi phạm những lỗi thông thường, nếu nhận thức rõ được hành vi vi phạm của mình thì đôi khi chỉ bị lực lượng CSGT nhắc nhở mà không xử phạt hành chính. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp chống đối, lăng mạ, hành hung lực lượng chức năng, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông nói chung và gây bức xúc trong dư luận xã hội…

    Trong những trường hợp đó, hành vi vi phạm của những người tham gia giao thông trước hết tùy từng lỗi mà sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ.

    Riêng đối với hành vi chống đối, lăng mạ, hành hung người đang làm nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ của người có hành vi vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra điều tra xử lý hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”. Nếu hành vi hành hung ấy dẫn đến thương tích cho người thi hành công vụ thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

    Cụ thể, việc xử lý hành chính đối với người cản trở, chống đối lực lượng chức năng sẽ căn cứ theo Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/1/2013 của Chính phủ. Điều luật này xác định: “Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng”.

    Ở mức độ cao hơn như: dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính thì sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

    Đối với trường hợp: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”, theo tội “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại Điều 257-BLHS thì người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Và mức hình phạt cao nhất ở tội danh này lên đến 7 năm tù.

    Cũng với hành vi nêu trên nhưng nếu gây thiệt hại về sức khỏe cho CSGT thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, theo Điều 104 - BLHS với mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân, trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc làm chết nhiều người.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoang-loat-vu-csgt-bi-tan-cong-lang-ma-khi-xu-ly-vi-pham-a204552.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan