Theo đó, Địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Đến năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Đến nay, Sở đã hoàn thành giai đoạn 1 của việc này. Cụ thể, phối hợp với Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, UBND huyện Củ Chi hoàn thành báo cáo tóm tắt di sản địa đạo Củ Chi và chuyển đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, xác định hai tiêu chí trên tổng số 10 tiêu chí có xác định giá trị nổi bật toàn cầu.
Cụ thể, di tích lịch sử này đạt hai tiêu chí trên tổng số 10 tiêu chí trên.
Theo tiêu chí đầu tiên, đây phải là ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn quan trọng trong lịch sử nhân loại.
Tiêu chí thứ hai địa đạo Củ Chi đạt được là một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay biển cả, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương do ảnh hưởng của những thay không đảo ngược trong Giá trị nổi bật toàn cầu.
Trước đó, vào ngày 9/1/2022, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia về việc đưa di tích Địa đạo Củ Chi vào Danh mục dự kiến lập hồ sơ Di sản Thế giới.
Trước mắt, hồ sơ đã được hoàn thiện xong giai đoạn một. Trong giai đoạn tiếp theo UBND TP.HCM tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đăng ký với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO đưa di tích Địa đạo Củ Chi vào danh sách đề cử Dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua sẽ tiếp tục tiến hành sang giai đoạn 2, tiến độ 4-5 năm. Dự kiến, năm 2027, hồ sơ công nhận sẽ được hoàn thiện.
Phương Linh (T/h)