+Aa-
    Zalo

    Hoàn chỉnh Đề án xử lý khó khăn tại 3 dự án BOT giao thông

    (ĐS&PL) - Bộ GTVT được yêu cầu đánh giá kỹ tác động của các cơ chế, giải pháp xử lý vướng mắc một số dự án BOT giao thông bảo đảm không tạo tiền lệ, không để lợi dụng,...

    Bộ GTVT vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Thái Bình, Phú Yên; Cục Đường cao tốc Việt Nam hoàn chỉnh Đề án về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 270/TB – VPCP ngày 22/6/2024..

    Theo đó, Bộ GTVT giao Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hoàn chỉnh báo cáo và xây dựng phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể; chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương đối với 3 dự án BOT do địa phương là cơ quan có thẩm quyền gồm: Dự án xây dựng cầu An Hải do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên là cơ quan có thẩm quyền; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 39B và đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền; Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền.

    Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng được giao phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đàm phán với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các tổ chức tín dụng để xây dựng phương án chia sẻ rủi ro phù hợp với từng giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

    Ảnh minh hoạ

    Ảnh minh hoạ

    Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông Bộ GTVT được yêu cầu đánh giá kỹ tác động của các cơ chế, giải pháp xử lý vướng mắc một số dự án BOT giao thông bảo đảm không tạo tiền lệ, không để lợi dụng, gây thất thoát, lãng phí... 

    Bộ GTVT đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Thái Bình, Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam hoàn chỉnh báo cáo, đề xuất giải pháp đối với từng dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền.

    Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với Cục Đường cao tốc Việt Nam và các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình đàm phán, xây dựng phương án chia sẻ rủi ro đối với từng dự án.

    Trước đó, tại Thông báo số 270, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ, phát biểu các cơ quan tại cuộc họp và văn bản góp ý của các bộ, cơ quan liên quan; rà soát ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 190/TB-VPCP ngày 3/5/2024 của Văn phòng Chính phủ để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Đề án.

    Thường trực Chính phủ lưu ý Bộ GTVT rà soát bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1834/TB-TTKQH ngày 28/11/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội; phối hợp với các địa phương có dự án BOT đang đề xuất xử lý để rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng khó khăn, vướng mắc của các dự án.

    Đồng thời, bổ sung đầy đủ thông tin đối với các dự án cần xử lý do địa phương là cơ quan có thẩm quyền; rà soát các quy định của hợp đồng BOT để xác định cụ thể trách nhiệm chủ quan, khách quan của các chủ thể liên quan; cụ thể hóa được các lợi ích, hiệu quả của các dự án trong thời gian qua… trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp giải quyết phù hợp.

    Bộ GTVT và các địa phương cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nghiên cứu sử dụng tối đa các quy định, công cụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, địa phương, trước hết là trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GTVT và các địa phương để có giải pháp giải quyết cụ thể cho từng dự án; chỉ đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách nhà nước để xử lý khi các giải pháp khác không khả thi.

    Trường hợp thực sự cần thiết phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thì cần xem xét các dự án đã hoàn thành, nhưng không đặt được trạm thu phí, ưu tiên đề xuất về cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn lực, giảm sử dụng vốn nhà nước khi xử lý.

    Đồng thời, phải xác định rõ thời hạn áp dụng, số lượng, danh mục dự án cụ thể; tập trung danh mục các dự án đã xác định cụ thể, lượng hóa được khó khăn, vướng mắc; đánh giá kỹ tác động của các cơ chế, giải pháp đề xuất, bảo đảm không tạo tiền lệ, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

    Xử lý khó khăn dự án BOT, hài hòa lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư Bộ GTVT được giao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, tổ chức cung cấp tín dụng theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT và các bên cung cấp vốn phải có trách nhiệm cùng chia sẻ rủi ro, phải có giải pháp cơ cấu lại khoản vay, giảm lãi vay, điều chỉnh phương án trả nợ phù hợp.

    Trường hợp đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn phải xác định được giá trị thuộc trách nhiệm nhà nước phải thanh toán, sử dụng nguồn nào và thẩm quyền quyết định.

    Qua đó, các bên có trách nhiệm chia sẻ tối đa rủi ro theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" (Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với Nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bên cung cấp vốn để đàm phán theo hướng không có lợi nhuận vốn chủ sở hữu và không tính lãi vay trong giá trị dự kiến đề nghị thanh toán).

    Về lâu dài, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nghiên cứu có giải pháp phù hợp để xử lý các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khó khăn, vướng mắc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hoan-chinh-e-an-xu-ly-kho-khan-tai-3-du-an-bot-giao-thong-a440196.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan