+Aa-
    Zalo

    Họa sĩ gánh cà pháo làm lộ phí thi và vinh dự vẽ tranh Bác Hồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Họa sĩ Trần Từ Thành đã trải lòng về ký ức trong hội họa, những câu chuyện ít ai biết.

    Ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà họa sĩ Trần Từ Thành. Trong căn nhà nhỏ trên đường La Thành (Hà Nội). Người họa sĩ già vẫn miệt mài vẽ. Thấy có người đến, ông ngừng tay, tươi cười đón khách. Bên chén trà nóng, ông trải lòng về ký ức trong hội họa, những câu chuyện ít ai biết.

    Khát vọng hòa bình

    Trần Từ Thành sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo thuộc Gia Phố (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Ngay từ nhỏ, Trần Từ Thành đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa.

    Với năng khiếu bẩm sinh, năm 1958, ông ra Hà Nội dự thi vào trường Mỹ thuật Việt Nam. Ông tâm sự: “Ngày đó, nhà tôi nghèo lắm. Khi ra Hà Nội, tôi chỉ có một gánh cà pháo mà bố mẹ và bà con lối xóm góp lại cho tôi đi thi. Ra đến ga tàu, tôi rao bán để có tiền thuê nhà trọ. Sau bao nỗ lực, tôi đã trúng tuyển, mơ ước đã trở thành hiện thực”. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1963, ông trở về quê hương công tác.

    Chiến tranh ám ảnh trong ký ức người họa sĩ là nỗi đau mất mát những người thân yêu. Anh trai ông đã hy sinh tại chiến trường Ðiện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nỗi đau ấy lại nhân lên khi năm 1968 cha mẹ ông đã mất trong một trận bom hủy diệt của giặc Mỹ.

    “Khi anh trai mất, tôi đã đổi tên từ Trần Đình Thành sang Trần Từ Thành. Từ là tên của anh trai tôi. Tôi muốn sống cuộc đời của anh tôi nữa. Chiến tranh đã cướp đi những người yêu thương nhất của tôi. Tôi biết trên đất nước Việt Nam, còn rất nhiều gia đình cũng phải gánh chịu những đau đớn như vậy. Hơn ai hết, tôi luôn khát khao đất nước được hòa bình, người dân được sống cuộc sống tự do, hạnh phúc. Sau này, những tác phẩm của tôi cũng luôn chứa đựng những khát khao cháy bỏng đó”- Họa sĩ Trần Từ Thành xúc động nói.

    Bức tranh Bác Hồ- bức tranh mang niềm khát khao hòa bình

    Năm 1969, ông ra Hà Nội- Cái nôi của văn học nghệ thuật Việt Nam - để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê hội họa và thêm một lần đau khi nghe tin Bác mất. “Tôi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc đau thương của toàn dân tộc trước sự ra đi của Bác. Những giọt nước mắt cứ tuôn trào trong tôi. Chính từ giây phút đau thương đó, tôi đã nung nấu ý tưởng phác họa chân dung Bác cùng khát khao cháy bỏng về một đất nước hòa bình của Người”.

    Trước đó, nhiều họa sĩ đã vẽ Bác Hồ rất xuất sắc. Những bức chân dung đó đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phải vẽ thế nào để Bác nổi bật và thể hiện được khát vọng của Người là đất nước độc lập, thống nhất. Đúng lúc đó, bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu: “Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam” đã giúp ông nảy ra những ý tưởng đầu tiên. Sau nhiều ngày miệt mài, ông đã hoàn thành tranh cổ động “Bức tranh Bác Hồ” với hình ảnh nổi bật là Bác Hồ ôm hôn em bé, bên phải là hình chữ S – biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là lá cờ đỏ dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, là màu cờ Tổ quốc thân yêu.

    Năm 1976, bức tranh cổ động này được trưng bày trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Kết thúc triển lãm, bức tranh đã đoạt giải Nhì và được xuất bản, phát hành 5 vạn tờ và đổi tên thành “Độc lập thống nhất hòa bình hạnh phúc”. Sau này, bức tranh đã trở thành thông điệp của hòa bình và đoàn kết dân tộc, được đặt trên nóc Nhà Thông tin TP. Hà Nội như biểu tượng của Hà Nội trong suốt 40 năm.

    Vinh dự và trách nhiệm

    Ngày 18/5/1968, họa sĩ Trần Từ Thành được kết nạp vào Đảng trong căn hầm chữ A – nơi sơ tán của khu Văn hóa – Thông tin Hà Tĩnh. “Năm nay, tôi đã tròn 50 năm tuổi Đảng nhưng vẫn không thể nào quên được khoảnh khắc ấy. Không gian đó, cảm xúc đó vẫn nguyên vẹn trong trái tim tôi. Ngày ấy, Lễ kết nạp đảng viên giản dị nhưng trang trọng lắm. Chi bộ có tất cả 7 đồng chí tham dự. Dưới ánh đèn dầu mờ trong căn hầm, dưới lá cờ Đảng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi xúc động đọc lời tuyên thệ. Cũng từ đó, cuộc đời tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh”.

    Và cơ duyên với Đảng đến với họa sĩ Trần Từ Thành lần nữa khi vào ngày 25/3/2003, ông được mời tới Ban Tổ chức Trung ương để tham gia thiết kế Thẻ Đảng viên. Khi đó, ông là Phó hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. “Khi nhận được giấy mời, tôi rất vinh dự và tự hào. Việt Nam có rất nhiều họa sĩ tài năng nên khi là người được mời tôi xúc động lắm, tôi luôn trăn trở với trọng trách, nhiệm vụ lớn lao đó. Làm sao để thiết kế được tấm thẻ đáp ứng tiêu chí của Bộ Chính trị đặt ra nhưng có tính thẩm mỹ cao” - Ông Thành nhớ lại.

    Sau khi phác thảo những chi tiết cần phải có của tấm Thẻ Đảng viên là mặt trước có hình búa liềm, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, dòng chữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Thẻ Đảng viên; mặt sau gồm ảnh chân dung, họ tên đảng viên, số thẻ, đơn vị, họa sĩ Trần Từ Thành bắt đầu lên ý tưởng thiết kế. Ông quyết định thay đổi hẳn khi chuyển từ thẻ cũ gập mở thành 1 thẻ 2 mặt, thiết kế thẻ dọc chứ không phải thẻ ngang.

    Từ những ý tưởng đó, họa sĩ Trần Từ Thành phải thuyết trình cho việc thay đổi của mình. Khi được nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh hỏi vì sao ông lại để thẻ dọc chứ không phải thẻ ngang, họa sĩ Trần Từ Thành đã nói: “Thẻ Đảng viên dọc như biểu tượng của số một, một Đảng Cộng sản Việt Nam, ý Đảng lòng dân là một”. Câu trả lời đó của ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi. “Từ quá trình lên ý tưởng đến thiết kế Thẻ Đảng viên kéo dài trong khoảng 3 tháng. Làm sao để những chi tiết trên thẻ được bố cục hài hòa. Những chi tiết nhỏ cũng được tính toán kỹ như khi cầm thẻ lên biểu quyết, tay không bị che hình ảnh của Bác Hồ, màu sắc phải nhẹ nhàng, phù hợp nhưng không đơn điệu. Qua nhiều lần xét duyệt, cuối cùng tác phẩm của tôi cũng được chọn in”- Ông kể lại.

    Với 2 màu sắc chủ đạo là đỏ và vàng của lá cờ Tổ quốc cùng việc bố cục hài hòa, hợp lý, vượt qua nhiều mẫu khác từ các họa sĩ nổi tiếng, tác phẩm của họa sĩ Trần Từ Thành đã được chọn in, cấp đổi thẻ mới cho 2,5 triệu đảng viên lúc bấy giờ. Thẻ đã được sử dụng từ năm 2004 cho đến nay

    Đỗ Chang

     Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoa-si-ganh-ca-phao-lam-lo-phi-thi-va-vinh-du-ve-tranh-bac-ho-a260808.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan