+Aa-
    Zalo

    Hiệp định TPP: Đại gia ngành nào được hưởng lợi nhiều nhất?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Các nhóm ngành dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển.,... được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.

    (ĐSPL) -  Các nhóm ngành dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển.,... được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.

    Cuối ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), các nhà đàm phán đến từ 12 nước đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) – thỏa thuận thương mại bao trùm 40\% nền kinh tế thế giới.

    Đàm phán TPP kết thúc khiến giới đầu tư chứng khoán Việt hân hoan. Nhiều người tin rằng TPP sẽ thổi luồng sinh khí mới vào VN-Index và HNX-Index. Tuy nhiên, mức độ tác động của TPP tới các ngành có khác nhau. Câu hỏi được đặt ra là đại gia Việt nào hưởng lợi khi đàm phán TPP kết thúc?

    Tin tức trên báo VTC News, theo đánh giá của công ty chứng khoán BSC, các nhóm ngành dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển.,... được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Hiện nay, công ty chứng khoán SHS nhận định đa số cổ phiếu của những nhóm ngành này đều đang có mức giá hợp lý.

    Thủy sản là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nên khi TPP có hiệu lực, các đại gia thủy sản nhận được lợi ích rất lớn. Trong đó, nổi bật nhất là hai cái tên Trương Thị Lệ Khanh và Dương Ngọc Minh.

    Bà Trương Thị Lệ Khanh, người đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn – một trong những công ty thủy sản hàng đầu Việt Nam. Vĩnh Hoàn có thể sẽ gặp nhiều thuận lợi nhờ TPP.

    Chính vì vậy, trong phiên giao dịch 5/10 – thời điểm nhà đầu tư đón đầu TPP, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn tăng khá mạnh. VHC tăng 1.200 đồng/CP lên 37.200 đồng/CP sau 4 phiên giảm liên tiếp. VHC giúp bà Khanh có thêm 54,7 tỷ đồng.

    Thủy sản là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nên khi TPP có hiệu lực, các đại gia thủy sản nhận được lợi ích rất lớn.

    Điều tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương. Chốt phiên 5/10, HVG tăng 800 đồng/CP lên 17.400 đồng/CP. Nhờ HVG, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Hùng Vương, người được biết đến với tên gọi “người tình tin đồn của ca sỹ Mỹ Tâm” có thêm 57,5 tỷ đồng.

    Cả hai vị đại gia bất động sản này đều nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và là những đại gia được hưởng lợi nhiều nhất nhờ TPP.

    Khu công nghiệp cũng là mảng nhận được nhiều lợi ích nhờ TPP. Vì vậy, hai cổ phiếu nhóm ngành này là KBC và ITA đã có đà tăng đáng kể trong phiên 5/10. KBC tăng 500 đồng/CP lên 12.800 đồng/CP. ITA tăng 100 đồng/CP lên 5.200 đồng/CP.

    Nhờ KBC, tài khoản của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc có thêm 31,2 tỷ đồng. Ông Tâm giàu hơn một chút khi ITA mang lại cho ông thêm 1,9 tỷ đồng.

    Vì tăng khiêm tốn nên ITA chỉ giúp bà Đặng Thị Hoàng Yến, chị gái ông Tâm, người đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo giàu thêm 5,4 tỷ đồng. Trong khi đó, Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, con gái ông Tâm - nữ 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có thêm 5 tỷ đồng.

    Dệt may được xem là ngành đang mong chờ TPP nhất. Vì vậy, cổ phiếu ngành này tăng rất mạnh khi đàm phán TPP kết thúc. TCM tăng 1.800 đồng/CP lên 38.300 đồng/CP. TNG tăng 1.700 đồng/CP lên 28.000 đồng/CP. KMR tăng trần, tăng 300 đồng/CP lên 4.800 đồng/CP.

    TCM khiến các cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công “hốt bạc”. Chỉ trong phiên 5/10, Lê Quốc Hưng, cổ đông cá nhân lớn nhất tại TCM “được tặng” 5,3 tỷ đồng. Ông Lê Quang Thái, cổ đông cá nhân lớn thứ hai nhận 4,3 tỷ đồng.

    Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) thường xuyên được nhắc tới khi giới đầu tư lập danh sách các cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi TNG tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Nhờ TNG, tài khoản của ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG tăng thêm 4,6 tỷ đồng.

    Thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá vì kết quả kinh doanh kém khả quan nhưng khi đàm phán TPP kết thúc, cổ phiếu KMR của Công ty Cổ phần Mirae cũng bứt phá. KMR là một trong số ít các cổ phiếu tăng trần. Nhờ sự bứt phá này, ông Shin Young Sik, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Mirae có thêm 1,6 tỷ đồng.

    Hàng chục tỷ đồng kiếm được trong một phiên giao dịch là con số tương đối lớn. Nhưng con số này còn có thể cao hơn rất nhiều khi đàm phán TPP chính thức kết thúc. Vì vậy, các đại gia ngành thủy sản, dệt may, da giày,... vẫn hứa hẹn kiếm bộn tiền trong những phiên giao dịch sắp tới đây.

    Doanh nghiệp kỳ vọng gì ở hiệp định TPP?

    Thông tin trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Vietnam) tại TP.HCM, nói với TBKTSG Online: “Chúng tôi rất hài lòng và phấn khích khi đàm phán TPP đã kết thúc thành công, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội cũng như vượt qua thách thức mà TPP đem lại”.

    Ông Herb Cochran cho biết từ đầu năm 2013 AmCham đã bắt đầu có những hoạt động để cộng đồng kinh doanh Việt Nam hiểu và ủng hộ TPP. Với sự hợp tác từ chính quyền và các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), AmCham đã tổ chức nhiều hội thảo và các sự kiện báo chí để giải thích về TPP.

    Điều quan trọng là Việt Nam sẽ là nước có nhiều lợi ích nhất từ TPP. Theo các mô hình kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4\% vào năm 2025 so với việc không có TPP, và GDP của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 10,5\%. Đây là một yếu tố tích cực cho phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam.

    Theo ông Herb Cochran, hiện AmCham đang làm việc cùng các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cụ thể để giúp các công ty Việt Nam tận dụng lợi ích từ TPP, cũng như nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Các mô hình kinh tế cho thấy Việt Nam có nhiều lợi ích từ TPP dựa trên kỳ vọng là các công ty Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và Chính phủ Việt Nam sẽ cải cách thủ tục hành chính, dựa trên các cam kết trong TPP, để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, và Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nước láng giềng.

    “Chúng tôi cần hợp tác với hiệp hội doanh nghiệp và chính quyền Việt Nam ở cấp quốc gia cũng như địa phương để đảm bảo điều này xảy ra. Nếu không, Việt Nam sẽ không có nhiều lợi ích như mong đợi từ TPP,” ông Herb Cochran cho biết.

    Theo ông Đặng Triệu Hoà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, việc TPP được ký sớm trong cuộc họp tại Atlanta (Mỹ) là điều tốt hơn cho những công ty như Sợi Thế Kỷ.

    Tuy nhiên, ông Hoà cho biết thêm, đối với ông, TPP dù có đến sớm hay muộn thì trước sau gì cũng đến, đến sớm thì càng tốt, còn đến trễ cũng không sao cả, vì hiện đã có sẵn xu thế dịch chuyển đơn hàng qua Việt Nam để đón đầu TPP cũng như dịch chuyển sản xuất của một số ngành ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

    “TPP đến trễ thì công ty vẫn phát triển nhưng tốc độ không bằng lúc có TPP. Thậm chí, dù có vào TPP hay không, khách hàng của chúng tôi vẫn mở rộng đầu tư tại Việt Nam vì Trung Quốc không còn thuận lợi để đầu tư cho ngành này (sản xuất sợi - PV) về lao động, môi trường,...” ông Hoà nói.

    Theo ông Hoà, ngoài Việt Nam, trong 11 nước thành viên còn lại của TPP, chỉ có Malaysia và Mỹ có sản xuất sợi, nhưng công nghệ sản xuất sợi của Malaysia không cao, nên không đảm bảo thị trường, và khả năng cạnh tranh cũng không cao. Còn việc nhập khẩu sợi từ Mỹ sẽ làm tăng chi phí do khoảng cách xa về địa lý. Trong khi đó, giá thành sản xuất sợi tại Việt Nam khá cạnh tranh, vì phần lớn máy móc đầu tư của doanh nghiệp sợi tại Việt Nam đã khấu hao xong, nên chi phí cố định cũng thấp hơn.

    Theo ông Phạm Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, dù thoả thuận TPP được ký tại Atlanta (Mỹ) vào đầu tháng 10-2015 giữa các trưởng đoàn đàm phán, thì sau đó các nước thành viên vẫn phải đệ trình văn kiện hiệp định lên quốc hội các nước phê chuẩn. Nếu thuận lợi, có khả năng cũng phải hết năm 2016-đầu năm 2017, các nước mới chính thức ký kết hiệp định TPP. Và theo đó, có thể đến năm 2018, hiệp định này mới được thực hiện. Từ nay đến lúc đó, các công ty trong những ngành như sản xuất sợi, vải vẫn có đủ thời gian để đầu tư và tận dụng lợi ích từ TPP.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hiep-dinh-tpp-dai-gia-nganh-nao-duoc-huong-loi-nhieu-nhat-a113948.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.