+Aa-
    Zalo

    Hé lộ thông tin về “ngoại hành tinh siêu Trái Đất” có khả năng có sự sống

    (ĐS&PL) - Ngoại hành tinh Gliese 12 b nằm trong chòm sao Pisces, có kích cỡ tương tự Trái Đất hoặc nhỏ hơn một chút.

    VOV dẫn thông tin từ USA Today cho biết, NASA thông báo đã phát hiện một hành tinh nằm cách Trái đất 40 năm ánh sáng, mất 12,8 ngày để hoàn thành một vòng quay quanh ngôi sao chủ.

    Cụ thể, đó là ngoại hành tinh Gliese 12 b nằm trong chòm sao Pisces. “Ngoại hành tinh siêu Trái đất này” có kích cỡ tương tự Trái Đất hoặc nhỏ hơn một chút, quay quanh một ngôi sao lùn đỏ lạnh có tên là Gliese 12.

    Theo NASA, ngôi sao này chỉ bằng 27% kích cỡ và 60% nhiệt độ bề mặt của Mặt trời. Kích cỡ và khối lượng cực kỳ nhỏ của các sao lùn đỏ khiến chúng trở nên lý tưởng trong hành trình tìm kiếm các hành tinh có kích cỡ tương tự Trái Đất.

    Cũng theo NASA, khoảng cách giữa ngôi sao Gliese 12 và hành tinh Gliese 12 b chỉ bằng 7% khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt trời. Gliese 12 b nhận được năng lượng nhiều gấp 1,6 lần từ ngôi sao của nó so với năng lượng Trái Đất nhận được từ Mặt trời.

    Hình ảnh mô phỏng bề mặt của ngoại hành tinh Gliese 12 b. Ảnh: NASA

    Hình ảnh mô phỏng bề mặt của ngoại hành tinh Gliese 12 b. Ảnh: NASA

    Ngoại hành tinh Gliese 12 b có nhiệt độ bề mặt ước tính 42 độ C. Mức nhiệt này ấm hơn so với Trái Đất (15 độ C) nhưng mát hơn nhiều ngoại hành tinh đã quan sát khác, cho phép nước lỏng chảy trên bề mặt. Các nhà nghiên cứu suy đoán, Gliese 12 b có thể có khí quyển giống Trái Đất hoặc sao Kim, không có khí quyển hoặc thậm chí có khí quyển không giống bất kỳ loại nào từng biết trước đây.

    Shishir Dholakia - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Vật lý thiên văn tại Đại học Southern Queensland ở Australia chia sẻ: "Gliese 12 b đại diện cho một trong những mục tiêu tốt nhất để nghiên cứu liệu các hành tinh có kích cỡ giống Trái Đất quay quanh những ngôi sao lạnh có thể giữ bầu khí quyển của chúng hay không, một bước quan trọng để thúc đẩy hiểu biết về khả năng sinh sống trên các hành tinh khắp thiên hà của chúng ta".

    Một yếu tố quan trọng để hành tinh duy trì khí quyển là mức độ hoạt động của sao chủ. Sao lùn đỏ như Gliese 12 có xu hướng hoạt động từ trường nên theo định kỳ chúng tạo ra lóa tia X cực mạnh.

    Tuy nhiên, Gliese 12 không hoạt động như vậy, làm tăng khả năng khí quyển của Gliese 12 b vẫn còn nguyên vẹn, VnExpress dẫn thông tin từ Astronomy Magazine cho hay.

    "Khí quyển ban đầu của Trái Đất và sao Kim bị mất đi, sau đó khôi phục thông qua khí gas thoát ra từ núi lửa và va chạm với thiên thể trong hệ Mặt Trời. Ngày nay, Trái Đất có sự sống nhưng sao Kim thì không.

    Do Gliese 12 b có nhiệt độ trong khoảng giữa Trái Đất và sao Kim, khí quyển của nó sẽ giúp chúng ta biết thêm nhiều về hành trình phát triển sự sống của các hành tinh", Larissa Palethorpe - nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Edinburgh và Đại học London nói.

    Được biết, các nhà nghiên cứu phát hiện Gliese 12 b nhờ sử dụng quan sát từ Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA. Tính đến nay, TESS đã tìm thấy hơn 440 ngoại hành tinh. Gliese 12 b nằm trong nhóm nhỏ ngoại hành tinh lớn cỡ Trái Đất có nhiệt độ ôn hòa, đủ gần để nghiên cứu chi tiết khí quyển. 

    Theo nghiên cứu sinh Dholakia, do Gliese 12 b nhận được lượng ánh sáng trong khoảng mà Trái Đất và sao Kim nhận được từ Mặt Trời, nó rất hữu ích để lấp đầy khoảng cách giữa hai hành tinh này trong hệ.

    Gliese 12 b có thể giúp giới nghiên cứu nhận biết những ngoại hành tinh có điều kiện tương tự Trái Đất, dấy lên hy vọng về tiềm năng tồn tại sự sống trên hành tinh có nhiệt độ ôn hòa quay quanh ngôi sao mát trong dải Ngân Hà.

    Nhóm nghiên cứu mô tả phát hiện Gliese 12 b trong bài báo hôm 23/5 trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society. Gliese 12 b và các hành tinh tương tự khác thường được các nhà khoa học nghiên cứu bởi chúng có thể giúp "giải mã một số khía cạnh" trong quá trình tiến hóa của Hệ Mặt trời.

    Nhà vật lý thiên văn Michael McElwain tại Trung tâm Goddard Space Flight của NASA ở Greenbelt (Maryland) cho biết: "Chúng ta chỉ biết một vài hành tinh ôn hòa tương tự Trái Đất vừa đủ gần, vừa đáp ứng các tiêu chỉ cần thiết khác để tiến hành nghiên cứu này, được gọi là quang phổ truyền qua, sử dụng các trang thiết bị hiện tại".

    Theo nhà vật lý thiên văn Michael McElwain, để hiểu hơn về sự đa dạng của bầu khí quyển và kết quả tiến hóa của những hành tinh này, chúng ta cần nhiều ví dụ giống như Gliese 12 b.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/he-lo-thong-tin-ve-ngoai-hanh-tinh-sieu-trai-at-co-kha-nang-co-su-song-a428771.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan