(ĐSPL) - Trên thực tế không ít vụ án tham nhũng, sau khi khởi tố điều tra, bị can "bỗng dưng" bị bệnh tâm thần, dẫn đến không phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đình chỉ vụ án(?!).
Hai khái niệm tham nhũng và tâm thần tưởng như không liên quan lại thấy gắn bó mật thiết, thậm chí là hệ quả của việc "chạy chức", "chạy quyền", "chạy án" mà dư luận từng lên án bấy lâu nay. Vậy, đâu là căn nguyên của hiện tượng này?
Cách đây ít lâu, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đánh giá về tình hình phòng, chống tham nhũng năm 2014, các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: "Dư luận đặt ra có phải ông đó tâm thần không? Vấn đề là tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?". Người ta bảo khi giám định là tâm thần, nhưng giải quyết việc gia đình trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường.
Nhận diện "binh pháp giả điên"
Bệnh tâm thần, dù hiểu theo nghĩa nào cũng là biểu hiện cho sự không may mắn. Một số phận mà phải mang trên mình căn bệnh này được coi là một số phận thiệt thòi trong xã hội. Theo các bác sỹ chuyên khoa, bệnh tâm thần có thể khởi phát bất cứ lúc nào, đôi khi hình thành sẵn từ bên trong, cũng có lúc gặp cú sốc lớn khiến người ta bỗng dưng phát bệnh. Và dù thế nào thì tâm thần cũng là nỗi ám ảnh đeo bám cả cuộc đời.
Tuy nhiên, kỳ lạ là báo chí từng phản ánh về những đường dây "chạy bệnh án tâm thần" với giá chỉ từ 3 đến 8 triệu đồng/giấy(?!). Phải chăng họ thích thành kẻ điên?! Thực tế, không ít lãnh đạo bệnh viện đã "nhúng chàm" vì tiếp tay cho các đường dây này phải chăng họ thích thành kẻ điên?!
Người ta vẫn gọi "binh pháp giả điên" như một "tuyệt kỹ" trong những "chiêu" "chạy án" của giới tội phạm hiện nay. Có bị cáo, dù tội rất nhẹ, xử kịch khung cũng chỉ "bóc lịch" đến một năm (trừ đi thời gian tạm giam thì cũng chỉ còn dăm bảy tháng) nhưng ra tòa vẫn thể hiện những hành vi mang dấu hiệu điên điên khùng khùng khiến hội đồng xét xử cũng có phần lúng túng. Có những vụ án, ngay khi bắt đầu giai đoạn điều tra, nghi phạm "bỗng dưng nổi điên". Có trường hợp biết mình sắp "dính án", đối tượng lại được giám định mắc bệnh tâm thần, thế là coi như... thoát tội. Thậm chí, có không ít trường hợp phạm tội tham nhũng, sau khi khởi tố điều tra, bị can "bỗng dưng" bị tâm thần... như phản ánh của các đại biểu Quốc hội.
Theo các đại biểu, rất nhiều vụ án tham nhũng sau khi khởi tố điều tra, có vụ ra đến toà rồi, người thân của bị cáo chỉ ra những dấu hiệu bị bệnh tâm thần, phải chờ để giám định, hoặc đình chỉ điều tra khiến vụ án kéo dài. Đánh giá về hiện tượng này, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện lưu ý, kể cả các vụ án tham nhũng lớn, các bị cáo khi bị truy tố thường bị bệnh tâm thần và không phải chịu trách nhiệm hình sự, hoãn thời gian chịu trách nhiệm hình sự. "Tình hình này có vấn đề gì không, tâm thần thật hay là đối phó, nhiều vụ chúng tôi thấy các bị can, bị cáo tỉnh táo, hoành tráng lắm"(?), ông Hiện băn khoăn.
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay vẫn có một số vụ án tham nhũng lớn ở các địa phương kéo dài, chưa xử lý được vì các "quan tham nhũng" đang bị tâm thần và "an tọa" trong bệnh viện. Câu chuyện của một nguyên giám đốc bệnh viện tâm thần tham ô bị... tâm thần xảy ra tại Tiền Giang có lẽ là minh chứng rõ nét nhất. Bà Trần Thị Thật (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang) là bị cáo trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại bệnh viện này. TAND tỉnh Tiền Giang từng mở phiên tòa xét xử nhưng lại hoãn để giám định do trước tòa bà Thật có biểu hiện tâm thần. Với kết quả giám định trên, tòa đã tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Thật cho đến khi bị cáo ổn định sẽ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Chẳng biết đến bao giờ bà Thật ổn định trở lại để hầu tòa?
Bị cáo Trần Thị Thật, nguyên Giám đốc Bệnh viện tâm thần Tiền Giang bị xét xử về tội tham ô nhưng bị ...tâm thần. |
Một trường hợp khác được chính ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự (TAND Tối cao) chia sẻ trên một tờ báo. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Nên (nguyên Phó phòng CSĐT, Công an tỉnh Tiền Giang) sắp bị truy tố thì cũng... bị tâm thần. Cơ quan điều tra đã phải tạm đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nên để xử lý sau...
Ngoài những sự vụ đã rành rành như ban ngày kể trên, chắc chắn còn không ít trường hợp mà dư luận chưa được biết đến. Nói như lời ông Đinh Văn Quế: "Có lẽ các vị ĐBQH đi nhiều, nghe nhiều ở nơi này, nơi kia có tình trạng đó thì bức xúc cũng là lẽ đương nhiên". Câu chuyện "tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?" có lẽ đã phát triển thành hiện tượng chứ không còn là sự vụ cá biệt nữa(?!).
Bệnh án tâm thần thành "bùa hộ mệnh"?
Trong lịch sử tố tụng của nước ta, đã chứng kiến không ít thủ thuật "chạy án" của tội phạm. Hiện, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng chiêu "giả điên" có lẽ đang được tội phạm áp dụng nhiều và hiệu quả nhất. Sau quá trình tham nhũng, họ biết bản thân không thể thoát tội một khi đường dây quyền lực bị vỡ, bệnh viện tâm thần trở thành cái "dù" khác thay thế cho cái "dù" quyền lực trước đây. Họ sẽ bằng mọi giá kiếm cho được giấy chứng nhận bệnh tâm thần...
Thế nên "tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?", câu hỏi nhức nhối vang lên giữa nghị trường một lần nữa khiến cho chúng ta thấy mức độ lũng đoạn ghê gớm của loại tội phạm này. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát của Nhà nước qua các vụ tham nhũng chỉ khoảng 10\%, như thế 90\% vẫn còn nằm đâu đó trong tay những kẻ tham nhũng và gia đình họ. Nếu đúng như vấn đề các ĐBQH nêu, tức tham nhũng bại lộ là chuyển sang thành kẻ tâm thần, thì quả là đáng báo động.
Lý giải cho hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng, công tác "giám định tư pháp" đang bộc lộ vấn đề. Ngay trong báo cáo của Chính phủ về công tác này trong năm 2014 cũng thừa nhận công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập. Thời gian giám định dài, kết luận giám định chưa thực sự rõ ràng, phải trưng cầu giám định nhiều lần, năng lực chuyên môn của giám định viên hạn chế... Điều này cũng là một trong những nguyên nhân tiếp tay cho những kẻ tham nhũng lợi dụng trốn tội.
Nhận định về hiện tượng này, nguyên Chánh tòa Hình sự Đinh Văn Quế cho rằng, công tác giám định tư pháp nói chung, giám định tâm thần nói riêng ở nước ta còn tồn tại nhiều vấn đề. Theo quy định của pháp luật, các kết quả giám định chỉ là tài liệu tham khảo đối với cơ quan tiến hành tố tụng chứ không có tính bắt buộc. Trong khi đó có nhiều tổ chức giám định, ở địa phương, ở trung ương, của công an, quân đội... Khi xét xử, tòa án có quyền tin vào một trong các kết quả đó hoặc không tin vào kết quả nào cũng được.
Theo ông Quế, khi giám định kết luận bị tâm thần nhưng giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường cũng là chuyện bình thường của người tâm thần. "Thế nên, chỉ có bác sỹ chuyên khoa "tâm thần" mới biết họ có bệnh hay không. Chính vì vậy, nếu "tiêu cực" trong lĩnh vực giám định tâm thần có lẽ khó phát hiện nhất", vị này nhấn mạnh.
Tham nhũng bị lộ = tâm thần?! Một câu chuyện khác xảy ra tại TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng là sáng 29/10/2014, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên hủy bản án sơ thẩm đình chỉ vụ án tham ô tài sản liên quan đến bà Nguyễn Ngọc Điệp (41 tuổi, ngụ TP. Sóc Trăng). Bị cáo này không phải chịu trách nhiệm hình sự vì bị… bệnh tâm thần. Theo bản án sơ thẩm tháng 6/2009 của TAND TP Sóc Trăng, bà Điệp được trường mầm non Sao Mai (phường 2, TP. Sóc Trăng) ký hợp đồng làm thủ quỹ từ năm 2004. Quá trình công tác, bà này nhiều lần lấy quỹ học phí, tiền ăn, phúc lợi, công đoàn… để tiêu xài cá nhân. Tháng 10/2008, trường kiểm quỹ bất ngờ, phát hiện bà chiếm đoạt gần 59 triệu đồng nhưng không có khả năng hoàn trả. Với cáo buộc này, 5 năm trước, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt nữ thủ quỹ 7 năm tù. Trước đó, ngày 9/1, TAND tỉnh Đồng Nai đã xử sơ thẩm 7 bị cáo trong vụ tham ô gần 10 tỉ đồng tại Điện lực Biên Hòa (thuộc công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai). Sau phần thẩm tra lý lịch, theo đề nghị của VKS tỉnh Đồng Nai, HĐXX đã hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo Nguyễn Thị Thủy (nhân viên kế toán), bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Thuỷ dù đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt do "đang điều trị tại bệnh viện tâm thần Cần Thơ". Theo đại diện VKS, việc bị cáo bị bệnh tâm thần hiện chưa được cơ quan tố tụng nào trưng cầu giám định. Để đảm bảo sự minh bạch, cần hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định. Nếu giám định thể hiện, Thủy bị bệnh thì tòa phải ra quyết định tạm đình chỉ riêng đối với bị cáo, tách ra thành một vụ án khác để không ảnh hưởng đến quá trình xét xử 6 bị cáo còn lại. Hồi tháng 11/2013, Viện KSND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, đã phê chuẩn quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Vũ Thị Huệ (27 tuổi), nguyên là cán bộ Lao động, Thương binh & Xã hội xã Tam Lộc (Phú Ninh) để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Huệ lập danh sách khống 20 đối tượng và mạo danh chữ ký 13 đối tượng để chiếm đoạt hơn 35 triệu đồng từ nguồn quỹ dành cho đối tượng chính sách. Trước đó, ngày 25/7, cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tối bị can đối với Huệ về hành vi tham ô tài sản. Trong quá trình điều tra, Huệ có biểu hiện trầm cảm, qua khám bệnh các bác sỹ bệnh viện Đa khoa Quảng Nam có kết luận, Huệ bị bệnh tâm thần phân liệt(?!). |