(ĐSPL) - Tối 23/11, vũ trường Airport Exclusive Club (phố Chùa Bộc, Hà Nội) đã tổ chức diễn xướng hầu đồng ngay trên sân khấu chính.
Do ngày cuối tuần đúng vào ngày 1/10 âm lịch, nên những người tổ chức chia sẻ nửa đùa nửa thật trên trang mạng chính thức của Club rằng: "Mồng 1 mà - phải hái lộc chứ"?! Theo đó là hình ảnh giá đồng tung tiền ở vũ trường "phát lộc" cho người xem. Hoạt động này đã gặp không ít những ý kiến trái chiều khi đưa hầu đồng mang hơi hướng tâm linh vào một nơi xô bồ, ồn ào như vũ trường, quán bar...
Diễn xướng hầu đồng tại vũ trường trên phố Chùa Bộc, Hà Nội. |
Đưa hình thức diễn xướng linh thiêng vào vũ trường là phản cảm
Theo tìm hiểu của phóng viên, để chuẩn bị cho buổi lễ hầu đồng diễn ra trên sân khấu, vũ trường Airport Exclusive Club mời các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam diễn xướng hầu đồng. Phần thực hiện diễn xướng hầu đồng do diễn viên kiêm thanh đồng trẻ Trần Hùng đảm nhận diễn ra gần một giờ đồng hồ. Trần Hùng cũng là người đã từng xuất hiện nhiều lần trong các chương trình âm nhạc dân gian Hà thành 36 phố phường được tổ chức thường xuyên vào các tối cuối tuần ở khu vực chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Trong tối 23/11, Trần Hùng biểu diễn khá nhiều giá đồng như: Chầu Lục, Quan Hoàng Mười... với sự hỗ trợ của một số nhạc công được cho là của Nhà hát Chèo Trung ương. Nơi diễn ra tiết mục diễn xướng này là sân khấu chính của vũ trường và lễ vật để "hầu Thánh" được bày biện trên một chiếc bàn trà loại nhỏ.
Trần Tuấn Khải, một bạn trẻ cũng có mặt trong buổi hầu đồng diễn ra tại vũ trường Airport Exclusive Club cho biết: "Buổi biểu diễn đặc biệt này có sự tham dự của nhiều người trẻ, có người ăn mặc nghiêm túc, nhưng cũng có những người ăn mặc rất "mát mẻ", nói cười ồn ào. Người hát hầu đồng không chỉ thể hiện nhiều giá đồng một cách thuần thục, mà còn khá nhiều lần vung tiền lộc cho khách hàng lấy may đầu tháng. Mỗi lần thanh đồng vung tiền là các khán giả lại hào hứng đưa tay giành lộc về mình. Sau đó là những tiếng nói, cười ồn ào náo nhiệt, khiến buổi diễn xướng hầu đồng như... chợ vỡ".
Ngay trong lúc thanh đồng đang biểu diễn trên sân khấu, một số người trẻ có mặt tại vũ trường đã tung những hình ảnh này lên mạng xã hội và vấn đề đã trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi xôn xao. Những người không theo diễn xướng hầu đồng cho rằng, đây là một việc làm hết sức bình thường nhằm đem văn hóa truyền thống đến gần hơn với giới trẻ bởi đây là "diễn" chứ không phải "hầu". Họ cho rằng, sự giao thoa giữa việc hát hầu đồng trên sân khấu vũ trường, quán bar là một sự kết hợp đặc biệt, để người trẻ yêu hơn văn hóa truyền thống có nhiều hơi hướng tâm linh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, số đông và những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu lại lên án hành động này một cách quyết liệt. Một số người trẻ ngay lập tức còn lập diễn đàn trên mạng để "phản đối" việc đưa diễn xướng hầu đồng vào quán bar, vũ trường. Đa số họ đều cho rằng, đây không phải là trình diễn nghệ thuật mà là một sự xúc phạm, phỉ báng Mẫu, Thánh. Nhiều người cho rằng, diễn xướng hầu đồng gắn liền với tục thờ Mẫu, Thánh... vốn chỉ diễn ra ở các đền, chùa, miếu, phủ... không thể đưa hình thức diễn xướng linh thiêng này vào các vũ trường hay quán bar theo kiểu mua vui, bởi đó là những nơi ồn ào, nhố nhăng...
Cô Lê An - giáo viên tại trường THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội nhấn mạnh: "Nếu xét về mặt tâm linh, đó là một sự phỉ báng. Nếu xét ở khía cạnh văn hóa truyền thống, biểu diễn ở vũ trường, quán bar là chưa chuẩn. Giá trị văn hóa phải được lồng vào không gian biểu diễn phù hợp thì mới phát huy được giá trị thật của nó".
Vung tiền phát "lộc" tại buổi hầu đồng trong vũ trường. |
Có ai đi vũ trường để cầu may mong phát lộc(?)
Lê Mai Hương, một khán giả trẻ có mặt tại vũ trường chia sẻ: "Các nghệ sỹ biểu diễn hôm đó biểu diễn 3 giá đồng, cung văn và nhạc công biểu diễn âm nhạc bằng nhạc cụ, thanh đồng biểu diễn rất nghệ thuật, trang phục mặc đúng trang phục truyền thống tương ứng với mỗi nhân vật được hầu, chỉ đốt nến, không đốt hương, vật phẩm là một ít hoa quả... Chuyện tung tiền có ý nghĩa phát lộc cầu may mắn vào đầu tháng chứ không có ý nghĩa gì khác...". Tiết mục hầu đồng diễn ra vào tối 23/11 được biểu diễn sau phần ca nhạc của ca sỹ T.D. Mục đích của vũ trường khi mời các nghệ sỹ về biểu diễn là nhằm thay đổi không khí, mang đến sự mới mẻ cho mọi người vào ngày cuối tuần.
Trao đổi về vấn đề này, GS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho hay: "Hoạt động hầu đồng phải diễn ra ở nơi linh thiêng như: Đền, phủ. Song thời gian gần đây, việc đưa hầu đồng lên sân khấu cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Ngoài những buổi diễn xướng được tổ chức quy mô, trước đây, việc diễn xướng hầu đồng đã manh nha ở những quán cafe, bây giờ hoạt động này len lỏi cả vào quán bar, vũ trường. Tôi nghĩ, vấn đề không quá nghiêm trọng như sự chỉ trích của dư luận. Sở dĩ hiện tượng này bị phản ứng mạnh vì ác cảm của dư luận với vũ trường, quán bar. Chỉ khi cộng đồng quan tâm thì họ mới tiếp tục duy trì di sản văn hóa. Tất nhiên, việc hầu đồng ở đền, phủ vẫn được diễn xướng thường xuyên, đúng giá trị nguyên bản".
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Tuấn Thao cho rằng, dù có xuất hiện dưới dạng diễn xướng sân khấu thì nghệ thuật hầu đồng cũng không phù hợp với môi trường diễn xướng ồn ào là quán bar, vũ trường. Theo ông Thao, loại hình văn hóa mang hơi hướng tâm linh này không thể tùy tiện biểu diễn cho những người không hiểu về văn hóa truyền thống xem, bởi vũ trường là nơi các bạn trẻ nhảy nhót, tụ tập, xả stress... Đưa một loại hình nghệ thuật mang tính tâm linh như hầu đồng vào biểu diễn chẳng những không phù hợp mà còn rất phản cảm.
Theo nhạc sỹ An Thuyên: "Diễn xướng hầu đồng là một loại văn hoá truyền thống của Việt Nam, nó phù hợp với việc diễn ở những nơi tâm linh như đền, phủ. Tuy nhiên, vẫn phải căn cứ theo nhu cầu thực tế mà xem xét có nên diễn hầu đồng ở quán bar, vũ trường hay không. Nhu cầu hưởng thụ đời sống hiện nay rất phong phú, hầu đồng tồn tại được ở văn hóa truyền thống chính là do nhu cầu con người vẫn muốn nghe và xem biểu diễn hầu đồng. Không gian biểu diễn dân ca, văn nghệ truyền thống giờ không còn bó buộc như ngày trước nữa, nếu nó không quá "lố", mà được khán giả trẻ thích thú và đón nhận thì đấy cũng là một tín hiệu tốt”.
Không nên diễn "nửa vời" rồi nhân danh "truyền thống" Nhạc sỹ Minh Việt cho biết: "Thể loại văn hóa hầu đồng chỉ phù hợp với một không gian riêng, đưa vào không gian khác, cần xem xét thật kỹ nếu không sẽ phản tác dụng, không nên diễn "nửa vời" rồi nhân danh văn hóa truyền thống. Các cơ quan quản lý văn hóa cần có những động thái tích cực để các loại hình văn hóa dân gian được bảo tồn và phát huy theo đúng nghĩa, có thể phải đưa ra chế tài bởi dù sao hát văn hầu đồng cũng đang được đệ trình để UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại". Nghệ sỹ của buổi diễn xướng gây tranh cãi nói gì? Trao đổi với PV, Nghệ sỹ Trần Hùng cho biết: "Chúng tôi là những nghệ sỹ và việc truyền bá diễn xướng hầu đồng cho thế hệ trẻ là điều cần thiết. Có những người cho rằng tại sao lại mang đạo Mẫu đi khắp nơi biểu diễn không phải đền hay điện? Nhưng tại sao mọi người lại không nghĩ đến việc có những người nghệ sỹ mang hết tâm huyết gửi vào trong những tiết mục của mình để diễn xướng hầu đồng đến gần với khán giả hơn? Vậy các bạn hãy nên ủng hộ những nghệ sỹ đó chứ đừng nghĩ không hay về họ. ở đâu có khán giả ủng hộ thì chúng tôi sẽ làm hết mình để diễn xướng hầu đồng được nhiều người biết đến". |