Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần 2 do Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Công ty truyền thông Lê Phạm tổ chức.
Họ là những doanh nhân thành đạt. Họ đi lên bằng chính bàn tay, khối óc và những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình. Điều đáng quý ở họ là luôn hướng tới những giá trị cộng đồng, sẻ chia yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn. Những trái tim đã kết nhịp hướng về hành trình đầy nhân văn mang tên Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần 2.
Những doanh nhân với trái tim nhân ái |
Bà Lưu Thị Bích Nga – Giám đốc hoa tươi 4T
Trước khi làm chủ chuỗi shop hoa tươi 4T vào 2005, doanh nhân Lưu Thị Bích Nga đã và đang làm qua rất nhiều ngành nghề khác nhau như kinh doanh về thời trang, bất động sản… Ở bất kì ngành nghề nào thì bà cũng gặt hái được những thành công nhất định. Có được những thành công này phải nói đến nỗ lực không ngừng của người phụ nữ đẹp, bản lĩnh. Bên cạnh đó thì như Bích Nga tâm niệm “cứ cho đi rồi sẽ nhận lại”.
Bích Nga là con một trong gia đình hiếm muộn. Khi Bích Nga sinh ra thân phụ bà đã 48 tuổi. Một mình, không có anh chị em, Bích Nga có phần thiệt thòi hơn những bạn bè cùng trang lứa khi thiếu thốn người chia sẻ. Vì luôn cần sự yêu thương, san sẻ, nên Bích Nga dễ đồng cảm với người khác nhiều hơn.
Doanh nhân Bích Nga (giữa) rạng rỡ chia sẻ niềm vui |
Bà tham gia các hoạt động thiện nguyện từ rất sớm. Đặc biệt 5 năm trở lại đây, khi công việc ổn định hơn, bà tham gia rất nhiều chương trình đến nỗi nhớ không hết. Từ “Hành trình kết nối yêu thương”; “Đại sứ đại dương xanh”; tham gia “Quỹ từ thiện từ tâm”… Nhiều hoạt động thiện nguyện của công ty truyền thông Lê Phạm bà cũng luôn sẵn sàng có mặt, chung tay. Hỏi bà sao chuyến đi nào cũng có mặt như thế, bà cười: “Mình thấy ý nghĩa thì tham gia thôi. Mà càng đi lại càng thấy muốn chia sẻ với nhiều người hơn”.
Từ nhà mở, viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, đến đâu bà cũng thấy họ thiệt thòi quá, thương quá. Vậy nên bà bảo làm được hai đồng thì thôi cứ trích ra một đồng cho người ta bớt khổ. Mình giúp được gì cứ giúp.
Với tấm lòng bao la đó, bà Bích Nga trở thành một trong những mạnh thường quân tích cực của “Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần 2”. Ban đầu ý định của bà là tài trợ toàn bộ hoa tươi trao tặng cho các tiết mục biểu diễn, tặng đại biểu, mạnh thường quân… nhưng khi tìm hiểu sâu hơn về chương trình, bà không ngần ngại quyết định ủng hộ thêm 300 triệu đồng. Bà nói: “So với người khác thì mình thấy số tiền này không lớn. Mình cố gắng làm theo sức của mình thôi, có bao nhiêu mình ủng hộ bấy nhiêu. Có thể làm được gì cho đời thì mình làm chứ mình không có suy nghĩ gì nhiều. Nếu có nhiều hơn thì mình cũng sẽ ủng hộ nhiều hơn. Chứ nhìn thấy hình ảnh những người khuyết tật thấy thương lắm. Mà họ quá giỏi, quá nỗ lực, mình chỉ muốn góp thêm chút niềm tin, hy vọng cho họ”.
Hạnh phúc là cho đi. Nhìn doanh nhân Lưu Thị Bích Nga cười thật nhẹ nhàng khi nói về điều đó là biết bà vui như thế nào khi trao yêu thương cho những người kém may mắn.
NSƯT Trịnh Kim Chi và doanh nhân Lưu Thị Bích Nga |
Ông Hoàng Thái Bình – Giám đốc Công ty Bình Minh Phát
Công ty Bình Minh Phát xuất hiện trên thị trường linh kiện máy tính hơn 10 năm nay, với mong muốn mang lại những sản phẩm linh kiện độc quyền từ thương hiệu TonV. Hai năm gần đây, thị trường này bắt đầu xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh, nhất là về mặt giá cả nhưng Bình Minh Phát vẫn theo đuổi giá trị ban đầu: Đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu với những sản phẩm chất lượng. Nhờ vậy, Bình Minh Phát tiếp tục được sự tin yêu của khách hàng cũ, cũng như chinh phục được khách hàng mới, kể cả những khách hàng khó tính nhất.
Cái bắt tay gắn kết của những tấm lòng nhân ái |
Bên cạnh việc xây dựng giá trị bền vững cho thương hiệu, Bình Minh Phát còn rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện một cách thầm lặng. Chuyến đi gần đây nhất của Bình Minh Phát là ghé thăm, hỗ trợ và động viên cho hơn 30 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại một ngôi chùa ở Long Khánh, Đồng Nai. Ông Hoàng Thái Bình, Giám đốc Cty chia sẻ: “Việc tham gia thiện nguyện xuất phát từ tâm, do đó, chúng tôi hiếm khi làm truyền thông dù với vai trò là lãnh đạo của doanh nghiệp, tôi biết đấy là cơ hội làm truyền thông rất tốt”.
Bên cạnh các hoạt động do công ty tổ chức, ông Hoàng Thái Bình còn tích cực tham gia nhiều chương trình ý nghĩa khác do bạn bè tổ chức. Trong những chuyến đi đó, ông vẫn không thể nào quên được hình ảnh những đứa trẻ tàn tật bẩm sinh, bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa lọt lòng đang được chùa Thiên Hương, Bình Định cưu mang. Lần đầu tiên gặp nhiều em nhỏ đặc biệt như vậy, ông vừa ngỡ ngàng, vừa cảm thấy một chút e dè. Nhưng, tiếp xúc với các em, giúp đỡ các em trong những hoạt động hằng ngày, ông không kiềm được xúc động và nỗi thương xót. “Các em thật sự quá phi thường. Nghị lực vươn lên của các em đã truyền sang tôi, tiếp thêm cho tôi sức mạnh”.
“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, hơn ai hết, tôi thấu hiểu sự nhọc nhằn, vất vả để kiếm chén cơm manh áo. Tôi luôn có khát khao và mong muốn chia sẻ với những hoàn cảnh không may. Không chỉ tôi mà các nhân viên trong công ty Bình Minh Phát cũng chung tâm nguyện. Do vậy, khi gặp các chương trình được tổ chức trên nền tảng chính trực và minh bạch, chúng tôi rất sẵn lòng chung tay góp sức” – ông Bình chia sẻ về lý do ông trở thành nhà tài trợ “Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần 2”.
Doanh nhân Hoàng Thái Bình |
Bà Nguyễn Bích Thu – Giám đốc Công ty Văn phòng phẩm Viễn Đông
Tương tự ông Hoàng Thái Bình, bà Nguyễn Bích Thu nhận lời hỗ trợ “Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần 2” với mong muốn sẻ chia và góp một chút gì đó để những hoàn cảnh không may thêm tin yêu vào cuộc sống. “Họ không may bị khuyết tật đã là một thiệt thòi. Do vậy, khi họ đến với cuộc thi này tức là đã vượt qua tất cả những mặc cảm của bản thân, vì vậy càng phải trân trọng họ hơn. Bạn nghĩ xem, đâu phải người bình thường nào cũng có thể làm được như họ. Họ tàn nhưng không phế. Phải nghị lực lắm mới có thể mạnh mẽ và vươn lên” – bà Thu nói. Điều đặc biệt ở bà Nguyễn Bích Thu là dù giữ vị trí khá cao ở một công ty lớn nhưng ở hầu hết các hoạt động thiện nguyện, bà đều tham gia với tư cách cá nhân và tự đóng góp từ tiền túi. “Thiện nguyện tại tâm, tôi nghĩ nếu cứ kêu gọi miết, nhân viên của mình sẽ nghĩ không hay. Họ cũng có những nỗi lo trong cuộc sống, gia đình. Thành ra, tôi có ít làm ít, có nhiều làm nhiều. Mình phải trở thành tấm gương trước đã. Còn nhân viên, có bao nhiêu, góp bấy nhiêu”.
Theo gia đình vào Sài Gòn từ năm 9 tuổi, đến nay đã ở cái tuổi gần 50, bà Thu lúc nào cũng rạng rỡ và thanh thản. Là vì tâm của bà lúc nào cũng hướng đến người khác, nghĩ cho người khác. Bà nói nếu hỏi bà từ lúc nào nảy sinh sự đồng cảm này thì có lẽ phải trở ngược thời gian về năm 12, 13 tuổi, khi nhà bà còn trong khu chợ trên đường Hai Bà Trưng. Ngày đó, nhà bà cũng khó như nhiều gia đình khác nhưng bà vẫn luôn ý thức bản thân may mắn hơn rất nhiều hoàn cảnh, bởi ít ra, bà không bao giờ chịu đói hay thiếu quần áo mặc. Chứng kiến những mảng đời vất vưởng, những người ăn xin hằng ngày đi qua trước cổng nhà, cô bé Thu ngày đó đã biết dè xẻn từng chén cơm, để dành những manh quần tấm áo tặng lại cho người nghèo.
Cho đến nay, bà Nguyễn Bích Thu đã hỗ trợ không biết bao nhiêu hoàn cảnh. Có thể kể đến trường hợp của em Công – giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Trong lần đẩy xe giúp người bị tai nạn giao thông, Công vô tình bị một chiếc xe ô tô tông phải, chấn thương sọ não. Bốn lần bác sĩ đều lắc đầu trả về, bố mẹ Công đau lòng đến mức nước mắt không còn chảy được nữa. Khi duyên gieo đến, bà Thu không ngại ngần nhận lời giúp đỡ. Ngay khi hồi tỉnh và có thể cầm bút được để viết, chữ đầu tiên Công viết là hai chữ “Cô Thu”. Bà nói, chỉ cần vậy thôi là đã cảm thấy mãn nguyện. Công hiện đã bình phục, trở về quê nhà ở Gia Lai.
Một trường hợp khác là cháu Thanh Thảo bị bỏng nặng. Với số tiền không to không nhỏ, bà Thu đã giúp cháu trở về cuộc sống bình thường. Để cảm tạ duyên lành, cháu Thảo hiện đã quy y cửa Phật, quay lại giúp đời. “Với từ tâm như vậy của cháu, tôi thực sự rất hạnh phúc” – lời của bà. Không dừng lại ở đó, đều đặn ngày Rằm mỗi tháng, bà Thu cùng bạn bè, người thân phát 500 phần quà dành cho người nghèo và người vô gia cư. Bà còn tặng học bổng cho những sinh viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện bà đang nuôi hai cháu học đến hết đại học. Tháng 8 vừa rồi, trong lần trao quà đến các tỉnh Hà Tỉnh, Quảng Trị, ngoài hơn 700 phần quà dành cho các hoàn cảnh khó khăn, bà cũng đã trao đi 3 suất học bổng tiếp sức cho 3 học sinh từ lớp 8 đến lớp 12, mỗi suất trị giá 2 triệu/ năm. Hiện tại, bà Nguyễn Bích Thu đang thực hiện dự án trao tặng 500 chiếc khăn len cho các anh bộ đội biên phòng ở tỉnh Lào Cao, với mong mỏi gởi chút nắng Sài Gòn ấm áp.
Từ phải qua: Giám đốc truyền thông Lê Phạm, DN Bích Thu, NSƯT Trịnh Kim Chi |
Bà nói nhẹ tênh: “Cho đi rất là thoải mái và hạnh phúc. Cho đi để sớm mai thức dậy, thấy mình có ích cho đời, cho xã hội. Nói đến thiện nguyện, lòng tôi lúc nào cũng phấn khởi dữ lắm vì được san sẻ sự viên mãn của mình đến mọi người”. Nói viên mãn là bởi, chồng bà, 2 cậu con trai và 2 cô con dâu cũng là những thành viên tích cực, không chỉ ủng hộ mà còn sát cánh bên bà đến mọi hoạt động.
Bà Ngô Thị Phương Thảo – CEO Châu Âu Luxury
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Dược, nhưng từ nhỏ bà Thảo đã thừa hưởng gen kinh doanh của bố. Đầu óc nhanh nhạy, những con số với bà trở thành niềm yêu thích mãnh liệt đến mức bố mẹ bà nhiều lần phát hoảng. Tuy nhiên, bà Thảo luôn tâm niệm: “Nếu làm kinh doanh chỉ để kiếm tiền thì thật thiếu xót và ích kỷ”.
Ban đầu, bà cũng tham gia nhiều chuyến thiện nguyện với bạn bè, trao quà đến hội này, hội kia nhưng bà vẫn cảm thấy có gì đó không đúng với mong muốn của bản thân. Vậy là, bà tự tìm đường. Với bản tính quyết liệt của một “nữ tướng” trên mặt trận kinh doanh, nói là làm và đã làm là quyết tâm đến cùng, suốt 8 năm nay, đều đặn 2 lần một năm, bà Thảo là Mạnh Thường Quân của Hiệp hội người mù huyện Củ Chi. Không chỉ hỗ trợ nhu yếu phẩm từ tiền túi, trong mỗi chuyến đi, bà còn rủ thêm bạn bè đi cùng để họ có thể sẻ chia với xã hội. Bà nói, trước đây do công việc bận rộn, nhiều khi đi nước ngoài, phải hoãn chuyến đi này, nhưng từ khi thấy được sự vui vầy của những người mù nơi đây, thấy tình cảm của mọi người trong những cái ôm thắm thiết, bà tự nhủ không bao giờ được làm như thế nữa. Đã lên lịch là phải đi bằng mọi giá, nếu không sẽ mất ngủ và cảm thấy vô cùng có lỗi cùng bản thân. “Bạn hãy tưởng tượng một hôm cúp điện thôi, phải mò mẫm trong bóng tối đã khó chịu lắm rồi. Vậy mà, cả đời họ sống trong bóng tối. Mất đôi mắt là mất mát lớn nhất. Họ có thể sờ trúng ổ điện, không thấy đường trợt ngã hoặc một phút qua đường bị xe tông,… Hội người mù ban đầu có 200 người, giờ chỉ còn 120 người…” – bà Thảo giọng rưng rưng.
Từ trái sang: NSƯT Trịnh Kim Chi, DN Phương Thảo, Giám đốc truyền thông Lê Phạm |
Chỉ mới khởi động, “Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần 2” do Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Công ty truyền thông Lê Phạm tổ chức đã nhận được nhiều sự chung tay của các mạnh thường quân. Ai cũng mong muốn trao đi yêu thương đến những mảnh đời kém may mắn. Ai cũng chờ mong đến ngày cuộc thi chính thức bắt đầu để được thưởng thức những tiết mục đặc biệt của thí sinh khắp cả nước. Họ thiếu thốn một phần nào đó trên thân thể, nhưng thừa tài năng để cống hiến cho cuộc đời.
Doanh nhân Huy Hoàng với nụ cười hạnh phúc |
Doanh nhân Huy Hoàng gởi gắm tấm lòng qua đại sứ nhân ái Trịnh Kim Chi |
Hoa hậu thần tượng doanh nhân Minh Châu kịp đến chia sẻ niềm vui |
Hoa hậu nhân ái Bảo Hà (giữa) |
Thông tin ban tổ chức cuộc thi |
Linh Lan – Phương Huyền