Hạnh phúc của người phụ nữ khi nhận tin nhắn “Cô ơi, con cưới rồi” Đời Sống Pháp Luật
    +Aa-
    Zalo

    Hạnh phúc của người phụ nữ khi nhận tin nhắn “Cô ơi, con cưới rồi”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỗi lần nhận được tin nhắn “Cô ơi, con đã lập gia đình” của những đứa trẻ bước ra từ ngôi nhà OBV, chị Yên Thảo lại cảm thấy tâm hồn như được sưởi ấm thêm.

    Mỗi lần nhận được tin nhắn “Cô ơi, con đã lập gia đình” của những đứa trẻ bước ra từ ngôi nhà OBV, chị Yên Thảo lại cảm thấy tâm hồn như được sưởi ấm thêm.

    Xây dựng niềm tin

    Bằng tình yêu thương trẻ nhỏ, trách nhiệm với cộng đồng, chị Nguyễn Yên Thảo (39 tuổi, TP.HCM) và các cộng sự đã giúp đỡ hàng trăm em nhỏ là nạn nhân bị xâm hại tình dục vượt qua mặc cảm để hòa nhập với cuộc sống.

    Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc này, chị Thảo cho biết: “Trước đây tôi từng có một công ty tư vấn về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Cũng từ những buổi trò chuyện với khách hàng tôi thấy rằng có nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, thông qua những thông tin trên báo chí, tôi cũng thấy nhiều bé lâm vào hoàn cảnh tương tự.
    Xót xa trước những mảnh đời bất hạnh, tôi bắt đầu tìm hiểu cuộc sống các bé như thế nào? Tâm lý các bé ra sao? Những chuyện đó có lặp lại hay không? Liệu bản thân có thể giúp gì được cho các bé?”

    Bắt đầu từ những trăn trở ấy, hơn chục năm qua, chị Thảo hết lòng cứu giúp những đứa trẻ bị xâm hại tình dục.

    Chị Nguyễn Yên Thảo và các cộng sự đã giúp đỡ hàng trăm em nhỏ là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

    Đến bây giờ ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc (OBV) đã cưu mang hàng trăm trẻ em gái là nạn nhân (hoặc có nguy cơ) bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, để có thể kiên trì với công việc nhạy cảm này đến ngày hôm nay, chị Thảo và các công sự phải trải qua không ít khó khăn.

    Nhớ lại những ngày đầu khi bắt tay xây dựng ngôi nhà, chị Thảo chia sẻ: “Cách đây 10 năm việc tìm kiếm các bé gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, tôi phải tự vận động, không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Vì vậy, khi tìm gặp gia đình các bé, họ thường tỏ ra nghi ngờ. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ việc tôi cưu mang các bé là để bán nội tạng. Do đó, tôi và các công sự phải chịu không ít lời ra tiếng vào, thậm chí là những lời đe dọa. Đến hiện tại, tôi và công sự đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ hội phụ nữ nên công việc cũng dễ dàng hơn”.

    Khó khăn, vất vả là vậy nhưng khi nhìn thấy các bé được đến trường và sống trong môi trường an toàn hơn chị Thảo cảm thấy thực sự hạnh phúc. Với chị Thảo và những thành viên còn lại của OBV, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của cách con chính là động lực để họ vượt qua được những khó khăn, thử thách.

    Chị Thảo tâm sự, mỗi em nhỏ trong ngôi nhà OBV lại có mỗi hoàn cảnh, khó khăn riêng. Thế nhưng, trong số hành trăm mảnh đời bất hạnh được cưu mang, có một trường hợp đến tận bây giờ vẫn khiến chị Thảo vô cùng day dứt.

    Chị Thảo nhẹ giọng kể lại, em bé mà chị xin được giấu tên bị chính cha đẻ của mình xâm hại. Bé âm thầm chịu đựng nỗi đau này trong nhiều năm. Đến một ngày, vùng quê yên bình nơi bé sống bỗng xôn xao vì lá thư bất ngờ của cô bé gửi cho công an. Trong đó, bé đã thuật lại toàn bộ hành vi thú tính của cha ruột.

    Những ngày sau “cơn ác mộng”, bé được đưa về ở với cậu mợ nhưng cũng không nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc chu đáo từ người lớn. Những chấn động tâm lý không nhỏ đã khiến sức học của bé ngày càng sa sút.

    “Khi biết được trường hợp của bé, tôi và các cộng sự nhiều lần tìm đến địa phương, thuyết phục gia đình cho bé được về với OBV. Chính bản thân cô bé cũng có nguyện vọng đi. Thế nhưng, chị và những người bạn của mình chỉ nhận được cái lắc đầu từ phía gia đình. Điều đó khiến tôi thực sự day dứt”, chị Thảo tâm sự.

    “Cô ơi, con đã lập gia đình”

    Đa số các bé được đưa về OBV bị chính người thân gây tổn hại. Dù họ đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng “miệng lưỡi thế gian” vẫn khiến các em phải chịu những tổn thương nặng nề.

    Những vết thương khoét sâu trong tâm hồn khiến các bé âm thầm chịu đựng. Rất nhiều trường hợp các bé rơi vào trầm cảm dẫn tới tự tử hoặc có những hành vi lệch lạc với chuẩn mực xã hội.

    Chị Thảo và OBV đã giúp các bé thay đổi môi trường sống

    Vì vậy, OBV đã giúp các bé thay đổi môi trường sống, có được niềm vui trong cuộc sống, dần thoát khỏi trạng thái tâm lí tiêu cực.

    Có không ít trường hợp sau khi học nghề xong đã có thể tự xin việc làm, nuôi sống bản thân. Một số bé khi rời ngôi nhà OBV đã học lên cao đẳng, đại học… và có một công việc ổn định sau khi ra trường. May mắn hơn, có nhiều bé đã tìm được người đàn ông thấu hiểu hoàn cảnh của mình.

    “Mỗi lần nhận được tin nhắn thông báo “Cô ơi, con đã lập gia đình” của những bé từng được giúp đỡ tôi cảm thấy rất vui mừng. Có thể, các bé không quá giàu có nhưng đó là một cuộc sống bình an”, chị Thảo tâm sự.

    Với chị Thảo "Có thể, các bé không quá giàu có nhưng đó là một cuộc sống bình an”

    Là một người đồng hành cùng các con vượt qua nỗi đau về tinh thần, chị Thảo luôn luôn cố gắng để các con hiểu rằng những gì xảy ra trong quá khứ chỉ là 1 tai nạn. Và đương nhiên không ai muốn điều đó nên cũng không có lý do gì để các con phải xấu hổ. Một khi các con đã vượt qua được những mặc cảm đó và vươn lên trong cuộc sống thì các con chính là những “chiến binh” dũng cảm nhất.

    GIA BẢO - NGUYỄN XOÀI

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-phuc-cua-nguoi-phu-nu-khi-nhan-tin-nhan-co-oi-con-cuoi-roi-a297601.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tin cùng chuyên mục
    Nổi bật trong ngày