(ĐSPL) - Không chỉ ra đi một mình, việc cố tình làm rơi máy bay của những phi công này còn khiến hàng trăm con người vô tội thiệt mạng.
1999: Chuyến bay 990 của Egypt Air
Chỉ 30 phút sau khi cất cánh từ New York để bay thẳng đến Cairo, Ai Cập, chiếc máy bay Boeing 767 chở đủ khách đã rơi từ độ cao 36.000 feet xuống 19.000 feet chỉ trong nửa phút. Việc bổ nhào nhanh chóng đã khiến máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh lớn. Ở độ cao 19.000 feet, máy bay Boeing đã biến mất khỏi màn hình radar, các mảnh vỡ sau đó rơi xuống Đại Tây Dương. Tất cả 217 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Cơ trưởng Gamil al-Battouti, người đã thiệt mạng trong chuyến bay 990 của hãng Egyptair năm 1999. |
Các nhà điều tra đã phát hiện ra cơ trưởng Gamal al-Batouti đã lẩm bẩm một cụm từ tiếng Ả Rập: “Con tin vào Chúa” – thường nói trong khoảnh khắc trước khi chết - trong vài lần rồi ngắt hệ thống lái tự động, để máy bay lao xuống.
Vị trí đuôi máy bay được tìm thấy giữa đống đổ nát. Điều này cho thấy người ngồi ở bên trái, al-Batouti đã đẩy cần điều khiển để máy bay lao xuống trong khi phi công còn lại cố kéo nó lên.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ kết luận rằng không có trục trặc kỹ thuật có thể gây ra vụ tai nạn. Ai Cập lại không chấp nhận kết luận rằng al-Batouti cố tình làm rơi máy bay và điều này khiến nhiều thuyết âm mưu được đưa ra.
1997: chuyến bay 185, hãng Silk Air của Indonesia
Chuyến bay 185 của SilkAir là một chuyến bay chở khách theo lịch trình từ Jakarta, Indonesia đi Singapore, bị rơi xuống sông Musi ngày 19 tháng 12 năm 1997. Cuộc điều tra do Mỹ dẫn đầu kết luận rằng vụ tai nạn là do có chủ ý, có thể là do cơ trưởng nhưng Indonesia lại bỏ lửng kết quả. Chiếc Boeing 737, mới đưa vào sử dụng được 1 năm đã bị rơi xuống một con sông ở Palembang, Indonesia. Chiếc máy bay 2 động cơ do phi công người Singapore Tsu Way Ming điều khiển đã rơi từ độ cao 35.000 feet xuống một con sông chỉ trong vòng 1 phút. Tốc độ rơi chóng mặt khiến 104 người đều thiệt mạng. Thiết bị ghi âm buồng lái đã bị cắt. Điều này có chỉ có thể được thực hiện bằng cách cố tình vô hiệu hóa công tắc điện.
Đây được cho một động cơ của chiếc Boeing 737-300 bị rơi xuống sông Musi năm 1997. |
Một nhà báo người Úc có tham gia vào cuộc điều tra đã viết rằng một số nhà chức trách Indonesia đồng ý với kết luận của Mỹ đó là Tsu đã cố tình để máy bay rơi trong khi cơ phó rời khỏi buồng lái nhưng phía Indonesia đã giữ bí mật chuyện này. Cơ trưởng của chuyến bay này gặp phải những vấn đề cá nhân khá nghiêm trọng.
1994: Royal Air của Maroc
Vừa mới cất cánh khỏi Agadir, cơ trưởng 32 tuổi của hãng hàng không quốc gia Maroc đã ngắt kết nối thiết bị lái tự động và cố tình để chiếc máy bay ATR-42 lao vào một sườn núi. Toàn bộ 44 người trên máy bay thiệt mạng. Báo chí khi ấy cho biết cơ trưởng gặp trục trặc trong chuyện tình cảm. Liên đoàn phi công ban đầu còn bất đồng về kết luận phi công tự sát nhưng vụ tai nạn sau đó vẫn được coi là do phi công tự sát.
Xem video: Vụ máy bay Đức rơi ở Pháp là do cơ phó cố tình phá hoại.
1982: Hãng Japan Air Lines, Tokyo
Vụ tự tử của cơ trưởng Seiji Katagiri không thành công nhưng 24 người đã thiệt mạng.
Các sự kiện rất rõ ràng: Khi đang trên đường tới sân bay Haneda của Tokyo, chiếc máy bay 4 động cơ DC-8 do cơ trưởng Katagiri, 35 tuổi, điều khiển đã đâm xuống biển. Cơ trưởng đã cố ý đẩy bộ đảo chiều 2 động cơ bên trong máy bay. Cơ phó và kỹ sư trên máy bay đã cố gắng để ngăn hành động của ông Katagiri lại. Máy ghi âm buồng lái đã ghi lại những câu hét như: “Yamete kudasai”, “Hãy dừng lại”.
Nhiều nhất 147 người trên máy bay được cứu sống sau khi máy bay rơi xuống mặt nước ở tốc độ tương đối chậm. Trước đó, vào cuối năm 1980, ông Katagiri đã được chẩn đoán bị “bệnh tâm thần” nhưng sau đó, ông được xác nhận là đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ.
BẢO LINH (Theo Ibtimes)
Xem thêm clip: Vụ máy bay rơi Phi công đã không phát đi tín hiệu cấp cứu