Khoảng 2.000 đại biểu ngành Hàng không đến từ 60 nước trên thế giới họp tại Montreal để thỏa thuận hạn chế khí thải.
Đầu tuần qua, hàng chục quốc gia bắt đầu các cuộc đàm phán kéo dài trong 11 ngày để đưa ra thỏa thuận hạn chế khí thải đầu tiên trong ngành Hàng không nhằm bảo vệ môi trường.
Thỏa thuận môi trường đầu tiên trong ngành hàng không
Hiện nay, lượng khí thải hàng không chiếm khoảng 2% trong lượng khí nhà kính toàn cầu. Song, vấn đề này không được quan tâm nhiều trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được tổ chức đàm phán vào năm ngoái. Bởi, các đại diện tham gia đàm phán e ngại việc phân chia trách nhiệm cho ngành Hàng không khiến thỏa thuận trên quy mô lớn hơn khó lòng đạt được. Nhưng nay, với dự báo khí thải hàng không còn tăng gấp ba cho tới năm 2050, thế giới không thể làm ngơ và việc đưa ra quy định khu vực và toàn cầu là tất yếu.
Hơn nữa, nếu bắt buộc phải kiểm soát lượng khí thải, các hãng hàng không muốn có một tiêu chuẩn quốc tế chung. Vì như vậy, sẽ tiết kiệm và dễ dàng hơn là thỏa thuận theo từng nước/từng khu vực. “Chúng tôi công nhận rằng, là một ngành công nghiệp, ngành Hàng không đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới biến đổi khí hậu”, ông Michael Gill, Giám đốc điều hành Tập đoàn Giao thông hàng không đại diện cho các hãng hàng không, sản xuất động cơ, sân bay và phi công trên toàn thế giới nói và khẳng định: “Ngành Hàng không sẵn sàng góp phần vào giải quyết tình hình biến đổi khí hậu, theo cách nào đó tiết kiệm nhất có thể”.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 27/9 đến 7/10, tại Montreal (Canada), 2.000 đại biểu ngành Hàng không của 60 quốc gia đàm phán về thỏa thuận khí hậu toàn cầu đầu tiên nhằm hạn chế khí thải trong ngành Hàng không thế giới. Cụ thể, thỏa thuận không bắt buộc các hãng hàng không phải cắt giảm ô nhiễm. Thay vào đó, sau khi thỏa thuận có hiệu lực vào năm 2020, các công ty phải bồi thường số tiền dựa trên lượng khí thải phát sinh, bằng cách cung cấp các khoản vay hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ rừng và các hoạt động vì môi trường khác.
Như vậy, ngành Hàng không thế giới ước tính tổng chi phí các công ty hàng không bồi thường hàng năm có thể lên tới 23,9 tỷ USD cho tới năm 2035, tương đương 1,8% lợi nhuận của ngành. Nếu thỏa thuận của LHQ không đạt được, ngành Hàng không đối mặt nguy cơ sẽ phải áp dụng các quy định khí thải theo từng khu vực và chắc chắn đắt đỏ và ngặt nghèo hơn.
“Không công bằng”
Song, thỏa thuận trên đối mặt hai chiều dư luận. Thỏa thuận đạt được ủng hộ từ 60 quốc gia trong đó có nhiều quốc gia có lượng phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả-rập, Hàn Quốc và phần lớn các nước châu Âu. Đặc biệt, đây là thỏa thuận hiếm có được cả hai cường quốc Mỹ - Trung cùng ủng hộ.“Khi hai siêu cường xả thải nhiều nhất thế giới bắt tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đó là lúc chúng ta đang đi đúng hướng”, ông David Waskow, Giám đốc khí hậu thế giới tại Viện Nghiên cứu thế giới, cơ quan cố vấn về môi trường có trụ sở tại Washington đánh giá.
Song, một số nước có hàng không đang phát triển như Brasil và Ấn Độ không mấy tán thành vì cho rằng thỏa thuận trên sẽ đặt gánh nặng kinh tế không phù hợp lên các nước đang phát triển trong bối cảnh các nước này đang gồng mình phát triển hàng không. “Cần phải đặt lợi ích của các nước nghèo và đang phát triển lên bàn cân” khi xem xét thỏa thuận, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Anil Madhav Dave nói. Vấn đề quan trọng nhất mà giới chức phải bàn luận đó là tìm cách cân bằng trách nhiệm giữa các hãng hàng không lớn, phát sinh nhiều khí thải với các hãng hàng không nhỏ, đang phát triển.
Bất ngờ nhất, trước ngày diễn ra đàm phán, Bắc Kinh công bố thông báo chung với Ấn Độ và Nga, đề xuất cần phải thay đổi một số điều trong thỏa thuận. Theo đó, ba nước muốn các hãng hàng không của Mỹ và các nước giàu có phải chịu trách nhiệm nhiều hơn vì lượng khí thải phát sinh từ các nước này chiếm đa số. Ba nước khẳng định đề xuất này không công bằng với các hãng hàng không tại các nước đang phát triển, đẩy họ vào tình thế phá sản.