Hạn mặn của ĐBSCL năm 2020 đã vượt ngưỡng lịch sử 100 năm qua. Từ đây, đặt ra những vấn đề để phát triển vùng trũng này. Giải pháp nào để giữ nguồn nước ngọt cho ĐBSCL trước diễn biến khốc liệt và phức tạp của hạn mặn?
Hạn mặn ở ĐBSCL. |
Giải pháp công trình và phi công trình
Trao đổi với PV Đời sống& Pháp luật, ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: “Trước những tác động nặng nề của tình hình xâm nhập mặn của khu vực ĐBSCL, các ngành các cấp đã chủ động ứng phó với ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Cụ thể, bộ NN&PTNT đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước liên tục từ tháng 6/2019, chủ động chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện sớm, quyết liệt các giải pháp ứng phó”. “Về lâu dài, bộ NN&PTNT đã đề xuất những giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược. Về giải pháp công trình, tập trung nguồn lực sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, bảo đảm an toàn, chống chịu được tác động của thiên tai, đảm bảo khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng nước ở các vùng sinh thái”, ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết .
Cụ thể, theo định hướng sau: Đối với vùng thượng: Nâng cấp hệ thống đê bao, ô bao đã có để kiểm soát lũ đầu mùa, bảo đảm chủ động bảo vệ sản xuất những năm lũ nhỏ; hoàn thiện các cống dưới đê bao, bờ bao bảo đảm chủ động xả lũ và tích trữ nước vào mùa khô; bổ sung các trạm bơm tiêu úng để phòng, chống ngập lụt, úng trong mùa mưa; nghiên cứu, xem xét việc xây hồ chứa tích trữ nước.
Trong tương lai xa, ĐBSCL đối mặt nhiều vấn đề hơn. Hạn mặn và xói lở bờ biển sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp hơn hiện nay. Thêm vào đó, vấn đề ngập trên phần lớn đồng bằng nhiều khả năng sẽ là trở ngại lớn nhất. Vì thế tôi nghĩ việc đưa ra các giải pháp và bước đi từ bây giờ là cần thiết, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch tổng thể và quy hoạch phòng chống ngập. |
Vùng giữa: Nâng cấp, khép kín các ô bao kiểm soát lũ, xâm nhập mặn vùng cây ăn trái; bổ sung cửa van chủ động kiểm soát mặn tại các cửa lấy nước có nguy cơ bị xâm nhập mặn; cải tạo các cửa cống, nạo vét các tuyến kênh chuyển, phân phối nước liên vùng, tạo nguồn cấp nước cho vùng ven biển; nghiên cứu, xem xét các khu vực phù hợp để trữ nước ngọt sử dụng cho mùa khô.
Vùng ven biển: Đầu tư, nâng cấp hệ thống tiếp ngọt; đầu tư, nâng cấp hoàn thiện công trình kiểm soát triều cường; công trình chuyển nước ngọt liên vùng cho vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng các hồ trữ nước trên cơ sở tận dụng các đoạn, nhánh sông cụt, vùng trũng để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt; nghiên cứu, xem xét sử dụng giải pháp công trình động lực để chủ động lấy nước. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn, mở rộng các dự án cấp nước đô thị cho khu vực nông thôn.
Đối với giải pháp phi công trình, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kết nối với cơ sở dữ liệu liên ngành, đáp ứng điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và phục vụ xây dựng các kịch bản phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng; đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; nâng cao năng lực dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước để kịp thời cung cấp thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn.
Giải pháp trữ nước ngọt
Theo Cục trưởng cục Quản lý công trình thủy lợi, hiện tại, hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL không phải chỉ có riêng nhiệm vụ “thoát lũ” mà còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Việc “trữ ngọt” để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đang được quan tâm hiện nay; thực tế, vấn đề này đang được thực hiện với cách thức sử dụng chính hệ thống kênh mương để trữ nước với vai trò điều tiết lấy nước, giữ nước của các công trình cống, đập,...
Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn, như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên... Một số địa phương, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia đã đề xuất xây dựng các hồ trữ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề này đang được bộ NN&PTNT giao các cơ quan khoa học thuộc Bộ nghiên cứu, bước đầu xác định việc xây dựng hồ sẽ gặp một số khó khăn như: Dung tích trữ hồ chứa phải lớn để bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu tưới; trong khi đó, với cao độ địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh mương chằng chịt nên vốn đầu tư xây dựng công trình sẽ lớn (nạo vét kênh, xây cống và trạm bơm nhiều cấp) để chuyển nước đến các vùng thiếu nước ven biển, nơi cách xa đến 100km. Khu vực rộng, có nguồn nước phong phú để có thể xây dựng hồ chứa chủ yếu thuộc khu vực Tứ giác Long Xuyên, và Đồng Tháp Mười, đây đang là vùng sản xuất trọng điểm lương thực với sản lượng lúa chiếm gần 54% sản lượng của toàn Đồng bằng nên vấn đề dành quỹ đất làm hồ chứa cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Việc nghiên cứu, đầu tư các hồ chứa sẽ tiếp tục được thực hiện trong dự án Quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai Quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, trước tình hình diễn biến hạn mặn như vừa qua, việc huy động và sử dụng các giải pháp trữ nước ngọt một cách hợp lý là điều nên làm.
Về vấn đề này, GS.TS Trần Đình Hòa tạm chia ra ba nhóm giải pháp. Cụ thể, ông phân tích: “Thứ nhất, khôi phục hệ thống các ao hồ nhỏ tại những khu dân cư. Giải pháp này không những góp phần trữ nước ngọt phòng hạn mà còn góp phần điều tiết một phần nguồn nước trong mùa lũ, cải tạo môi trường, hệ sinh thái. Thứ hai, tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên. Việc duy trì được nguồn nước trong các nhánh sông này còn giúp giữ ổn định mực nước ngầm, giảm thiểu nguy cơ sụt lún đất.
Vấn đề đặt ra cho giải pháp này là việc bổ cập nguồn nước, ngăn nguồn nước mặn xâm nhập, xử lý giao thông thủy và tình trạng ô nhiễm môi trường khi dòng chảy trong sông không được lưu thông thường xuyên. Nhóm thứ ba, xây dựng các hồ chứa nước lớn (nhân tạo) tại các vùng khan hiếm nước. Đây là vấn đề lớn, phức tạp hơn cần phải có các nghiên cứu, tính toán và phân tích hiệu quả tổng hợp một cách kỹ lưỡng.
Việc xây dựng các hồ chứa nước ở các vùng miền núi Bắc Bộ hay Trung Bộ (phía Bắc) khác rất nhiều so với việc xây dựng hồ chứa nước ở ĐBSCL. Trong đó, có hai điểm khác biệt rất quan trọng.
Một là, đa số các hồ chứa ở phía Bắc là các hồ chứa được xây dựng tại các cao trình cao hơn các vùng cần lấy nước. Do đó, việc tích nước về mùa mưa và cấp nước về mùa khô diễn ra “tự nhiên”. Nguồn nước sẽ tự chảy vào lòng hồ vào mùa mưa và tự chảy do thế năng của nguồn nước khi sử dụng (mùa khô). Do đó, chi phí quản lý và vận hành hồ chứa sẽ thấp hơn rất nhiều nếu so với vận hành hồ chứa đối với các hồ chứa tự nhiên nếu được xây dựng ở ĐBSCL.
Hai là, đặc điểm địa chất, tính chất thổ nhưỡng của ĐBSCL khá phức tạp, vấn đề đất chua phèn, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nhiều khi đan xen nhau. Nếu việc nghiên cứu, khảo sát, vị trí xây dựng các hồ chứa thiếu phân tích, đánh giá đầy đủ các yếu tố sẽ gây thiệt hại lớn. Tình hình hạn, mặn đã, đang và sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nặng nề đối với đời sống người dân và sản xuất, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp để khắc phục là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá tổng hợp hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường một cách thận trọng.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ thì cho rằng, đối phó với hạn mặn chắc chắn sẽ khó khăn và tốn kém hơn việc chủ động sống chung với lũ. Tuy vậy, thử thách xâm nhập mặn vẫn có thể là một trong những cơ hội để khai thác những lợi thế mà nó có khả năng mang lại cho cư dân vùng ven biển. “Thay vì lấy lúa làm gốc, nhất nhất vùng nào cũng trồng lúa, bà con nông dân có thể thay đổi cơ cấu nông nghiệp, nuôi trồng những loài có mức độ thích nghi với môi trường ổn định hơn. Như vậy, thách thức sẽ được biến thành cơ hội để ĐBSCL phát triển bền vững trong tương lai”, ông nhấn mạnh.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, cần kêu gọi người nông dân ở những khu vực này không nên trồng lúa vào mùa nắng. Đồng thời, ông cũng cho rằng, cần khuyên Thủy lợi bỏ tham vọng ngọt hóa vùng mặn vì sẽ không đủ nước để ngọt hóa vùng mặn. “Thay vào đó, người nông dân cần phải chủ động, linh hoạt biến đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Nhà nước phải hỗ trợ và đảm bảo đầu ra cho những nông sản mới. Đáng lẽ, người nông dân bớt trồng lúa, tạo điều kiện cấu trúc hạ tầng thích hợp. Chẳng hạn, thay vì trồng lúa ở những vùng rất dễ bị hạn mặn, tổn thương, thì có thể chuyển thành những vùng trồng cây ăn trái hay rau màu cao cấp.
Dẫn nước về hạ du
Ông Nguyễn Hồng Khanh thông tin: “Trong những năm vừa qua, thực hiện quy định của luật Thủy lợi, khi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra, bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với bộ Công thương, bộ Tài nguyên & Môi trường, tập đoàn Điện lực Việt Nam, các chủ sở hữu nhà máy thủy điện và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành, điều tiết nước các hồ chứa thủy điện trên nhiều lưu vực sông lớn như: Hồng - Thái Bình, Vu Gia - Thu Bồn, Cả, Ba, Đồng Nai, ...để bổ sung nước cho các khu vực hạ du khó khăn về nguồn nước”.
“Giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; điển hình, việc xả nước từ các hồ chứa Thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai cho khu vực khô hạn Nam Trung Bộ, như: Xả nước từ nhà máy thủy điện Đa Nhim với lưu lượng trung bình khoảng 12m3/s sang lưu vực sông Cái Phan Rang, đã bổ sung nguồn nước tưới thường xuyên cho khoảng 12.800 ha đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận; từ hồ thủy điện Đại Ninh xuống lưu vực sông Lũy với lưu lượng trung bình khoảng 18m3/s, cung cấp nước hỗ trợ tưới cho khoảng 15.500ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận. Đây là nguồn nước rất quan trọng cho các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, thậm chí là nguồn nước duy nhất còn lại của địa phương trong những năm bị khô hạn, khi các hồ thủy lợi hầu hết đã cạn nước”, ông phân tích.
Trong giai đoạn trước mắt và trung hạn, vấn đề thứ nhất ĐBSCL cần ưu tiên là giải quyết hạn mặn ở các vùng ven biển, trong đó cần tiến hành các nhóm giải pháp sau: Tiếp tục các giải pháp tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống, các vùng ven biển thiếu nước ngọt; tiếp tục kiểm soát xâm nhập mặn vào các vùng ngọt; thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt hơn và tăng cường sử dụng nước mặn lợ, nước mưa; điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng ven biển, thậm chí trên cả ĐBSCL và quản lý nước, sản xuất hiệu quả hơn. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, thị trường cả ngắn hạn và dài hạn là rất quan trọng. Trên thực tế, chúng ta đang đi theo tất cả các hướng trên và đã giải quyết hiệu quả. Vấn đề nữa là cần nhanh chóng xử lý ổn định bờ biển, tránh mất đất. Vấn đề này chúng ta cũng đang thực hiện, nhưng cần quyết liệt hơn. |
Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Chủ nhật (18)