Iran hiện đang là quốc gia sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới và hầu hết trong số đó là các tàu ngầm mini.
Tàu ngầm có trong biên chế Hải quân Iran năm 2019. Ảnh: hisutton.com |
Iran từng dồn hết ngân sách quốc phòng cho bộ binh và không quân, nhưng trong những năm gần đây, họ đã bắt đầu đầu tư phát triển tàu chiến mặt nước và tàu ngầm.
Hiện nay, Iran là một trong những nước có lực lượng tàu ngầm lớn trên thế giới. Theo các nguồn tin, ngoài 230 tàu tên lửa tấn công nhanh, 5 tàu hộ vệ tên lửa, 33 tàu tuần tra, cùng một số tàu hậu cần, đổ bộ và hỗ trợ khác, Hải quân Iran sở hữu 33 tàu ngầm các loại.
Tàu ngầm của Iran chủ yếu hoạt động ở vùng ven biển và cự ly ngắn quanh vịnh Ba Tư. Trong một báo cáo của mình, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington (Mỹ) giải thích, trong vùng nước hẹp và cạn của Vịnh Arab, khả năng triển khai tàu ngầm có hiệu quả vô cùng cao, đe dọa hủy diệt tất cả tàu mặt nước.
Nằm trong số các tàu ngầm lớn nhất và uy lực nhất thuộc biên chế của hạm đội hải quân Iran là 3 tàu Kilo Đề án 877 do Nga chế tạo. Tuy chạy bằng động cơ diesel và đang dần có tuổi nhưng chúng vẫn là những tàu ngầm hùng mạnh nhất của Iran hiện nay.
Một tàu ngầm lớp Kilo của Iran. Ảnh: Getty |
Các tàu ngầm Kilo này được Iran bảo trì nội địa và có thể đã tăng cường thêm một số khả năng tác chiến nhất định. Chúng có thể mang theo ngư lôi hạng nặng và sở hữu những khả năng chống ngầm, dù có thể chỉ ở mức độ khiêm tốn
Ngoài 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất, trong biên chế Hải quân Iran còn có hạm đội tàu ngầm nhỏ hơn 1.200 tấn phục vụ cho các hoạt động ở vùng nước nông. Iran bắt đầu sản xuất tàu ngầm lớp Ghadir vào năm 2005 và chiếc đầu tiên hoàn thành vào năm 2007, trước khi nhiều chiếc khác được bàn giao cho hải quân.
Ghadir được xem như một một nỗ lực của Iran trong công nghệ tàu ngầm khi nước này bị cấm vận trong suốt thời gian qua. Tàu ngầm Ghadir được thiết kế để hoạt động ở vùng nước nông tại vịnh Ba Tư. Tàu được trang bị hai ống 533mm có thể phóng ngư lôi hoặc đặt mìn.
Ngoài ra, tàu ngầm Ghadir có thể sử dụng để triển khai biệt kích. Tàu có chiều dài 29m, lượng giãn nước khoảng 120 tấn, tốc độ tối đa 11 hải lý/giờ. Mỗi tàu có chi phí khoảng 20 triệu USD, cho phép Iran có thể sản xuất với số lượng lớn phục vụ cho chiến thuật phi đối xứng.
Tàu ngầm lớp Ghadir. Ảnh: covertshores |
Fateh là tàu ngầm mới nhất được Iran biên chế cho quân đội, không lâu sau khi Tehran cho ra mắt một loạt khí tài quân sự đời mới khác, trong bối cảnh nước này chịu nhiều sức ép từ Mỹ, trong đó có việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tàu ngầm lớp Fatehs sẽ là “người kế nhiệm” của Ghadirs sau khi dự án Nahang thất bại.
Theo hãng thông tấn FNA, Hải quân Iran đang phát triển “một số loại tàu ngầm thế hệ mới khác biệt so với tàu ngầm đang được Nga và Mỹ sử dụng” - tàu ngầm không người lái (UUV) có khả năng dò tìm, phá hủy bom, mìn và ngư lôi. Tuy nhiên, theo tạp chí National Interest, ngay cả khi Iran chưa phát triển đội tàu ngầm thế hệ mới, hạm đội tàu ngầm mini của nước này đã có sự khác biệt rất lớn với Mỹ, phương Tây và tạo nên khả năng răn đe lớn với các nước "thù địch" trong khu vực.
Ngoài ra, Hải quân Lực lượng vệ binh Iran còn có tàu ngầm trang bị ngư lôi Taedong-B do Triều Tiên sản xuất, đảm trách nhiệm vụ chuyên chở các phương tiện chiến đấu cho lực lượng biệt kích và người nhái. Các tàu ngầm này có thể mang theo 2 tên lửa chống hạm hạng nhẹ 324 mm, thủy lôi hẹn giờ cỡ lớn, tuy chưa rõ Iran hiện còn bao nhiêu chiếc trong biên chế.
Chiếc Fateh trong lễ biên chế hôm 17/2. Ảnh: IRNA. |
Đầu năm 2019, Iran đưa vào trang bị tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa hành trình đầu tiên. Qadir là loại tàu ngầm có khả năng triển khai tên lửa hành trình do Iran tự phát triển. Theo công bố của phía Iran, loại tàu ngầm này có khả năng mang theo tên lửa đất đối đất (hoặc hải đối hải) với tầm bắn lên tới 2.000 km, thừa sức với tới lãnh thổ Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực mà không cần ra khỏi lãnh hải Iran.
Theo Hải quân Iran, cả tàu ngầm lớp Tarek và Fateh cũng có khả năng phóng tên lửa đánh các mục tiêu trên biển từ dưới mặt nước.
Các tàu ngầm sẽ đóng vai trò vô giá đối với Iran nếu nước này tìm cách đóng cửa eo biển Hormuz. Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington D.C, trong vùng nước hẹp và cạn của Vịnh Arab, khả năng triển khai tàu ngầm có hiệu quả vô cùng cao, đe dọa hủy diệt tất cả tàu mặt nước.
Các tàu quân sự và thương mại vào vịnh này đều phải di chuyển theo các tuyến đường có thể dự đoán được, khiến chúng trở thành “con mồi ngon” cho ngư lôi hay tên lửa chống hạm của tàu ngầm Iran nằm phục sẵn tại các điểm hiểm yếu dưới đáy vịnh Ba Tư.
Mộc Miên (T/h)