Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ không hề can thiệp vào châu Á kể từ sau Thế chiến thứ hai, nhưng giờ đây có thể tình hình đã khác.
Trong một bản tin phát đi từ Tokyo ngày 25/10, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên khẳng định tàu khu trục mà Hải quân Mỹ cử tới tuần tra ở Biển Đông vào cuối tuần qua không thuộc Hạm đội 7 mà nằm trong biên chế Hạm đội 3 có tổng hành dinh ở San Diego, vốn không hề can thiệp vào châu Á kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Nguồn tin của Reuters cho biết đây là lần đầu tiên một chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông lại không do Hạm đội 7 chuyên trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặt bản doanh tại Nhật Bản tiến hành, cho thấy Washington đang thử nghiệm sự thay đổi mới, cho phép Hải quân Mỹ hoạt động cùng một lúc trên hai mặt trận ở châu Á, vừa ở xung quanh bán đảo Triều Tiên, vừa ở khu vực Philippines.
Tàu khu trục DDG73 của Mỹ |
Hôm 21/10, tàu khu trục DDG 73 đã tới gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với quần đảo này, tuy nhiên, DDG 73 đã không đi sâu vào trong khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo thuộc quần đảo này. Phía Mỹ chỉ rõ đây là hoạt động tuần tra thường xuyên nhằm đảm bảo tự do hàng hải.
Theo nguồn tin, tàu khu trục USS Decatur (DDG 73) tuần tra Biển Đông vào cuối tuần qua đã được triển khai tới khu vực Biển Đông từ sáu tháng trước, là một trong ba chiếc thuộc Nhóm Hành động trên biển (SAG). Tới đây, các hoạt động của Hạm đội 3 tại châu Á sẽ thường xuyên hơn và hạm đội này sẽ cử thêm nhiều tàu tới khu vực Đông Á.
Việc Hạm đội 3 được cử tới hoạt động tại châu Á sẽ góp phần tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực bởi Hạm đội 3 là lực lượng chính làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ, có hơn 100 chiếc tàu, trong đó bốn tàu sân bay, hùng hậu hơn Hạm đội 7 rất nhiều, với khoảng 80 tàu, gồm cả tàu sân bay duy nhất USS Ronald Reagan (CVN 76).
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng việc chiến hạm Mỹ tự ý vào (cái gọi là) “lãnh hải của Trung Quốc” là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cũng là hành vi cố ý thách thức, gây tổn hại nghiêm trọng tới sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Bộ Quốc phòng Trung Quốc kiên quyết phản đối và có giao thiệp nghiêm chính với phía Mỹ.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 24/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Là quốc gia ven Biển Đông và quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng việc các quốc gia thực hiện các quyền tại Biển Đông phù hợp với quy định của Công ước, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia cần phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam nhấn mạnh tất cả các quốc gia cần có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".