+Aa-
    Zalo

    Hải trình kinh hoàng của tàu Phúc Hải 05: "Hồn treo cột buồm"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cho đến khi trở về Việt Nam, tàu Phúc Hải 05 lại va chạm với tàu Bình Minh 28, chở Linke tại khu vực Quảng Nam khiến 3 người thiệt mạng, 2 người mất tích.

    (ĐSPL) - Cho đến khi trở về Việt Nam, tàu Phúc Hải 05 lại va chạm với tàu Bình Minh 28, chở Linke tại khu vực Quảng Nam khiến 3 người thiệt mạng, 2 người mất tích.

    Thời kỳ này không phải thời kỳ hoàng kim của ngành hàng hải như cách đây khoảng 20 năm: Các thuyền viên đi xa không thể buôn bán đồ cũ để kiếm lợi nhuận vì cộng đồng Asean phát triển, liên kết chặt chẽ nên hàng hóa rẻ hơn trước năm 1998; Tình trạng nợ lương, bỏ tàu của các chủ tàu khiến những thuyền viên rơi vào hoàn cảnh khốn đốn.

    Tuy nhiên, theo lời một thủy thủ, ai đã đi biển rồi rất khó bỏ mặc dù nghề đi biển rất bạc, cứ lên bờ là "ráo" tiền.

    Khi chủ tàu... bỏ của chạy lấy người

    Ngày 28/4/2011, tàu Phúc Hải 05 cập cảng Hải Phòng. 27 thuyền viên, tuổi đời trung bình đều dưới 30, đặt chân lên đất liền nhưng một số người vẫn còn ngơ ngác. Tất cả thuyền viên trên tàu nhìn ai cũng đen nhẻm, gầy sạm. Đến lúc lên bờ, mọi người mới dám bật điện thoại, gọi về nhà. Những tiếng thông báo ngắn gọn: "Anh (em, con) đã về đến Hải Phòng an toàn rồi". Có người bật khóc.

    Tàu Phúc Hải 05 thuộc công ty TNHH Phúc Hải, có trụ sở tại số 60, Trần Hưng Đạo, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Tàu rời Việt Nam từ ngày 2/8/2010, đi một số nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Tàu cập cảng Surabaya - Indonesia và bị kẹt ở đó đến cuối tháng 3/2011 do công ty chủ quản của tàu không thanh toán các chi phí cảng nên tàu bị giữ lại. Trên tàu có gần 10 người lần đầu tiên đi biển. Do không thuyết phục được công ty cho thuê tài chính cứu giúp, chủ tàu đã... "bỏ của chạy lấy người", mặc cho con tàu cùng 27 thuyền viên tự xoay xở.

    Chiều 4/3/2011, ông Phó Hoàng Hân, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia thông báo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã nhận được đơn kêu cứu của tàu Phúc Hải. Ngay sau đó, ông Hân đã báo về Bộ Ngoại giao Việt Nam để Bộ có công hàm tới bộ Ngoại giao Indonesia và Cảng vụ Surabaya đề nghị hỗ trợ lương thực cho các thuyền viên. Ngày 9/3/2011, ông Phó Hoàng Hân đã lên tàu Phúc Hải 05, trao 6.500 USD và 1 triệu rupi tiền Indonesia để các thuyền viên mua lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, theo các thuyền viên, số tiền này chưa đủ trả tiền ăn cho 27 người trên tàu do họ đã vay mượn để mua thức ăn từ ngày bị... bỏ rơi.

    Gặp các thuyền viên của tàu Phúc Hải 05 tại Hải Phòng sau hải trình kinh hoàng, anh Phạm Ích Định chia sẻ về những ngày khó khăn: "Gần nửa năm sống thoi thóp, có những thời điểm cả tàu nhịn đói hơn hai ngày. Ông đầu bếp chẳng biết xin đâu được cái bắp chuối, về cắt khúc và hầm lên. Anh em mừng vui chạy sà vào nồi súp nóng hổi ninh xương (theo lời giới thiệu của đầu bếp - PV). Đến khi múc ra ăn, chát xít, không ai nuốt nổi. Hỏi ra thì biết đó là củ chuối ninh. Mỗi người đều cố húp cũng chỉ được một ít", anh Phạm Ích Định kể.

    Cảnh nấu nồi cháo cầm hơi của anh em tàu Phúc Hải 05 trong lúc đợi được cứu (ảnh tư liệu do thuyền viên tàu Phúc Hải cung cấp).

    "Trước khi lên tàu, mình được biết nghề đi biển là nguy hiểm. Mình cũng biết những khó khăn lớn phải đối mặt khi lênh đênh trên biển, khi đi đến những đất nước xa lạ. Nhưng trục trặc đầu tiên của đời thủy thủ là đối mặt với cái chết cận kề cho đến giờ vẫn làm mình sợ", Nguyễn Văn Đ., SN 1987, thuyền viên tàu Phúc Hải 05 chia sẻ.

    "Những khác biệt về văn hóa là khó khăn nhất đối với anh em. Ngay như việc ăn uống. Đến khi đói quá, thu gom phi dầu đổi được ít mì tôm của Indonesia về cho anh em ăn, nhưng đa số không ăn được, hoặc đói quá không chịu nổi thì ăn một ít vì mùi vị rất khó chịu", đầu bếp của tàu Phúc Hải 05 chia sẻ.

    Những thấp thỏm âu lo

    Hết lương thực, hết nhiên liệu, hết nước sạch, thủy thủ phải "vớ gì ăn nấy, hứng nước từ boong tàu để nấu cơm". Những thủy thủ kể, gần nửa năm, ai cũng chỉ mặc độc quần đùi để tiết kiệm tắm, giặt. Anh Đ. nói: "Mình dùng hết 3 lọ berberin và 2 tuýp thuốc ghẻ". Tàu hết nhiên liệu, phải tắt tất cả những thiết bị điện, tắt máy. Thế nên, trong hành trình đi về Việt Nam, trong vòng một ngày, tàu đã va chạm với hai tàu mang quốc tịch Indonesia khác. "Bọn mình cứ ngồi trên tàu, thời gian nặng nề, nhắm mắt lại mà đợi những va chạm, sợ cảm giác đi kiểm tra tàu và sửa chữa", anh Định tâm sự.

    Thủy thủ phải hứng nước từ boong trên tàu Phúc Hải 05 để lấy nước sinh hoạt vì bị bỏ rơi.

    Cho đến khi trở về Việt Nam, tàu Phúc Hải 05 lại va chạm với tàu Bình Minh 28, chở Linke tại khu vực Quảng Nam khiến 3 người thiệt mạng, 2 người mất tích. "Tưởng về được Việt Nam là đã xong, nhưng lại phải chứng kiến cảnh chết chóc và bị giữ lại điều tra. Chúng tôi thấy quá mệt mỏi", một thuyền viên trẻ tuổi trên tàu tâm sự.

    Chúng tôi gặp lại những thuyền viên tàu Phúc Hải 05 tại trường đại học Hàng Hải. Ấn tượng về chuyến đi kinh hoàng của họ hầu như không thấy nữa. "Bọn mình học tiếp và lại đi tàu". Hỏi họ sao không ở trên bờ làm một công việc bình thường, 5 chàng trai thuyền viên cũ của tàu Phúc Hải 05 cười: "Ra đến biển, bọn mình được sống đúng con người thật của mình. Ai không muốn đi biển học xong sẽ ở trên bờ, đi rồi là sẽ đi tiếp thôi", anh Định chia sẻ.

    Đã mang cái nghiệp đi biển, khó ai có thể từ bỏ nó một cách dễ dàng. "Không phải vì lương cao mà bị ràng buộc, chỉ bởi vì đã đi rồi thì khó thích nghi với cuộc sống trên bờ. Hơn nữa, ngoài làm nghề, việc đi tàu đã rèn cho con người tất cả những khả năng thích nghi với cuộc sống. Cuộc sống ở mỗi đất nước lại là một khám phá. Trở về nhà mới thấy hết giá trị của cuộc sống, mới trân trọng hơn tình cảm người thân, gia đình, dân tộc", anh Phạm Văn Tiến, sinh năm 1983, ở Tiên Lãng, Hải Phòng, chuyên đi tuyến châu Âu kể.

    Hơn 2 năm, người con trai thứ hai của ông Phạm Văn Tùng, ở xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng không về khiến ông rất lo lắng. "Mỗi khi nhận được điện thoại của nó, tôi mừng khôn tả. Chỉ có nó gọi về được, nhà không biết nó ở đâu mà gọi", ông Tùng chia sẻ. Lo lắng là thế, nhưng mỗi khi nói chuyện với con trai, ông đều vui vẻ và động viên con. Mỗi khi nghe ngóng tin tức ở đâu về chuyện gặp nạn của tàu bè, ông lại thấp thỏm cho đến khi nhận được điện thoại của con. "Tuổi trẻ chúng nó phải lao động và phải chịu những vất vả như thế là đúng. Nhưng làm cha làm mẹ thì mãi mãi không yên tâm", ông Tùng nói.

    Có những sự chờ đợi mà chỉ người chờ đợi mới biết nó mệt mỏi như thế nào. Tháng 1/2011, anh Phạm Ích Định gọi điện về thông báo với bố mẹ: "Con sắp được về ăn tết". Không chỉ riêng anh Định, mà các anh em trên tàu Phúc Hải 05 cũng chung niềm vui háo hức thông báo về gia đình thế. Nhưng những người thân chờ đợi mãi vẫn không thấy họ về. Mẹ của anh Định héo mòn hơn cả cậu con trai: "Lúc báo chí đưa tin tàu con tôi gặp nạn, chúng nó sắp chết đói, không được đảm bảo an toàn tính mạng, tôi cứ nghĩ, nó mà chết chắc tôi cũng không sống nổi". Đón cậu con trai về, người mẹ không nói được gì, chỉ biết ôm con mà khóc.

    Có những người cha, người mẹ, người em, người vợ,... đang từng ngày ngóng trông người đi biển. Mỗi chuyến đi xa của người thủy thủ là những tháng ngày dài của những người ở lại. "Buồn nhất là khi có người hỏi thăm con mình như thế nào", ông Tùng kể. Trong số những người mong ngóng con em lênh đênh trên biển trở về, có nhiều người đã không bao giờ được đón người thân của mình nữa. Không ít thủy thủ đã mãi mãi ở lại với biển, nơi đất khách quê người.

    Nhiều tàu bị mắc kẹt

    Ngày 25/12/2012, báo chí có nhận được một email của thủy thủ tàu Cái Lân 4 của công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin cho biết, bị mắc kẹt tại tại cảng Kolkata (Ấn Độ) sau khi giao hàng. 22 thuyền viên trên tàu này bị cơ quan chức năng Ấn Độ bắt giữ cuối tháng 10/2012 vì công ty chủ quản nợ tiền một nhà cung cấp dầu tại Singapore nhưng chưa trả.

    Cũng như tàu Phúc Hải 05, việc ăn ở của các thuyền viên gặp rất nhiều khó khăn khi hết lương thực, thực phẩm, nước ngọt, dầu DO. Mọi người sống cầm cự qua ngày bằng mì tôm, rau dại, nhiều người bị ốm. Mặc dù nhiều lần liên lạc về công ty yêu cầu hỗ trợ nhưng thủy thủ đoàn đã không nhận được sự giúp đỡ. Câu chuyện tàu Cái Lân 4 và tàu Phúc Hải 05 bị mắc kẹt ở nước ngoài không phải là duy nhất trong thời điểm đó, còn có tàu Hoa Sen, Sea Eagle, New Phoenix bị mắc kẹt ở Trung Quốc, tàu Diamond Way kẹt ở UAE.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-trinh-kinh-hoang-cua-tau-phuc-hai-05-hon-treo-cot-buom-a79833.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan