Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra 2 phương án tăng lương hưu từ năm 2016, theo đó có thể tăng lương với từng nhóm đối tượng, hoặc tăng đồng loạt với tất cả những người đang hưởng lương hưu.
Lương, trợ cấp không đủ sống
Bà Nguyễn Thị Vân (60 tuổi, ở 65 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) kể, trước đây bà làm công nhân cho Nhà máy cao su Sao Vàng. Năm 1992, nhà máy ít việc nên phải cắt giảm biên chế, bà Vân phải nghỉ “hưu non”. Theo chính sách nhà máy áp dụng lúc đó, những gia đình có 2 người biên chế trong nhà máy sẽ có một người phải nghỉ việc dưới hình thức mất sức lao động. Vậy là, bà Vân nghỉ mất sức, nhận vài chục triệu đồng hỗ trợ 1 lần, khi đó bà mới làm việc được 18 năm. Phải tới năm 2010, khi đủ 55 tuổi bà Vân mới được nhận trợ cấp hằng tháng, với mức 730.000 đồng/tháng.
Với lần tăng lương hưu và trợ cấp mất sức gần nhất (2015), lương của bà Vân mới được 780.000 đồng/tháng. “Tôi còn may mắn chọn về nghỉ mất sức lao động, nên giờ tới tuổi được nhận trợ cấp hằng tháng. Nhiều bạn cùng làm lúc đó về nhận trợ cấp 1 lần, giờ tiền tiêu hết, lương không có nên cuộc sống cũng chật vật”, bà Vân nói.
Cán bộ hưu trí lĩnh lương hưu trợ cấp. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Để có tiền trang trải cuộc sống, từ ngày về nghỉ, bà Vân mở quán nước đầu ngõ mưu sinh. Khi nghe tin sắp được tăng trợ cấp hằng tháng, bà Vân rất trông chờ, dù mức tăng dự kiến không nhiều.
Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra 2 phương án về tăng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động từ 1/1/2016. Cụ thể, tăng lương hưu thêm 250.000 đồng/tháng với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức dưới 2 triệu đồng/tháng; tăng 150.000 đồng/tháng với người hưởng trợ cấp mất sức lao động có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/người/tháng (mức hưởng sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/người/tháng). Với phương án này, sẽ có 212.999 người được điều chỉnh tăng lương hưu, với mức kinh phí thực hiện là 345,5 tỷ đồng/năm, do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo.
Với phương án còn lại, tăng lương hưu: Thêm 250.000 đồng/tháng đối với người nghỉ hưu trước và sau tháng 4/1993 ở mức dưới 2 triệu đồng/tháng; Thêm 150.000 đồng/tháng với người hưởng trợ cấp mất sức lao động và cán bộ xã có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng (sau điều chỉnh mức lương không quá 2 triệu đồng/người/tháng). Với phương án này, có tổng cộng 319.125 người được điều chỉnh tăng lương, tổng kinh phí thực hiện 586,6 tỷ đồng/năm, do NSNN đảm bảo.
Nếu chọn điều chỉnh lương hưu thấp với cả đối tượng nghỉ hưu sau ngày 1/1/1995 trở đi, Chính phủ sẽ phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Như Ý. |
Cân đối ngân sách để tăng lương
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, phương án tăng lương thứ nhất thể hiện được sự quan tâm, chính sách đãi ngộ của nhà nước với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993. Nhóm đối tượng này là những người có quá trình công tác trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ tổ quốc và thời kỳ đầu xây dựng đất nước, với nhiều khó khăn và thiệt thòi. Đồng thời, tổng kinh phí điều chỉnh phù hợp khả năng cân đối của NSNN. Tuy nhiên, nếu áp dụng đối tượng hưởng lợi sẽ có sự so sánh với người nghỉ hưu sau tháng 4/1993 đang hưởng mức lương hưu thấp (dưới 2 triệu đồng/tháng).
Về phương án 2, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phân tích, sẽ khắc phục được han chế của phương án 1, lương người nghỉ hưu trước và sau tháng 4/1993 đều được điều chỉnh tăng thêm. Tuy nhiên, hạn chế là không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, làm mất đi sự tương quan về mức lương hưu của người nghỉ hưu (người đóng cao và thấp, người có thời gian công tác dài và ngắn). Việc điều chỉnh đồng loạt mức lương hưu thấp sẽ tạo ra mặt bằng lương hưu tối thiểu mới với đối tượng có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trở lên. Do đó không phù hợp với quy định của Luật BHXH (lương hưu thấp nhất với người có từ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên bằng mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng, nhưng nếu tăng mức lương hưu thấp nhất là 1,4 triệu đồng/tháng).
Luật BHXH 2014 tạo cơ hội cho nhiều người có thể tham gia và hưởng lương hưu, với điều kiện chấp nhận mức đóng thấp, thời gian ngắn và hưởng lương hưu thấp. Nếu các đối tượng đóng thấp sau đó được điều chỉnh nâng mức hưởng sẽ gây bất bình đẳng với người có đóng góp cao hơn.
Cũng theo quy định hiện hành, NSNN đảm bảo chi trả lương cho người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, Quỹ BHXH chi trả lương cho người nghỉ hưu từ ngày 1/1/1995 trở về sau. Trong khi, điều kiện điều chỉnh lương hưu phải theo mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế phù hợp với NSNN và Quỹ BHXH. “Như vậy, Luật BHXH không quy định khoản chi từ Quỹ BHXH đối với trường hợp điều chỉnh lương hưu thấp. Nếu chọn điều chỉnh lương hưu thấp với cả đối tượng nghỉ hưu sau ngày 1/1/1995 trở đi, Chính phủ sẽ phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định”, ông Huân phân tích.
Lương hưu ra sao sau khi tăng lương cơ bản?
Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra tính toán lương hưu nếu mức lương cơ bản được tăng 8,7\% từ ngày 1/7/2016 (tăng từ 1,15 triệu đồng lên 1,25 triệu đồng/tháng). Khi đó, việc điều chỉnh lương hưu sẽ thực hiện 2 bước. Đầu tiên, tăng lương hưu 8,7\% với tất cả người nghỉ hưu. Tổng kinh phí cho bước điều chỉnh này là 689,04 tỷ đồng/6 tháng, trong đó NSNN chi 127,24 tỷ đồng và Quỹ BHXH chi 561,8 tỷ đồng.
Sau khi điều chỉnh theo bước 1, lương hưu với người có lương hưu thấp sẽ được điều chỉnh theo 2 kịch bản tăng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động. Theo bước tăng lương này, nếu chỉ điều chỉnh lương với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 (phương án 1), sẽ có 208.739 người đang hưởng lương hưu thấp được tăng lương, với kinh phí 169,29 tỷ đồng/năm do NSNN đảm bảo (tổng chi ngân sách chi cho cả 2 bước điều chỉnh là 296,53 tỷ đồng).
Nếu điều chỉnh lương hưu cho cả người nghỉ hưu trước và sau tháng 4/1993 (phương án 2), sẽ có 320.869 người lương hưu thấp được tăng lương, với tổng chi từ ngân sách là 304,51 tỷ đồng/năm, do ngân sách nhà nước đảm bảo (tổng NSNN chi cho 2 bước điều chỉnh là 426,67 tỷ đồng).
Riêng với 954 giáo viên mầm non công tác trong ngành giáo dục trước năm 1995, có mức lương hưu thấp hơn lương cơ sở (chỉ 843 nghìn đồng/tháng). Từ 1/1/2016, lương hưu cho đối tượng này sẽ được điều chỉnh lên bằng mức lương cơ sở (lên 1,15 triệu đồng/tháng), do NSNN chi, tổng kinh phí 3,51 tỷ đồng/năm. Trường hợp lương cơ sở tăng từ 1/7/2016, tiếp tục trợ cấp cho giáo viên mầm non để lương hưu của họ đạt bằng mức lương cơ sở mới (kinh phí phát sinh thêm trong 6 tháng cuối năm 2016 là 572 triệu đồng).
Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 2,15 triệu người hưởng lương hưu với mức lương bình quân 3,92 triệu đồng/tháng (hơn 638.000 người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 và 1,512 triệu người nghỉ hưu sau tháng 4/1993). Trong đó, có 308.312 người hưởng lương hưu và trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng (có 2.658 người lương hưu chỉ 804 nghìn đồng/người/tháng). |
Theo Tiền Phong