(ĐSPL) - Lội qua bờ tràn về nhà sau giờ tan học, 2 học sinh lớp 8 trường THCS Nhơn An (Bình Định) bị lũ cuốn trôi.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, khoảng 9h ngày 8/12, sau khi kết thúc 2 tiết học ở trường, em Trần Đức Thắng cùng Đào Minh Tài và em Phan Tiến Cang (đều 13 tuổi, trường THCS Nhơn An) cùng trú thị xã Nhơn An (Bình Định) lội qua tràn Bờ Dọn ở thôn Thuận Thái, xã để về nhà.
Lúc này, em Tài dắt xe đi trước khoảng 10m thì bị lũ cuốn cả người lẫn xe đạp xuống vực sâu. Thấy vậy, em Thắng đi phía sau liền vứt xe đạp lao theo cứu cũng bị nước xiết cuốn trôi. Còn em Cang hoảng hốt chạy lên quốc lộ 1 kêu cứu.
Phát hiện vụ việc, người đi đường chạy đến cứu vớt được em Thắng đưa lên bờ sơ cứu nhưng không kịp. Còn em Tài bị lũ cuốn mất tích.
Đợt lũ lớn thứ 3 tràn về sáng 8/12 khiến mực nước trên các sông Quảng Ngãi, Bình Định dâng cao. Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Trao đổi trên báo Tri thức trực tuyến vào chiều 8/12, ông Nguyễn Tấn Đức - Chủ tịch UBND xã Nhơn An, thị xã An Nhơn cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể hai em học sinh lớp 8, trường THCS Nhơn An bị lũ cuốn vào sáng cùng ngày.
Trước đó, vào ngày 6/12, em Dương Nguyễn Thúy Nhiên (11 tuổi), học sinh lớp 4 trường Tiểu học Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định) cũng bị lũ cuốn chết khi đi học về.
Sáng 8/12, người dân ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước phát hiện một thi thể nữ nổi trên bờ ruộng bị ngập nước lũ gần đường tỉnh 636 nên báo chính quyền địa phương.
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Định, lũ chồng lũ trong vòng 1 tuần qua khiến ít nhất 11 người chết và 3 người bị thương, ước tính thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. 2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)