(ĐSPL) - Dương gửi các đường link chứa mã độc rồi chiếm đoạt tài khoản Facebook của nhiều người. Chỉ trong vòng 1 năm, Dương đã hack hơn 100 tài khoản chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng.
Ngày 11/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án và bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Hùng Dương (22 tuổi, trú thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) về hành vi dùng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản – tin tức đăng tải trên báo Trí thức trẻ.
Cơ quan Công an đọc lệnh bắt Nguyễn Hùng Dương . |
Theo báo Gia đình và Xã hội, Dương quê ở Quảng Trị vào Đà Nẵng học nghề nấu ăn và học thêm về công nghệ thông tin. Để có tiền tiêu xài, Dương nghĩ cách hack các tài khoản Facebook bằng cách gửi các đường link có chứa mã độc cho các facebook người Việt kiều ở nước ngoài.
Khi các chủ tài khoản Facebook kích vào đường link này thì Dương nắm được tên đăng nhập và mật khẩu. Từ đó, Dương chiếm đoạt tài khoản Facebook của các nạn nhân rồi nghiên cứu lịch sử các cuộc chát trò chuyện. Sau đó Dương nói chuyện với bạn bè của các nạn nhân và nhờ họ “mua giúp card điện thoại”.
Đặc biệt, để các nạn nhân tin tưởng, Dương hứa với họ là mua card giúp, sau đó sẽ chuyển tiền trả lại với giá cao gấp đôi, gấp ba. Nhiều người sập bẫy của Dương mà không hề hay biết.
Theo thống kê, với chiêu thức lừa đảo này, Dương đã chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của khoảng 100 nạn nhân. Đa số nạn nhân chủ yếu các tỉnh, thành: Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, TP.Hồ Chí Minh…
Điều 226b Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định tội tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau: 1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: b) Phạm tội nhiều lần; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]b4oVtxKL0R[/mecloud]