(DSPL) - Chiếc xe buýt nhanh đang lưu thông trên đường Giảng Võ thì bất ngờ bị một chiếc xe taxi tạt đầu dẫn đến làm vỡ cửa kính bên phải.
Theo đó, vào khoảng 8h ngày 4/1, chiếc xe buýt nhanh BRT đang di chuyển trên đường Giảng Võ hướng về Láng Hạ, khi đi đến ngã tư Giảng Võ – Đê La Thành thì bị một chiếc xe taxi lấn làn rồi bất ngờ tạt đầu khiến chiếc xe buýt bị vỡ một mảng kính lớn bên phải.
Chiếc xe buýt gặp nạn trên đường. |
Xác nhận thông tin trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội cho biết, vào sáng nay (4/1) một xe buýt nhanh đã gặp sự cố khi đang lưu thông trên đường Giảng Võ hướng từ Giảng Võ về Láng Hạ.
Cụ thể, khi xe buýt nhanh này đang lưu thông trong làn đường riêng của mình trên đường Giảng Võ thì bất ngờ bị một lái xe taxi chưa rõ danh tính tạt ngang đầu xe và chạy mất.
Sự cố này đã khiến phần kính ở cửa lên phần đầu xe buýt nhanh bị vỡ tan.
"Hiện tại, do xe taxi đã bỏ chạy nên vẫn chưa xác định được là xe của hãng nào. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ, đồng thời, yêu cầu đơn vị báo cáo thêm về sự việc", ông Hải cho hay.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ các mức phạt cho từng đối tượng. 1. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô Theo quy định tại điểm b khoản 7 điều 5 của Nghị định: “Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.” 2. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy Khoản c điểm 7 Điều 6 Nghị định quy định “phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;” 3. Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng Điều 7 Nghị định quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. 4. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; Ngoài các mức phạt hành chính trên thì người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet nên chỉ mang tính chất tham khảo. |