Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia kỳ thi. Công tác thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia kỳ thi.
Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi trên địa bàn TP; chỉ đạo và kiểm tra các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh; chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi.
Đồng thời, cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn các địa điểm tổ chức thi trên địa bàn thành phố.
Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Thanh tra Thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra ở tất cả các khâu chuẩn bị cho Kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, bảo vệ đề thi bài thi, phúc khảo bài thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh trong quá trình tổ chức Kỳ thi theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Tổ chức chấm bài thi, công bố kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp theo đúng Quy chế thi hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao Công an Thành phố hướng dẫn, thực hiện công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi địa bàn, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho kỳ thi, đặc biệt công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi; thực hiện các giải pháp phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.
UBND các quận, huyện, thị xã được giao chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức đúng về kỳ thi; tham gia hỗ trợ công tác tổ chức kỳ thi theo đúng Quy chế thi của Bộ GD&ĐT; bố trí lực lượng ổn định trật tự, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trước cổng trường, xung quanh khu vực điểm thi trên địa bàn.
Các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho các cán bộ làm công tác thi, các thí sinh và người thân ở tất cả các địa điểm tổ chức thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự kỳ thi.
Tuyệt đối không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại khi tham dự thi. Trong trường hợp phát sinh tình huống bất khả kháng cần xử lý kịp thời, phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra trong các ngày 27 - 28/6. Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất trong các địa phương, với hơn 109.000 em (trong đó có gần 5.600 thí sinh tự do), chiếm 1/10 tổng số thí sinh đăng ký dự thi của cả nước.