Với cách kiếm tiền như hiện tại cùng nhiều khảo sát về thị trường ấn tượng, nhiều "ông lớn" công nghệ đã đặt chân vào rồi thì không muốn rút khỏi Việt Nam.
Theo khảo sát của các tổ chức quốc tế, tốc độ phát triển và phổ cập internet ở Việt Nam thuộc top 20 quốc gia có nhiều người sử dụng internet nhất trên thế giới.
Đáng lưu ý, Việt Nam còn xếp thứ 7 trong danh sách 10 quốc gia có người dùng Facebook đông nhất thế giới với 64 triệu người dùng, chiếm 3% tổng số người dùng toàn cầu. Những con số này cho thấy sự phổ biến của mạng Facebook trong xã hội Việt Nam, đặc biệt, có tới hơn 60% người sử dụng thuộc lứa tuổi thanh, thiếu niên - thế hệ quyết định tương lai của đất nước.
Luật An ninh mạng cần thiết được đưa ra. |
Trong khi đó, Google gần như trở thành công cụ tìm kiếm mà toàn bộ dân số trên toàn thế giới đều sử dụng, không chỉ riêng tại Việt Nam. Theo ước tính, Google và Facebook đang sở hữu hơn 60% doanh thu quảng cáo điện tử toàn cầu.
Sức mạnh của hai kẻ “khổng lồ” này lớn tới mức, vừa qua Thượng nghị sĩ John Kennedy của bang Lousiana – Mỹ đã phải thốt lên rằng: “Sức mạnh của Google và Facebook khiến tôi run sợ, vấn đề là họ biết quá nhiều về chúng tôi, trong khi chính chúng tôi lại biết quá ít về bản thân”.
Tại Việt Nam, cũng như ở nhiều quốc gia khác, Google và Facebook đều kiếm tiền chủ yếu qua quảng cáo. Cụ thể, Google thu tiền từ mỗi click mà người sử dụng thực hiện mỗi lần truy cập vào một website; hoặc định giá quảng cáo cho một website với việc thầu từ khoá. Còn Facebook kiếm tiền từ việc quảng cáo trên news feed, tin nhắn nhận quà, quảng cáo cho ứng dụng của bên thứ 3…
Với tỷ lệ dân số sử dụng các ứng dụng này cũng như tỷ lệ tiếp cận internet, thị trường Việt đang là miếng mồi béo bở cho nhiều doanh nghiệp công nghệ.
Bằng chứng là một khảo sát của Công ty Vinalink cho biết, năm 2015, Facebook đã thu về hơn 3.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam, còn Google là hơn 2.000 tỷ đồng trong khi không phải đóng thuế cho cơ quan chức năng.
Trước thực tế này, mới đây, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiện dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi. Tại dự thảo này, đại diện Bộ Tài chính đã chỉ ra thực tế, hoạt động của mạng internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.
Theo thống kê từ phía cơ quan chức năng, Hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức. Một là qua các đại lý tại Việt Nam, với trường hợp này, các doanh nghiệp trên sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu.
Phương thức hai là mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Theo đại diện Bộ Tài chính, trường hợp thứ 2 chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hoá bằng cách mua hoá đơn của một dịch vụ khác. Như vậy, khi thanh kiểm tra thuế, cơ quan chức năng cũng sẽ khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.
Bộ Tài chính cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia – Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước). Từ đó cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế. Đối với loại hình này, lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, các nước châu Âu, Ấn độ, Hàn Quốc đã thực hiện giải pháp thanh toán trên.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam. Đề nghị Bộ Thông tin truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook, Apple,...) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Minh Thư(T/h)