Giám đốc NSA và ban lãnh đạo của Google đã nhiều lần liên lạc với nhau, liên quan đến những đề xuất hợp tác về bảo mật dữ liệu.
Hàng loạt email do Al Jazeera America có được theo một yêu cầu tiếp cận thông tin theo Đạo luật tự do thông tin (Freedom of Information Act – FOIA) và tung ra hôm 6/5 dẫn đến nghi vấn về sự hợp tác trên mức ép buộc của Google với cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Các email trao đổi giữa giám đốc NSA, tướng Keith Alexander, và các lãnh đạo của Google, chủ tịch Eric Schmidt và nhà đồng sáng lập Sergey Brin, diễn ra trước tháng 6/2012.
Trong một email, Alexander đề cập đến một cuộc họp diễn ra trước đó giữa NSA và Google, sau đó mời Schmidt dự một cuộc họp bí mật trong 4 giờ đồng hồ, có "chủ đề cụ thể" và "giải quyết theo định hướng" về các mối đe dọa và bảo mật di động.
"Sự tham gia của Google trong việc lựa chọn, thiết kế và triển khai các giải pháp sẽ là rất cần thiết", Alexander đề cập trong thư.
Schmidt đã email trả lời chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, bày tỏ sẵn lòng tham dự cuộc họp theo lời mời của Alexander, nhưng lấy làm tiếc là không thể vì vướng bận một công việc khác cùng thời điểm. "Rất vui lòng gặp ông vào một lần khác", Schmidt viết trong email.
Email của Alexander đề cập đến một sáng kiến chia sẻ thông tin giữa chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp trong ngành, gọi là khung an ninh bền vững (Enduring Security Framework - ESF), được ban hành vào năm 2009 bởi Bộ an ninh nội địa, Bộ quốc phòng (Mỹ) và CEO của 18 công ty công nghệ.
Alexander lưu ý trong email rằng theo sáng kiến ESF, NSA đã hợp tác với một số công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm Intel, AMD, Dell, HP và Microsoft, giải quyết một mối đe dọa an ninh trong BIOS của nhiều hệ thống doanh nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình của chương trình “60 phút” phát trong tháng 12/2013, giám đốc phòng thủ không gian mạng NSA Debora Plunkett đã trình bày khá chi tiết về mối đe dọa BIOS được nhắc đến trong thư trên. Plunkett cho biết một nhóm hacker dưới sự tài trợ của chính phủ Trung Quốc tạo ra một âm mưu BIOS nhằm làm tê liệt các hệ thống ở Mỹ, và NSA đã phối hợp với các công ty công nghệ hàng đầu để giải quyết mối đe dọa đó.
Trong email gửi Schmidt, Alexander còn đề nghị sự giúp đỡ của Google trong việc giải quyết các mối đe dọa bảo mật di động. Alexander cho biết, cuộc họp bí mật này nhằm cung cấp thông tin cho CEO của Google, Apple và Microsoft nhằm giảm thiểu những mối đe dọa cụ thể cho các công nghệ di động của họ.
Trong một email gửi Brin, Alexander ca ngợi những đóng góp cho ESF từ các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Google, như phó chủ tịch Vint Cerf, giám đốc Internet Evangelist, và phó chủ tịch kỹ thuật bảo mật Eric Grosse.
Hôm 6/5, một phát ngôn viên của Google cho biết công ty đã hợp tác với nhiều chuyên gia bên ngoài, kể cả những người của chính phủ Mỹ, để bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn công trên không gian mạng. "Chúng tôi thực sự cố gắng bảo vệ người dùng chống lại các cuộc tấn công mạng và chúng tôi trao đổi với các chuyên gia bên ngoài, đôi khi từ cả chính phủ Mỹ, để đảm bảo chúng tôi vượt lên trước cuộc chiến".
Google, cũng như một số công ty khác, đã cố gắng giữ khoảng cách với NSA kể từ khi Edward Snowden tiết lộ các tài liệu mật của NSA. Schmidt và các lãnh đạo khác của Google luôn khẳng định mọi chia sẻ thông tin có thể có với chính phủ là miễn cưỡng và bị ép buộc về pháp lý.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của CNN mùa Thu vừa qua, Schmidt đã chỉ trích NSA xâm phạm sự riêng tư của các công dân sau khi vỡ lẽ cơ quan an ninh này đã tổ chức nghe lén trên diện rộng. NSA bị cáo buộc khai thác hàng triệu bản ghi dữ liệu trực tiếp từ cáp quang liên kết giữa các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu.
Người khổng lồ Internet đang giảm sự hợp tác với NSA cũng là điều dễ hiểu, khi đang bị “soi” kể từ sau những thông tin rò rỉ từ Snowden.
Chẳng hạn, uy tín của nhà cung cấp công cụ bảo mật RSA đã sứt mẻ do bị cáo buộc là đã giúp NSA tích hợp một backdoor vào một trong các sản phẩm mã hóa của công ty để đổi lấy 10 triệu USD.
Google sẽ phải lo ngại các khách hàng đang sử dụng dịch vụ đám mây của mình sợ hãi bỏ đi nếu công ty bị phát hiện đóng vai trò tích cực trong các hoạt động thu thập dữ liệu của NSA. Cho đến nay, Google cũng như các ông lớn công nghệ khác luôn khẳng định họ chỉ cung cấp dữ liệu khách hàng cho chính phủ khi phải đáp ứng lệnh của tòa án hoặc yêu cầu có hiệu lực pháp luật.