+Aa-
    Zalo

    Gói 30.000 tỷ đồng thành "cần câu" để ngân hàng dụ khách

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có nhu cầu vay gói 30.000 tỷ, nhưng nhiều khách hàng khi đến ngân hàng đã "được" nhân viên ngân hàng hướng dẫn "lái" sang vay thương mại....

    (ĐSPL) - Có nhu cầu vay gói 30.000 tỷ, nhưng nhiều khách hàng khi đến ngân hàng đã "được" nhân viên ngân hàng hướng dẫn cách "đơn giản, nhanh gọn" để vay tiền mua nhà là... chuyển sang vay thương mại....

    Gói 30.000 tỷ đồng "lái" sang vay thương mại

    Thông tin trên báo VnExpress, hàng ngày nhận được cả chục tin nhắn điện thoại mời mua căn hộ kèm lời nhắn sẽ được vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, sẵn với mức thu nhập 14 triệu đồng một tháng, nhưng vẫn phải ở nhà thuê, chị Hương, nhân viên công ty truyền thông quyết định tìm hiểu để mua căn hộ ở Thủ Đức (TP HCM) có giá khoảng một tỷ đồng từ gói vay này.

    Chị gọi cho số điện thoại của người nhắn thì được mời đến xem nhà, sau đó hướng dẫn đến ngân hàng liên kết để làm thủ tục vay. Khi chị đến gõ cửa ngân hàng này, được một nhân viên tín dụng tiếp nhận và hướng dẫn làm hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi xem qua trường hợp của chị, nhân viên này cho biết không vay được gói 30.000 tỷ vì vướng quy định về mức thu nhập.

    Lúc này, chị Hương liền được nhân viên tín dụng nhiệt tình tư vấn và thuyết phục chuyển sang các gói vay thương mại với những hứa hẹn như lãi suất khá mềm, chỉ 6-7\% một năm không cao hơn gói 30.000 tỷ bao nhiêu, thủ tục lại đơn giản... "Hỏi kỹ, tôi mới biết mức lãi suất ấy chỉ áp dụng cho 3 hoặc 6 tháng đầu tiên, còn sau đó sẽ áp dụng lãi suất thả nổi cộng thêm 3,5\% nữa nên đành thôi", chị nói.

    Nhiều nhân viên ngân hàng thường tìm cách lờ gói vay ưu đãi hoặc không mặn mà với nó để hướng khách hàng sang gói vay thương mại.

    Vợ chồng chị Nhàn ở quận 6 sau khi mua được miếng đất giờ muốn vay 300 triệu đồng từ gói 30.000 tỷ để cất ngôi nhà cấp 4. Tuy nhiên, khi tìm đến ngân hàng, nhân viên tại đây cho biết điều kiện vay rất khó khăn rồi khuyên chị với số tiền vay ít, thời gian vay ngắn thì nên chuyển sang gói vay của ngân hàng, đảm bảo vay được, thủ tục lại đơn giản.

    "Cô nhân viên cho biết ngân hàng đang triển khai chương trình vay vốn mua nhà đất, xây sửa nhà, mua ôtô... với mức lãi suất hấp dẫn chỉ từ 7,5\% một năm. Nhưng thực chất, mức này chỉ dành cho thời gian ưu đãi khoảng 6 tháng đối với khoản vay từ 24 tháng trở xuống và khoảng 12 tháng với khoản vay trên 24 tháng", chị Nhàn chia sẻ.

    Nhìn nhận vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng các nhân viên tín dụng thường bị "khoán" định mức phải cho vay thương mại hàng tháng khá cao, nên mới có chuyện họ hay lờ gói vay ưu đãi hoặc không mặn mà với nó để hướng khách hàng sang gói vay thương mại.

    Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết cơ quan này cũng có nghe phản ánh một số nhà băng đưa ra thủ tục khó khăn khiến người vay nản chí, sau đó gợi ý khách hàng vay gói thương mại với điều kiện dễ dàng hơn nhưng lãi suất cao hơn.

    Ông Minh cho rằng, đây là điều dễ hiểu vì gói vay 30.000 tỷ đồng là gói vay ưu đãi, dành cho đối tượng thu nhập thấp nhưng điều kiện cho vay vẫn phải như gói vay thông thường, nếu có nợ xấu phát sinh thì ngân hàng phải chịu, do vậy họ phải xét duyệt kỹ.

    Mặt khác, Nhà nước chỉ bù chênh lệch lãi suất 1,5\% mỗi năm, số tiền cho vay lại nhỏ trong khi với cho vay thương mại khoản vay lớn hơn, điều kiện vay do ngân hàng quyết định, và được hưởng lãi suất cao.

    Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá, không loại trừ khả năng hiện nay một số ngân hàng xin tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đồng chủ yếu là nhằm mục đích làm tăng hình ảnh thương hiệu chứ không phải hướng tới việc làm sao để giải ngân hiệu quả cho người dân. Việc này dẫn đến tình trạng một số ngân hàng chỉ tiếp nhận hồ sơ chiếu lệ và chủ yếu là muốn hướng khách hàng sang vay gói thương mại. "Đây là điều hoàn toàn không nên, vì nó sẽ ảnh hưởng tới uy tín cũng như đạo đức nghề nghiệp", ông nói.

    Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhấn mạnh, các ngân hàng tham gia gói 30.000 tỷ đồng là tự nguyện. Do vậy nếu đơn vị nào dùng đây như một hình thức tăng uy tín nhằm quảng bá tên tuổi, đăng ký nhưng không triển khai là không thể chấp nhận được.

    "Chúng tôi sẽ khảo sát, từ đó có kiến nghị với Ngân hàng Trung ương để có biện pháp xử lý chứ không để tình trạng này xảy ra sẽ làm mất lòng tin của dân", ông nói.

    Bên cạnh sự không mấy nhiệt tình, kèm với một số bất cập trong quá trình triển khai như tiêu chí về thu nhập, cách thức xác nhận tình trạng nhà ở cùng một số yêu cầu thủ tục rườm rà khác... cũng khiến tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ thời gian qua khá chậm, chỉ được hơn 20\%, trong khi đó đến đầu tháng 6/2016 sẽ chấm dứt hiệu lực.

    Nhiều ngân hàng (NH) cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay khi xét duyệt cho vay gói 30.000 tỷ đồng là ở khái niệm “đối tượng thu nhập thấp”.

    Kiến nghị xem xét lại khái niệm “người thu nhập thấp”

    Nhiều ngân hàng (NH) cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay khi xét duyệt cho vay gói 30.000 tỷ đồng là ở khái niệm “đối tượng thu nhập thấp”, phát sinh từ tháng 3/2015 khiến việc xét duyệt và giải ngân cho vay gói ưu đãi bị ách tắc.

    Một lãnh đạo BIDV chi nhánh TP.HCM cho biết trong công văn trả lời một NH quốc doanh mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng “người thu nhập thấp” là người không bị nộp thuế thu nhập cá nhân khiến NH rất bối rối. “Mức thu nhập như vậy, trừ chi phí ăn uống sinh hoạt thì khoản dư ra để trả gốc và lãi còn rất ít, cao nhất chỉ còn 4-5 triệu đồng/tháng.

    Với thời gian vay khoảng 15 năm, như vậy NH chỉ có thể xét cho vay tối đa khoảng 400 triệu đồng, bằng một nửa so với mức cho vay tối đa theo quy định hiện nay” - vị lãnh đạo này nói.

    Theo vị này, quy định như vậy đã làm cho những người có thu nhập trên 9 triệu đồng muốn vay không được. Rất nhiều hồ sơ NH đã tiếp nhận đang trong quá trình thẩm định xử lý bị vướng quy định này, NH phải trả lời không xét duyệt cho vay được, đồng thời báo cáo vướng mắc này cho hội sở.

    “Về nguyên tắc, NH rất muốn cho vay những khách hàng có thu nhập tốt mới đảm bảo khả năng trả nợ nhưng Bộ Xây dựng lại khống chế như vậy khiến NH rất khó xử” - ông này nói.

    Giám đốc một NH nằm trong danh sách cho vay gói 30.000 tỷ đồng cho rằng khi cho chủ đầu tư vay đầu tư dự án, NH cũng muốn cho người mua nhà vay chứ không làm khó. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều trường hợp NH không thể xét duyệt cho vay được do thu nhập không đảm bảo khả năng trả nợ.

    “Nhiều người đi vay cứ nghĩ vốn vay gói 30.000 tỷ đồng là của Nhà nước, nhưng thật sự đó là tiền gửi của dân. Nếu xét duyệt không kỹ, để xảy ra nợ xấu, NH phải chịu. Do vậy, chỉ những trường hợp đủ điều kiện về thu nhập mới được xét” - vị đại diện này nói.

    Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cũng cho rằng nếu chiếu theo đúng như định nghĩa của Bộ Xây dựng về đối tượng thu nhập thấp, những đối tượng này khó có khả năng trả gốc và lãi vay trong vòng 10-15 năm theo quy định. Do vậy, các NH không cho vay được.

    “Chúng tôi đã gửi văn bản này cho 15 NH thương mại tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đồng để lấy ý kiến, trên cơ sở đó sẽ có văn bản kiến nghị NH Nhà nước để có giải pháp phù hợp” - ông Minh cho biết.

    Ngọc Anh(Tổng hợp)

    [mecloud]fggY0MNtke[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goi-30000-ty-dong-thanh-can-cau-de-ngan-hang-du-khach-a96593.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.