Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Tại Hội nghị, NHNN cho biết, tính đến nay, mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng, với 68 dự án. Một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Trong 68 dự án này có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Mặc dù NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, linh hoạt để đẩy mạnh triển khai chương trình nhưng việc giải ngân gói tín dụng này còn khiêm tốn do còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Theo ủy quyền của Bộ Xây dựng thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ công bố danh mục nhà ở xã hội trên địa bàn của địa phương mình. Tuy nhiên đến nay mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn Chương trình này.
Bên cạnh đó, qua báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, có một số địa phương chưa công bố danh mục này mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị. Ngoài ra, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác).
Các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng thì chỉ có 4 dự án (tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nghệ An) trên 68 dự án là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cho thấy số lượng các dự án này còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Về phía người mua nhà, theo báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng… vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm. Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở (2014) quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà đã tăng cao....
Hiện nay, người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP cho thấy, các đối tượng này sẽ có xu hướng lựa chọn vay vốn tại NHCSXH với lãi suất cho vay ưu đãi hơn (chương trình có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).
Ngoài ra, khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như: bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng… dẫn đến nguồn thu nhập của khách hàng sụt giảm...
Chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, sẽ phối hợp Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế triển khai.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hài hòa, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay theo Chương trình theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 33/NQ-CP; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình, mở rộng công tác truyền thông, giới thiệu, tư vấn các nội dung Chương trình tới khách hàng đủ điều kiện để khách hàng có đủ thông tin và chủ động tiếp cận, vay vốn khi có nhu cầu.
Vân Anh