Sau một thời gian dài nghỉ Tết, thay vì tinh thần hứng khởi nhập cuộc làm việc ngay thì một bộ phận người lao động lại thờ ơ với công việc mà cuốn theo dòng người hành hương về các lễ hội đầu xuân.
Tuy nhiên, thói quen và tác phong lao động của một nền nông nghiệp lạc hậu vẫn ăn sâu trong một bộ phận lao động. Đáng quan ngại hơn là mặt trái của cơ chế thị trường đã dẫn tới sự thương mại hoá nhiều lễ hội truyền thống. Điều đó không chỉ làm méo mó các giá trị văn hoá mà nó còn tạo ra không ít hệ lụy cho xã hội. Đó là sự tâm linh hoá các lệch hội, hoạt động buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan...
Ở nhiều lễ hội, người ta bắt gặp cảnh dòng người nô nức đi đăng ký dâng sao giải hạn, đi vay tiền của bà chúa nọ ông quan kia, chen lấn xô đẩy nhau, tranh giành nhau để xin ấn quan triện chúa, đốt vàng mã để trả nợ tào quan…
Họ sẵn sàng chấp nhận mất tiền để mua sự bình an cho mình và gia đình mà chẳng nhìn thấy được, chẳng kiểm chứng được những điều xấu, vận hạn có bớt đi hay tăng lên trong sự mê muội.
Trong cuộc sống mỗi người tự tìm cho mình những phương pháp phù hợp để tu tập rèn luyện đạt đến sự cân bằng trong tư tưởng, niềm tin tâm linh và sự tín ngưỡng. Một điều chắc chắn rằng không nên quá cuồng tín cũng đừng vội vàng đả phá, bổ báng niềm tin tâm linh hay tín ngưỡng của người khác.
Tuy nhiên, nạn suy thoái về đạo đức của một bộ phận trong xã hội đã đến hồi báo động, tín ngưỡng dân gian trong các đền, chùa, miếu, phủ mang dáng dấp của mê tín dị đoan trá hình dưới nhiều hình thức tinh vi làm cho con người ỷ lại ở nhiều nơi và ở nhiều lễ hội đầu xuân?.
Không ít người đến với lễ hội với một tâm lý cầu an, hưởng lạc vị kỷ thái quá, gửi gắm niềm tin tuyệt đối nơi “thần thánh” vượt ra khỏi niềm tin tâm linh trong sáng mà chuyển sang một trạng thái cực đoan. Người ta chen lấn xô đẩy, dẫm đạp lên nhau, thậm chí đánh nhau, chửi bới gây ra đổ máu cũng chỉ vì giành giật bằng được “lộc thánh” “ấn quan” cho mình…
Bên cạnh việc nhiều nơi vẫn còn gìn giữ những nghi lễ mang tính phồn thực có giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh như rước nước, dâng bánh, ném còn, cưỡi ngựa…thì nhiều nơi người ta đã “chèn” vào lễ hội những chiêu trò buôn thần, bán thánh, tìm cách tăng thu nhập, chiếm đoạt đồ lễ, thỏa mãn những mục tiêu cá nhân.
Nhiều người thể hiện đẳng cấp qua việc sắm dâng các thứ phẩm vật, vàng mã tế lễ để tiến cúng, đốt trao cho các đấng thánh thần. Họ thấy hạnh phúc khi “cầu xin” được nhiều hơn người khác để đưa về nhà. Cái ảo tưởng, ảo vọng giàu sang do cầu xin hay cướp được từ thánh thần của một bộ phận người “sính cầu” đã đến mức báo động.
Một dân tộc sẽ đi đến đâu nếu người dân không tin vào chính mình mà dựa dẫm vào thần thánh để đi đến tương lai?
Đó không chỉ là niềm trăn trở của riêng những nhà nghiên cứu, nhà văn hoá và chuyên gia mà còn của phần đông người dân có trách nhiệm với sự phát triển lành mạnh của văn hoá dân tộc.
“Tâm an vạn sự an” là lời dạy của tất cả các tôn giáo, các trường phái tâm linh. Con người ta do còn bất an trong lòng, do lòng Tham - Sân - Si và cả sự vô minh hành động theo trào lưu mà dẫn tới những hành vi tâm linh thái quá đáng bị lên án.
Đã đến lúc chúng ta cần triển khai các biện pháp đồng bộ cả hành chính, luật pháp, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về công tác lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh. Chúng ta cần giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị rất quý giá của lễ hội, để lễ hội lấy lại hình ảnh đẹp và trong trẻo như xưa. Đồng thời, hạn chế, tiến tới loại bỏ những cái xấu, cái tiêu cực, những vết nhọ mà người ta cố tình gắn vào lễ hội.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Vương Xuân Nguyên/NĐT