+Aa-
    Zalo

    Giới trẻ sẵn sàng "rút ví" để xé túi mù, chuyên gia tâm lý nói gì?

    (ĐS&PL) - Trào lưu "túi mù" hay "hộp mù" đang lan rộng nhanh chóng, đặc biệt thu hút giới trẻ bởi yếu tố bất ngờ và thú vị mà chúng mang lại.

    Bắt đầu rộ lên vào tháng 8 năm ngoái, những chiếc "túi mù" hoặc "hộp mù" luôn đem đến nhiều cảm xúc cho người chơi. Bởi họ không biết chắc chắn vật phẩm nào đang ẩn giấu đằng sau lớp vỏ ni lông hay túi đựng. Thế nên sức hút của chúng đến từ sự bí ẩn, thôi thúc người mua phải sở hữu, sưu tầm.

    Ở thời điểm hiện tại, những chiếc "túi mù" đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, khi đối tượng của trào lưu này chủ yếu là giới trẻ - nhóm khách hàng sẵn sàng chi tiêu "không cần suy nghĩ quá nhiều".

    Giới trẻ sẵn sàng "rút ví" để xé túi mù, chuyên gia tâm lý nói gì?  - 1

     

    "Túi mù" là cách gọi những món đồ chơi đa dạng trong các túi nhỏ riêng biệt. Ảnh: Sưu tầm.

    "Túi mù" là cách gọi những món đồ chơi đa dạng trong các túi nhỏ riêng biệt. Ảnh: Sưu tầm.

    Chi tiền triệu để chơi xé "túi mù"?

    "Túi mù" là cách gọi những món đồ chơi đa dạng trong các túi nhỏ riêng biệt. Những túi này được chia thành nhiều chủ đề khác nhau như con vật, trái cây cách điệu hay các nhân vật hoạt hình với nhiều màu sắc bắt mắt. Lý do "túi mù" trở thành cơn sốt là do người mua không biết được mình sẽ sở hữu món đồ chơi nào cho đến khi xuống tiền để người bán hàng xé túi trực tiếp trên livestream.

    Với mức giá dao động từ 120.000 đến 250.000 đồng người chơi sẽ sở hữu được túi 10 túi, bên trong chứa những món quà ngẫu nhiên. Các loại túi mù sẽ có kích thước dao động từ 1 đến 3,5cm.

    Khi mở "túi mù" trên livestream cho khách, người bán sẽ kèm thêm các ưu đãi như: Mở trúng nguyện vọng (món đồ chơi khách chọn từ trước) thì tặng thêm 1 túi; mở 2 con giống nhau thì tặng thêm một túi; mở 3 con liên tiếp khác nhau thì tặng thêm 2 túi...

    Như vậy, có khách chỉ mua 10 túi nhưng sau khi xé túi lại được tặng thêm gần 20 túi. Số đồ chơi sau khi mở túi sẽ được đóng gói và gửi đến khách hàng.

    Trên nền tảng mạng xã hội tiktok cứ 5 livestream thì có 4 livestream tham gia trào lưu này. Ảnh: Sưu tầm.

    Trên nền tảng mạng xã hội tiktok cứ 5 livestream thì có 4 livestream tham gia trào lưu này. Ảnh: Sưu tầm.

    Chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, Huyền Trang (23 tuổi, Hà Nội) là một người khá yêu thích trào lưu "xé túi mù". Theo Huyền Trang, trò chơi này không chỉ hấp dẫn người chơi mà còn thu hút người xem, bởi nó có yếu tố bất ngờ, sự sáng tạo, tương tác giữa mọi người trên mạng xã hội…

    "Việc không biết trước bên trong túi là gì tạo yếu tố bất ngờ và kích thích sự tò mò. Điều này làm cho người xem cảm thấy hào hứng và muốn biết người chơi sẽ nhận được gì. Trò chơi cũng sẽ khiến người xem để lại bình luận về phản ứng của người chơi và gợi ý cho các video tương lai. Điều này tạo ra một cộng đồng sôi động và kết nối mọi người trên mạng xã hội với nhau… ", Huyền Trang chia sẻ.

    Cũng theo Huyền Trang, trò chơi "xé túi mù" có nhiều phiên bản khác nhau, mỗi phiên bản mang đến một trải nghiệm riêng. Một số phiên bản phổ biến bao gồm: Túi mù đồ chơi (chứa các đồ chơi nhỏ, như mô hình nhân vật hoạt hình hoặc đồ chơi sưu tầm); Túi mù thực phẩm (chứa các món ăn hoặc đồ uống bất ngờ); Túi mù đồ dùng hàng ngày (đồ trang trí, phụ kiện thời trang, hoặc đồ dùng học tập).

    Cũng giống như Huyền Trang, khi thấy thấy hàng ngàn người đang chơi “xé túi mù” trên livestream vui quá, Phương Anh (28 tuổi, trú tại TP.HCM) cũng chuyển tiền cho người bán, dán mắt theo dõi livestream cả đêm, chờ tới lượt mình. Phương Anh chia sẻ: “Quan trọng là muốn người bán kêu tên, tới lượt, nói chuyện với mình, chỉ tầm 1-2 phút thôi nhưng cảm giác lôi cuốn lắm. Tuần này tôi mua tới 3 lần, tổng thiệt hại hơn 900.000 đồng”.

    Thế nhưng, niềm vui kéo dài không lâu, nhận hàng về với gần trăm charm nhựa và hạt nhựa linh tinh, Phương Anh mới cảm thấy tiếc tiền: “Mỗi túi chỉ có 1 charm nhựa, giá khoảng 3.000 đồng, có khi chỉ là 3 hạt cườm loại trẻ em hay xâu vòng đeo. Giờ ngao ngán nhìn đống đồ nhựa đầy nhà mới thấy tiếc, số tiền đó lẽ ra có thể giúp tôi sinh hoạt cả tuần”.

    Theo báo cáo của nền tảng thống kê thương mại điện tử Metric Việt Nam, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9, tổng doanh thu của 539 cửa hàng kinh doanh sản phẩm "túi mù", túi may mắn trên 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada,Tiki, Sendo, TikTok Shop) đạt 4,6 tỷ đồng.

    Trên thế giới, hiện tượng hộp mù, "túi mù" đã mở rộng ra nhiều ngành và mặt hàng, chẳng hạn như thẻ giao dịch, quần áo, phụ kiện và cả thực phẩm. Thế giới trực tuyến đã khuếch đại sức hấp dẫn của trào lưu này, nuôi dưỡng một cộng đồng những người cùng đam mê. Khách hàng lâu năm có thể đầu tư một số tiền nhỏ để khám phá một vật phẩm có giá trị giúp mang lại số tiền đáng kể trên thị trường thứ cấp.

    Lý giải tâm lý của người chơi xé túi mù

    Chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý Đời sống cho biết, xé túi mù là một trải nghiệm kích thích hệ thống thần kinh, giải phóng dopamine – chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác vui sướng và thỏa mãn.

    Sự hồi hộp khi khui "túi mù" tương tự như sức hấp dẫn của vé số, kết hợp giữa khả năng và hy vọng có được món đồ như ý. Ảnh: Sưu tầm.

    Sự hồi hộp khi khui "túi mù" tương tự như sức hấp dẫn của vé số, kết hợp giữa khả năng và hy vọng có được món đồ như ý. Ảnh: Sưu tầm.

    “Giới trẻ có tâm lý khát khao sở hữu, việc sở hữu một món đồ độc đáo, bất ngờ thường mang lại cảm giác tự hào và khác biệt. Điều này đáp ứng nhu cầu được công nhận và khẳng định bản thân của giới trẻ. Đặc biệt, việc xé túi mù giống như một cuộc phiêu lưu nhỏ, nơi người chơi được khám phá những điều mới lạ. Điều này thỏa mãn nhu cầu tò mò và ham muốn khám phá vốn có của con người”, chuyên gia tâm lý Thu Hà phân tích.

    Lý giải thêm việc giới trẻ ngày càng hứng thú xé túi mù, theo chuyên gia tâm lý Thu Hà, đây là hiệu ứng FOMO - nỗi sợ bị bỏ lỡ những điều thú vị. Những trải nghiệm mới lạ khiến giới trẻ luôn muốn tham gia vào những trào lưu đang hot.

    Ở Việt Nam, tâm lý đám đông lại càng mạnh mẽ. Khi thấy nhiều người xung quanh cùng tham gia, giới trẻ có xu hướng làm theo để cảm thấy mình như một thành viên và được hòa nhập mà không bị lạc lõng giữa môi trường ít giao tiếp như hiện nay.

    Ngoài ra, xu hướng này càng được lan tỏa rộng rãi bởi những người có sức ảnh hưởng, càng thu hút thêm sự quan tâm của người dùng. Điều này có thể giải thích bởi hiệu ứng đám đông - một hiện tượng tâm lý mà hành vi, quyết định của con người bị ảnh hưởng bởi hành vi của cộng đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/gioi-tre-san-sang-rut-vi-e-xe-tui-mu-chuyen-gia-tam-ly-noi-gi-a476048.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan