+Aa-
    Zalo

    Giết người khi bị cưỡng bước, cô gái phải bồi thường 100 triệu tiền "tổn thất tinh thần": Có hợp lý?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi gây ra cái chết cho người hiếp dâm mình, ngoài chịu mức án tù, bị cáo còn phải bồi thường 100 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần.

    Sau khi gây ra cái chết cho người hiếp dâm mình, ngoài chịu mức án tù, bị cáo còn phải bồi thường 100 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần và 60 triệu đồng tiền ma chay cho đình nạn nhân.

    Sáng 19/9, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Giết người đối với bị cáo Trần Kim Ngân (23 tuổi, quê Bạc Liêu).

    Theo cáo trạng, tháng 9/2016, Trần Kim Ngân và Lương Địch Lân (26 tuổi, ngụ TP.HCM) quen nhau qua mạng xã hội. Ngày 30/11/2016, khi Ngân đang làm việc thì Lân gọi điện rủ đi chơi. 21h50 phút cùng ngày, Lân chở Ngân đến bãi đất trống phía sau chùa Huê Nghiêm (quận 2, TP.HCM) để tâm sự.

    Tại đây, Lân đã có hành vi cưỡng hiếp bạn gái. Khi thấy có xe máy chạy ngang, Ngân vừa định tri hô thì bị Lân móc dao ra dọa. Sợ bị sát hại nên Ngân im lặng và bị Lân dùng vũ lực xâm hại.

    Sau đó, khi tước được dao, Ngân đã đâm vào bụng thanh niên. Khi bỏ chạy, bị Lân nắm tay kéo lại, Ngân hoảng sợ đâm một nhát vào ngực trái Lân rồi vứt dao vào bụi cỏ, đi bộ ra đường đón taxi về phòng trọ tại quận 6, TP.HCM.

    Còn Lân, khi cố gắng chạy xe máy ra đường lớn thì tông vào hàng rào một quán cà phê ven đường và gục chết do vết thương thủng tim.

    Tại phiên tòa, Ngân thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng vì quá sợ sẽ bị Lân cưỡng hiếp nên trong lúc giằng co, Ngân đã vung dao.

    Sau khi nghị án, HĐXX xét thấy hành vi giết người của Ngân xuất phát từ tâm lý hoảng sợ nên phạm vào tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Do vậy, mức án Ngân phải chịu bằng với thời hạn tạm giam là 9 tháng 12 ngày tù. Bị cáo được trả tự do ngay sau phiên tòa.

    Bị cáo cũng đồng ý mức bồi thường mà gia đình bị hại yêu cầu, bao gồm: 60 triệu đồng tiền ma chay và 100 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần.

    Sáng 19/9, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Giết người đối với bị cáo Trần Kim Ngân

    Theo TS - LS. Nguyễn An (Công ty Luật Cộng Đồng), nếu nội dung phiên tòa xét xử đúng như báo chí phản ánh thì việc tuyên phạt tiền và án của Tòa án đối với Trần Kim Ngân là chưa đúng với hành vi thực tế.

    Cụ thể, theo quy định tại Điều 15 BLHS quy định, hành vi chống trả phải là biện pháp “cần thiết” để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi tấn công. Điều này có nghĩa, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người phòng vệ trên cơ sở tự đánh giá tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi tấn công và những yếu tố khác để quyết định biện pháp chống trả mà người đó cho là “cần thiết” nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại đến các khách thể được Luật Hình sự bảo vệ.

    TS - LS. Nguyễn An, Công ty Luật Cộng Đồng

    Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.

    Đối với thông tin trên báo chí về trường hợp cô gái này, rõ ràng, Trần Kim Ngân hoàn toàn rơi vào hoàn cảnh bản thân bị tấn công, không ai ứng cứu,  liên tục bị tấn công và đặc biệt là bị dồn vào thế hoảng loạn vì vừa bị xâm hại, tinh thần lại bị kích động mạnh. Với tình huống này, Trần Kim Ngân đã không thể tự chủ được đã dung con dao (dao của bị hại dùng để đe dọa giết bị cáo) đâm loạn xạ để phòng vệ bản thân. Như vậy, hành vi trên của Trần Kim Ngân thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 BLHS.

    Cũng theo quan điểm của TS. LS. Nguyễn An, về lý thuyết, mặc dù trạng thái tinh thần của mỗi người là khác nhau khi rơi vào tình thế nguy hiểm nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh. Trong tình huống này, cần nhanh chóng tìm cách thoát khỏi kẻ tấn công và tri hô để nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài. Lưu ý, cố gắng nhận biết những vị trí tấn công thoát thân mà không có nguy hại đến tính mạng của mình cũng như của kẻ tấn công.

    Vũ Đậu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giet-nguoi-khi-bi-cuong-buoc-co-gai-phai-boi-thuong-100-trieu-tien-ton-that-tinh-than-co-hop-ly-a206326.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan