+Aa-
    Zalo

    Giật mình cuộc hôn nhân với "rể ngoại" chóng vánh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khát khao cuộc sống nhàn hạ, giàu sang, nhiều cô dâu Việt sau khi theo chồng về nước không có cuộc sống như họ nghĩ. Người lớn khốn khổ một nhẽ, những đứa con lai vô tội

    Khát khao cuộc sống nhàn hạ, giàu sang, nhiều cô dâu Việt sau khi theo chồng về nước không có cuộc sống như họ nghĩ. Người lớn khốn khổ một nhẽ, những đứa con lai vô tội lại vướng bao chuyện oái oăm.

    Người lớn nhẹ dạ, trẻ em chịu thiệt

    Chúng tôi về tỉnh Hậu Giang, tìm gặp một số cô dâu Việt đã ly hôn chồng Hàn, mang theo con trở về quê sinh sống. Tại đây, chúng tôi mới hiểu, đằng sau cuộc hôn nhân qua “đoàn” (môi giới bất hợp pháp) có quá nhiều nước mắt, vô vàn nỗi khổ chứ không nhung gấm như nhiều người ảo tưởng.

    Khi được hỏi về cuộc hôn nhân với người chồng Hàn, chị C.T.D. (SN 1990, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) ngậm ngùi chia sẻ những đắng cay, nhục nhã phải hứng chịu nơi xứ người.

    Chị D. và đứa con trai không có giấy tờ tuỳ thân.

    Chị kể, cuộc sống bên Hàn của chị không khác gì đi tù vì suốt ngày phải ở trong nhà. Gia đình chồng cố ý không cho chị học tiếng Hàn, có lẽ họ sợ chị chạy trốn. Do vậy, hàng ngày, không ai nói chuyện với chị mà chỉ ra dấu sai bảo làm việc. Nếu không hiểu ý, ngay lập tức anh chồng sẽ lao vào đánh vợ không thương tiếc. Chị thường xuyên bị bỏ đói, hành hạ.

    Khi chị mang thai đứa con đầu, dù rất mệt mỏi nhưng nhà chồng vẫn bắt làm việc tối ngày. Nghe thông tin có một số cô dâu Việt chết không rõ nguyên nhân, quá sợ, chị D. gọi điện thoại về nhờ mẹ xin số liên lạc khẩn cấp của cơ quan chức năng bên Hàn.

    Rất nhiều cô gái miền Tây lấy chồng Hàn Quốc (Ảnh minh họa).

    Đỉnh điểm sự việc là khi chị sinh con được 2 tháng. Thời gian này, chồng chị lại đánh đập, bạo hành nên chị gọi điện cầu cứu cơ quan chức năng và được Chính phủ Hàn Quốc cho về nước.

    Lúc rời nhà chồng, trên người chị chỉ có vẻn vẹn vài bộ quần áo. Tay ôm theo đứa con còn đỏ hỏn, người phụ nữ ấy phải nói dối là nhớ nhà, xin phép về thăm bố mẹ ít ngày anh chồng mới đồng ý cho đi.

    Lý do lấy chồng Hàn của chị D. thật đơn giản. Cũng như bao cô gái nơi đây quyết định lấy chồng nước ngoài với ý nghĩ sẽ có chút tiền trợ giúp gia đình, thoát kiếp chân lấm tay bùn.

    Theo lời chị D., 6 người trong gia đình chị cùng sinh sống trong căn nhà mái lá chật hẹp, tài sản chẳng có gì đáng kể. Thương cha mẹ già yếu, nghèo khổ, chị nhắm mắt đưa chân, quyết tâm đi “chào đoàn” (kết hôn qua môi giới bất hợp pháp) với mong muốn giúp đỡ cha mẹ có tiền thuốc thang. Qua nhiều vòng, chị được chọn. Mới 19 tuổi, chị D. qua làm dâu xứ người. Đến Hàn Quốc, đất nước hoàn toàn xa lạ, không quen biết ai, chị bàng hoàng phát hiện ra bộ mặt vũ phu của anh chồng thì đã quá muộn.

    Chuyện kinh hoàng đã qua gần 6 năm, nhưng đến giờ, chị D. vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ đến những tháng ngày làm dâu xứ người. Đứa con ngày ấy chị mang theo về nước giờ đã hơn 5 tuổi. Thằng bé mang 2 dòng máu Việt – Hàn. Trên tất cả các giấy tờ, bé là công dân Hàn Quốc chính hiệu. Và theo quy định, cứ 3 tháng, chị D. lại phải cầm hộ chiếu của con đi gia hạn một lần.

    Chia sẻ với chúng tôi, chị D. lo lắng cho biết, cháu bé sắp bước vào lớp 1 nhưng vẫn là một công dân “chui”, không một mảnh giấy xác nhận thân phận. Chị chép miệng: “Có lẽ bé sẽ phải “học gửi” mà không được hưởng những ưu đãi xã hội như bao đứa trẻ cùng trang lứa”.

    Câu chuyện về cô con gái ông T.T. (thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) theo môi giới lấy chồng ngoại cũng tương tự hoàn cảnh chị D.. Chưa kịp hưởng hạnh phúc hoa lệ xứ người, sau khi sinh con, cô con gái ông T. cũng ôm con về nước vì bị chồng ngược đãi.

    Hai mẹ con bồng bé về quê đến tuổi đi học, cháu ngoại ông T. không được nhập học do không có giấy khai sinh để làm học bạ. Bí quá hóa liều, ông đành mượn giấy tờ của người hàng xóm để cháu được đến trường, dù biết cháu sẽ phải sống bằng các giấy tờ, tên tuổi người khác.

    Cần tháo gỡ

    Qua tìm hiểu, PV được biết, vài năm gần đây, tại tỉnh Hậu Giang, số trẻ con lai về nước tăng đột biến, nảy sinh nhiều vấn đề tư pháp, nhân thân. Toàn tỉnh có 160 học sinh có yếu tố nước ngoài nhưng chỉ mới có 1/3 số học sinh này được đăng ký khai sinh tại Việt Nam. Phần lớn các em đều mang tên nước ngoài. Những em này đến trường bằng cam kết của gia đình, bản dịch giấy khai sinh từ tiếng nước ngoài, hộ chiếu, giấy xác nhận tạm trú hoặc bằng hình thức học gửi và chờ bổ sung hồ sơ sau.

    Ngay từ năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho trẻ em mang quốc tịch nước ngoài trong độ tuổi đi học được tham gia học tập.

    Thông tin từ sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, tính đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm trẻ được đưa về Việt Nam sau khi cha mẹ đổ vỡ hôn nhân, trong đó chỉ 179 trẻ có giấy khai sinh và đến trường, 174 trẻ còn lại không được đi học do vướng về khai sinh. Để tháo gỡ, sở Tư pháp tỉnh đưa ra giải pháp là tiếp nhận hồ sơ và xác nhận đã nhận hồ sơ, chờ xin ý kiến của bộ Tư pháp, sau đó gửi về địa phương cho các em được đến trường.

    Về vấn đề này, bà Kim Young Ju, Trưởng phòng Chính sách phụ nữ, viện Phát triển chính sách phụ nữ Chungcheongnam (Hàn Quốc) cho rằng, đằng sau những cuộc hôn nhân bất bình đẳng này là những mâu thuẫn nghiêm trọng trong đời sống gia đình các cô dâu Việt. Đó là sự khác biệt về văn hoá, pháp luật và phong tục tập quán. Ngoài ra, luật Ủng hộ gia đình đa văn hoá của Hàn Quốc cũng thể hiện sự chưa công bằng khi yêu cầu người phụ nữ phải học ngôn ngữ, phong tục, văn hoá của chồng.

    Bà Kim cũng cho rằng, hôn nhân không trên cơ sở tình yêu thật sự, cùng việc thiếu thông tin rõ ràng về hai phía, lại chịu sự chi phối vì mục đích lợi nhuận của môi giới trung gian đã khiến nhiều cuộc hôn nhân trở thành bi kịch với những vụ bạo lực gia đình, hay nhẹ hơn là sự không thể hoà nhập với cuộc sống chung. Mặt khác, trẻ em thế hệ thứ hai trong các gia đình đa văn hoá này cũng cần phải được quan tâm đúng mức để không chỉ hoà nhập được với môi trường xung quanh mà còn phải biết và hiểu về quê hương thứ hai của mình.

    Ông T. kể lại chuyện chạy giấy cho cháu ngoại đi học.

    Trên thực tế, việc học hành của những đứa trẻ xứ sở Kim chi ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, do thiếu học bạ, thiếu giấy tờ. Nếu không tháo gỡ những vướng mắc trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi và tương lai của trẻ. Trong lần trao đổi với PV về thực trạng trên, bà Thái Thu Xương, Chủ tịch hội LHPN tỉnh Hậu Giang cho hay: “Hệ quả của những cuộc kết hôn chóng vánh, “mù” thông tin này chính là tỉ lệ ly hôn của gia đình đa văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam đang có xu hướng tăng cao”.

    “Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hậu Giang giải quyết ghi chú ly hôn 956 trường hợp (trong đó ly hôn với người Hàn Quốc là 630 trường hợp). Tính đến nay, hội LHPN tỉnh đã đề xuất các giải pháp để giải quyết những khó khăn cho các bà mẹ hồi hương và con em ngoại kiều. Đặc biệt, Hội đã đề xuất ra Trung ương hội LHPN Việt Nam và các cơ quan chức năng tham mưu với Chính phủ để có những chính sách hỗ trợ, giải quyết các chính sách cho các em có thể hưởng chế độ như một công dân Việt Nam bình thường”, bà Xương cho biết thêm.

    Luôn quan tâm theo dõi sát sao tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài

    Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch hội LHPN tỉnh Hậu Giang cho biết: “Chúng ta cần phải luôn quan tâm theo dõi sát sao tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài của chị em trên địa bàn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Hội đã tổ chức vận động, hỗ trợ mọi thủ tục pháp lý cho chị em hồi hương. Chúng tôi còn đề nghị ngân hàng Chính sách xã hội có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng này nếu họ muốn ở lại địa phương sinh sống. Trên thực tế, đa phần cô dâu vì xấu hổ, tự ti nên thường đi xa làm ăn hoặc tiếp tục lấy chồng khác".

    Tô Hương Sen


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giat-minh-cuoc-hon-nhan-voi-re-ngoai-chong-vanh-a207868.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan