+Aa-
    Zalo

    Gian nan lắm hành trình xuất ngoại của cầu thủ Việt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù chúng ta đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng nhưng hành trình xuất ngoại của họ cũng vô cùng gian nan và vất vả.

    Bóng đá Việt Nam gặt hái được những thành công ngoài mong đợi trong suốt hơn một năm qua khiến nhiều cầu thủ lọt vào mắt xanh của nhiều câu lạc bộ (CLB) nước ngoài. Tuy nhiên, dù chúng ta đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng nhưng hành trình xuất ngoại của họ cũng vô cùng gian nan và vất vả.

    Từ trái sáng: Lương Xuân Trường, Công Phượng, Đặng Văn Lâm

    Hành trình xuất ngoại ngắn ngủi

    Sau khi Asian Cup 2019 khép lại với thành công rực rỡ của ĐTQG Việt Nam khi lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu Á, các tuyển thủ quốc gia Việt Nam được nhiều CLB nước ngoài để ý và đánh tiếng muốn chiêu mộ.

    Công Phượng, Xuân Trường và Văn Lâm là những người đại diện cho bóng đá Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Ở lần xuất ngoại này, người hâm mộ (NHM) nước nhà có niềm tin mãnh liệt vào khả năng thành công của bộ ba này khi họ đã trưởng thành hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

    Sự kỳ vọng và niềm tin vào một tương lai tươi sáng càng được củng cố khi Văn Lâm chiếm được vị trí số một trong khung gỗ của Muangthong United (Thai League).

    Còn Xuân Trường và Công Phượng cũng có khởi đầu cực kỳ thuận lợi trong màu áo của Buriram United (Thai League) và Incheon United (K.League). Cả hai cầu thủ này đều tỏ ra hòa nhập rất nhanh với đội bóng mới, những người đồng đội mới qua những buổi tập hay ngoại khóa đầy bổ ích.

    Xuân Trường sau khi sang Thái, anh đã có liên tiếp hai trận đấu được ra sân ngay từ đầu và cũng để lại ít nhiều ấn tượng với NHM Bóng đá Thái Lan nhờ những tình huống chuyền bóng mang đậm thương hiệu của cầu thủ này.

    Còn trường hợp của Công Phượng, sau những trận đấu chỉ được vào sân trong ít phút cuối trận, dần dần tiền đạo này được ra sân thi đấu nhiều hơn và cũng đem lại làn gió tươi mới cho hàng tấn công của Incheon United.

    Thế nhưng, niềm vui của NHM Việt Nam không tồn tại được lâu, sau 5 tháng ngắn ngủi có mặt ở Thái Lan, Xuân Trường bị Buriram United chấm dứt sớm hợp đồng với lý do không đáp ứng được chuyên môn. Tiền vệ 24 tuổi ra sân tổng cộng 9 trận (316 phút) nhưng chỉ có 4 trận đá chính, ghi 1 bàn và thực hiện 1 đường kiến tạo.

    Xuân Trường cũng đã có cơ hội để thể hiện mình, nhưng anh không nắm bắt được, nói đúng hơn, có những vấn đề về thể lực, thể hình đã khiến tiền vệ của tuyển Việt Nam không thể làm được quá nhiều điều như mong muốn ở lần thứ 2 ra nước ngoài thi đấu.

    Công Phượng cũng chịu chung số phận như người đồng đội thân thiết Xuân Trường khi anh cũng không được thi đấu thường xuyên và phải ngồi ở băng ghế dự bị.

    Dù chỉ thi đấu ở nước ngoài trong thời gian ngắn ngủi nhưng ít nhiều cả Công Phượng và Xuân Trường đều tích lũy cho mình được những kinh nghiệm quý báu. Cũng như họ cũng đã gây dựng được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng NHM Buriram United và Incheon United.

    Giờ đây, trong số 3 cầu thủ cùng xuất ngoại thì chỉ còn mỗi Văn Lâm là vẫn bám trụ được tại đội bóng còn hai người đồng đội của anh đã sớm phải xách vali về nước.

    Bỏ lại quá khứ, hướng tới tương lai

    Sau quãng thời gian không thành công trên đất Thái, ngày 26/6 vừa qua, Xuân Trường lặng lẽ về nước trong vòng tay của gia đình.

    Chuyến đi không thể coi là thất bại cũng không thể gọi là quá thành công của tiền vệ gốc Tuyên Quang nhưng đã giúp anh trưởng thành hơn về cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm.

    Có thể nói, việc Xuân Trường về nước đã nằm trong kế hoạch của HAGL khi ngay lập tức đội bóng này đã đăng ký cho tiền vệ này thi đấu ở giai đoạn lượt về V.League 2019. Về với V. League, Trường sẽ được thi đấu mỗi tuần cùng những người đồng đội thân thiết trong màu áo HAGL. Điều này là cần thiết cho anh bởi nó sẽ giúp cầu thủ này tìm lại được cảm giác bóng cũng như phong độ.

    Khác với Xuân Trường, Công Phượng trở về Việt Nam chỉ để nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn trước khi lại lên đường sang Bỉ tìm kiếm cơ hội mới. Đây được xem là bước đi khá mạo hiểm của tiền đạo này bởi những giải đấu ở châu Âu vô cùng khắc nghiệt.

    Nói tới đây, người ta bỗng nhớ tới một thời gian dài cầu thủ mang áo số 23 phải ngồi trên băng ghế dự bị khi đầu quân cho Incheno United. Công Phượng thi đấu khá nhạt nhòa, thậm chí có những trận đấu anh chỉ vào sân được vài phút. Nhiều người tự hỏi: "Liệu tương lai của Công Phượng ở Bỉ có khá khẩm hơn? Anh có làm nên kỳ tích", "Liệu Công Phượng có hòa nhập tốt?"...

    Ngoài ra, Công Phượng cũng nằm trong kế hoạch giành vàng SEA Games 30 và vòng loại World Cup 2022 tới đây nên nếu ở lần xuất ngoại này anh không thể thành công và phải ngồi dự bị thì nhiều khả năng anh sẽ lại đánh mất đi phong độ và cảm giác bóng ở những giải đấu rất quan trọng của bóng đá Việt Nam sắp tới.

    Dẫu biết, con đường xuất ngoại của cầu thủ Việt không bao giờ là dễ dàng và bằng phẳng nhưng sau mỗi lần ra nước ngoài thi đấu không thành công thì những Công Phượng, Xuân Trường sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý báu.

    Đây cũng là bài học để những cầu thủ khác đang được các đội bóng châu Âu để ý như Văn Hậu hay Quang Hải nhìn vào đó để đúc rút ra những gì mà các đàn anh chưa làm được và còn thiếu để bổ sung và chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi hướng tới việc xuất ngoại thi đấu. Hy vọng rằng trong tương lai, bóng đá Việt Nam sẽ có được những cầu thủ thi đấu thực sự thành công khi xuất ngoại.

    U.Đ.L

    Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 105

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gian-nan-lam-hanh-trinh-xuat-ngoai-cua-cau-thu-viet-a283034.html
    Sự kiện: Giải trí 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan