Khi bệnh ung thư trở thành nỗi lo sợ cho rất nhiều người trên thế giới, ai cũng muốn biết mình cần phải làm gì để phòng tránh được nó.
Tiến sĩ - Bác sĩ William G. Nelson, Giám đốc Trung tâm Ung thư Kimmel, thuộc Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên từ phóng viên của trang Quora.com: "Bây giờ tôi 20, tôi nên làm gì để không bị ung thư trong 20 năm nữa?"
Xin được tóm tắt câu trả lời của ông như sau:
1. Điều quan trọng nhất là tránh thuốc lá ở mọi dạng
Ung thư phổi đang là loại ung thư gây chết nhiều nhất tại Mỹ, cũng như Việt Nam. Người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 20-30 lần so với người không hút. Người hút thuốc cũng có nguy cơ bị 18 loại ung thư khác cao hơn người không hút, bao gồm các ung thư thanh quản, bàng quang, cổ tử cung, dạ dày và đại tràng.
Tại Việt Nam, theo thống kê của WHO năm 2012, ung thư phổi đứng thứ 2 về số ca tử vong với gần 20.000 người chết (tỷ lệ chuẩn hoá theo độ tuổi là 22,6 người trên mỗi 100.000 dân số), chỉ đứng sau (khoảng 21.000 ca tử vong, tỷ lệ chuẩn hoá theo độ tuổi là 23,7/100.000).
2. Kiểm soát cân nặng, giữ cơ thể thanh mảnh nhất có thể, nhưng không đến mức thiếu cân
Rất nhiều các nghiên cứu đã được thực hiện để tìm mối liên hệ giữa xác suất bị ung thư với chỉ số cân nặng.
Các kết quả đều lặp lại rằng tỷ lệ ung thư ở những người càng thừa cân thì càng cao. Tỷ lệ này cao nhất ở những người bị .
Để biết bản thân có thừa cân hay không, xin làm theo quy chuẩn sau:
Trước hết, tính chỉ số BMI của bạn.
BMI = khối lượng cơ thể (theo kg) / [chiều cao (theo mét) * chiều cao (theo mét)], tức là lấy khối lượng cơ thể chia cho bình phương chiều cao.
Theo đó, bạn có thể đánh giá cơ thể theo tiêu chuẩn sau:
• Dưới 18,5 là thiếu cân.
• 18,5 – 24,9 là bình thường.
• 25 – 29,9 là dư cân.
• Trên 30 là béo phì.
Theo lời khuyên của Bác sĩ Nelson, BMI của bạn càng gần 18,5 càng tốt, nhưng không nên dưới mức đó.
3. Vận động cơ thể, ít nhất 30 phút mỗi ngày
Ít vận động thể chất là nguyên nhân của rất nhiều bệnh, trong đó có ung thư và tim mạch. Một trong các nguyên nhân được đề nghị cho câu hỏi tại sao bệnh nhân ung thư đang trẻ hoá, đó chính là do chế độ làm việc văn phòng ngày càng phổ biến, những người trẻ lo tập trung làm việc mà quên đi vai trò quan trọng của việc vận động thể chất.
Nhiều chuyên gia khuyên rằng, cứ sau 1 tiếng ngồi tại chỗ thì bạn cần đứng dậy đi đâu đó trong vài phút, hoặc tập một số động tác thể dục tại chỗ. Đừng ngại khi bị nói "trẻ mà lo xa", hãy nhớ sức khoẻ là của bạn, không ai trả giá cho việc thiếu vận động ngoài chính bạn.
4. Hạn chế tối đa việc tiêu thụ thức uống có cồn (rượu bia)
Rất nhiều báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng tiêu thụ thức uống có cồn làm tăng nguy cơ ung thư, trong đó chịu tác động mạnh nhất là khu vực hệ tiêu hoá trên (vòm họng, thanh quản, thực quản, dạ dày) và gan. Cồn trong rượu bia, sau khi được chuyển hoá đã thành acetaldehyde, được xác định là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ung thư.
5. Hạn chế thực phẩm giàu chất béo hoặc đường
Như đã nói ở trên, việc thừa cân/béo phì làm tăng nguy cơ ung thư của bạn. Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm cân là hạn chế thực phẩm giàu chất béo hoặc đường, bên cạnh một chế độ vận động hợp lý.
6. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Hầu như ai cũng biết tia cực tím là tác nhân chính gây ung thư da, và tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời.
Do đó, việc hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là từ khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều để tránh tia cực tím là điều cần làm. Nếu phải ra khỏi nhà vào khoảng thời gian này, hãy giảm phần cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng càng nhiều càng tốt, hoặc sử dụng kem chống nắng.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải ánh nắng mặt trời là xấu. Chúng ta vẫn nên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng vào những lúc không gay gắt để da tổng hợp vitamin D, giúp chống còi xương, loãng xương.
7. Hàng năm nên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt nên hỏi bác sĩ xem độ tuổi của mình có phù hợp với phương pháp tầm soát ung thư nào hay không
Việc tầm soát ung thư là một trong những điều cần thiết nhất để phòng hoặc phát hiện ung thư ở những giai đoạn sớm, khi mà khả năng chữa trị còn cao. Hiện nay, tuy không phải loại ung thư nào cũng tầm soát được, nhưng nhiều loại ung thư phổ biến đã có phương pháp tầm soát, như cổ tử cung, vú, đại trực tràng, phổi…
Lưu ý rằng khám tổng quát không phải là tầm soát. Nếu bạn muốn làm tầm soát, cần nói rõ với bác sĩ của bạn để được tư vấn và chỉ định phương pháp phù hợp.
8. Chia sẻ thông tin về người thân bị ung thư với bác sĩ của bạn
Điều này quan trọng vì một số ung thư có yếu tố di truyền. Ví dụ, nếu trong gia đình bạn có ai đó bị ung thư vú, thì bạn (phụ nữ) cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn những người bình thường, khi đó việc tầm soát ung thư vú là cực kỳ quan trọng để phát hiện và ngăn chặn bệnh sớm.
9. Tiêm ngừa virus HPV và virus HBV
Virus HPV (human papillomavirus) là nguyên nhân gây một số loại ung thư, trong đó ung thư cổ tử cung là chính).
Virus HBV (hepatitis B) là loại virus gây viêm gan B, nguyên nhân chính gây ung thư gan.
Việc tiêm chủng này được áp dụng cho cả nam lẫn nữ.
Lưu ý là việc tiêm HPV có giới hạn tuổi.
10. Đa dạng hóa thực đơn hằng ngày.
Một thực đơn nghèo nàn (ít món), ít chất xơ, nhiều thịt đỏ (thịt gia súc như heo, bò…) sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Không có cách nào chắc chắn để loại trừ khả năng ung thư. Nhưng các biện pháp phòng ngừa tưởng chừng như bình thường này lại thực sự giảm khả năng bị ung thư của bạn một cách rõ rệt, bác sĩ Nelson nói.